Đất rộng, người đông, sở hữu không ít điều kiện để phát triển, huyện Di Linh được tỉnh Lâm Đồng xác định là vùng kinh tế động lực, là trung tâm tiểu vùng II của tỉnh. Tuy nhiên, sau gần 13 năm, địa phương này vẫn chưa cán đích huyện nông thôn mới (NTM). “Áp lực” nhiều, song không thể vì thế mà “ nóng vội”, ngược lại Di Linh cần những bước đi vững chắc, phù hợp để về đích huyện NTM.
Bài 1: Bước đi phù hợp cho nhiệm vụ mới
Dù giai đoạn trước đây hay ở thời điểm hiện tại, tính trên “thang điểm” theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM trước đây hay bây giờ, các địa phương trên địa bàn Lâm Đồng nói chung và huyện Di Linh nói riêng vẫn cần có những tính toán hợp lý để có được những “trái ngọt” trong hành trình xây dựng NTM.
Đồng chí Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh tham gia Chương trình “Ngày thứ Bảy vì NTM, đô thị văn minh” tại cơ sở |
• NHÌN LẠI 12 NĂM
12 năm, kể từ lúc huyện Di Linh bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM cho đến năm 2022 theo bộ tiêu chí cũ, bức tranh nông thôn của Di Linh đã có những chuyển biến nhất định.
Ông Vũ Hồng Long - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh (cơ quan thường trực điều phối của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện) cho biết: Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020, huyện Di Linh có 100% xã đạt chuẩn NTM. Hai xã Hòa Ninh và Đinh Lạc đã đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Có 42 thôn/160 thôn đạt NTM kiểu mẫu.
Sau nhiều nỗ lực của 12 năm, những “trái ngọt” cũng đã hình thành. Trong đó, rõ ràng nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, điện, giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi được đầu tư tương đối hoàn chỉnh và từng bước hiện đại. Hạ tầng kinh tế sản xuất có nhiều bước đột phá quan trọng. Thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2022 đạt 50 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2022 giảm xuống còn 3,9%. Hệ thống y tế, giáo dục, văn hóa và môi trường tiếp tục được hoàn thiện và nâng cao. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở luôn được chăm lo, xây dựng và củng cố vững mạnh. Quốc phòng - an ninh được giữ vững ổn định…
Song, bên cạnh đó, huyện Di Linh cũng còn nhiều mục tiêu chưa đạt được: Sản xuất nông nghiệp của địa phương tăng trưởng nhưng vẫn thiếu bền vững. Các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại quy mô còn nhỏ nên hiệu quả chưa cao và sự lan toả chưa lớn. Đời sống bà con người đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa như: Bảo Thuận, Sơn Điền, Gia Bắc, Đinh Trang Thượng chưa thực sự cao như kỳ vọng. Đáng buồn hơn, tâm lý trông chờ, ỷ lại của bà con vẫn còn tồn tại khá nhiều và đội ngũ cán bộ một số xã đã có biểu hiện chững lại, bằng lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được. Hạ tầng giao thông, cảnh quan và vệ sinh môi trường… vẫn đang đặt ra cho Di Linh những “bài toán” khó cần giải.
Nhìn lại có thể thấy: Vốn, sự năng động của đội ngũ cán bộ và sức dân chưa được khơi dậy hợp lý là những “nút thắt” của Di Linh suốt 12 năm đầu xây dựng NTM.
Nhìn lại có thể thấy: Vốn, sự năng động của đội ngũ cán bộ và sức dân chưa được khơi dậy hợp lý là những “nút thắt” của Di Linh suốt 12 năm đầu xây dựng NTM.
Hiện nay, việc xây dựng NTM đã chuyển sang giai đoạn mới, qua rà soát đối chiếu với Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 thì tất cả các xã của huyện Di Linh hiện chỉ đạt khoảng 10 tiêu chí. Hai “cánh chim đầu đàn” là Hoà Ninh và Đinh Lạc được huyện Di Linh chọn để xây dựng xã NTM nâng cao hiện cũng có tới 13 tiêu chí chưa đạt hoặc chỉ đạt một phần. Và đối với tiêu chí huyện NTM thì Di Linh hiện có 13 chỉ tiêu thuộc các tiêu chí: Quy hoạch, giao thông, y tế - văn hoá - giáo dục, môi trường, chất lượng môi trường sống, hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công vẫn chưa đạt.
Bí thư Huyện ủy Đinh Văn Tuấn khẳng định: “Dù có thể tiến chậm nhưng phải đảm bảo tiến chắc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM”.
Bà con DTTS ở xã Sơn Điền đang từng bước chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng hiệu quả |
• “ĐỀ CƯƠNG” CHO NHIỆM VỤ MỚI
Cho đến thời điểm hiện tại, Di Linh là một trong số ít những địa phương trong toàn tỉnh quyết định xây dựng một đề án riêng cho nhiệm vụ xây dựng NTM. Đây cũng là điều chưa từng có trong tiền lệ.
Đề án 04 về “Xây dựng huyện Di Linh đạt huyện nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2022- 2025, tiến tới đạt huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2025-2030” (gọi tắt là Đề án) được xây dựng như một “đề cương” chi tiết, một “bộ khung” hợp lý cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được đánh giá có khả năng thay đổi toàn bộ diện mạo địa phương và nâng cao chất lượng đời sống người dân là: xây dựng NTM.
Các nội dung của Đề án gồm những nhiệm vụ cần triển khai với các tiêu chí xây dựng NTM cụ thể theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025. Có 11 nhóm giải pháp lớn tương ứng với từng tiêu chí đã được đưa ra. Riêng với tiêu chí đang vô cùng khó khăn của địa phương là hạ tầng thì được chia ra những nội dung cụ thể như: giao thông, điện, trường học… để xác định nhiệm vụ riêng cho từng lĩnh vực. Đề án cũng chỉ rõ những hạn chế của từng xã, thị trấn trong từng tiêu chí cụ thể.
Trong Đề án, nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí từ Thường trực Huyện ủy cho tới các đồng chí Huyện ủy viên, các Ban xây dựng Đảng, Mặt trận và các đoàn thể, các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố cũng được xác định. Đề án được ban hành và đang triển khai rộng khắp trong cả hệ thống chính trị huyện Di Linh. Và huyện Di Linh từ lãnh đạo huyện cho đến cơ sở đang chuyển động tích cực nhằm thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Đề án.
Đồng chí Đinh Văn Tuấn, chia sẻ: Huyện khái toán nguồn vốn cần để xây dựng NTM là 7.832 tỷ đồng. Trong điều kiện những khó khăn chung từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, đòi hỏi địa phương cần “linh động” trong triển khai để đạt được các mục tiêu đề ra trong Đề án.
Và sự “linh động” mà Bí thư Huyện ủy Di Linh đề cập đã được thể hiện trong giải quyết vấn đề khó khăn nhất của địa phương này là hạ tầng giao thông. Nhu cầu của địa phương cho vấn đề này là khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn ngân sách cấp cho địa phương cả nhiệm kỳ chỉ khoảng 1 ngàn tỷ đồng. Bởi vậy, địa phương căn cứ vào Nghị quyết 15 ngày 3/6/2022 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho huyện Di Linh phát triển toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 để tìm kiếm những nguồn thu bằng cách khai thác tốt nhất nguồn lực tiềm năng nhất của địa phương hiện nay là đất để có nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Di Linh đã tiến hành phân lô một số khu đất theo đúng quy định của pháp luật để tiến hành đấu giá nhằm tạo ra nguồn lực và từng bước giải quyết các vấn đề về hạ tầng. Huyện Di Linh cũng yêu cầu các xã tiến hành kiểm tra, khảo sát và lấy ý kiến của người dân để chọn những tuyến đường “bức xúc” nhất để địa phương xây dựng danh mục và căn cứ nguồn lực địa phương để lựa chọn đầu tư. Bởi theo Bí thư Huyện ủy Di Linh, muốn phát triển mạnh mẽ trước hết phải phát triển hệ thống giao thông.
Bên cạnh đó, sự linh động của huyện Di Linh còn được thể hiện khi lựa chọn “việc gì không tốn ngân sách hoặc tốn rất ít ngân sách thì tiến hành làm trước” theo như ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh nói. Và việc “không tốn” hoặc “tốn rất ít” ngân sách đó chính là việc triển khai mạnh mẽ hơn nữa Chương trình “Ngày thứ Bảy vì NTM, đô thị văn minh” tại các địa phương.
Chương trình đã được huyện Di Linh triển khai từ 4 năm qua. Và ở thời điểm hiện tại, giải pháp này đang tiếp tục được thực hiện gồm 10 nhóm chủ đề nhiệm vụ với 36 công việc phù hợp trong tình hình mới.
Từ đầu năm đến nay, 18.000 cây xanh, cây cảnh quan được trồng mới; 550 km đường giao thông nông thôn được tạo cảnh quan sạch đẹp; thu gom hàng trăm tấn rác thải; những phong tục, tập quán không còn phù hợp trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn các xã Sơn Điền, Gia Bắc, Bảo Thuận, Đinh Trang Thượng, Đinh Trang Hòa dần được xoá bỏ… là những kết quả đạt được mà không tốn hoặc tốn rất ít ngân sách, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Di Linh và được người dân đón nhận.
Trong quá trình thực hiện Đề án, huyện Di Linh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện. Đặc biệt, hội nghị có sự tham gia của đại diện các thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Điều này được địa phương thực hiện nhằm mục tiêu lắng nghe những ý kiến cụ thể nhất từ cơ sở để có sự đánh giá chính xác, bàn bạc và tìm ra giải pháp nhằm thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, cũng thêm một cơ sở để huyện Di Linh củng cố thêm việc khơi dậy sự chung sức, đồng lòng của người dân trong thực hiện mục tiêu mang nhiều ý nghĩa là xây dựng NTM.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin