Qua nhiều năm kết nối thị trường tiêu thụ, Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân ở huyện Đức Trọng đã xây dựng và tăng quy mô liên kết vùng sản xuất thảo dược phù hợp với điều kiện sinh thái khu vực TP Đà Lạt các huyện phụ cận, kết hợp với sơ chế, chế biến và tiêu thụ lâu dài.
Vùng nguyên liệu thảo dược huyện Lâm Hà liên kết sản xuất của Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân chiếm hơn 60% diện tích cây đương quy |
Ở vùng nông nghiệp xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà có nông hộ Trịnh Văn Tâm (sinh năm 1960) trồng 2 ha đương quy sắp sửa vào vụ thu hoạch đầu tiên trong tháng 11/2023. Trong đó phân bổ thành 4 khu vườn, mỗi khu vườn diện tích 5.000 m2, tọa lạc bên đường bê tông rộng lớn, thuận tiện cho các loại ô tô ra vào. Đưa phóng viên đến tham quan từng hàng cây đương quy xanh thẫm màu lá hình tam giác, ông Tâm ước tính chiều cao trung bình mỗi cây khoảng 70 cm, tán lá rộng 50 cm, nhiều cây bung nở những chùm hoa trắng xanh, thơm nồng. Ông Tâm cho hay: “Với mật độ trồng 7.000 cây/1.000 m2, vườn dược liệu đương quy của hộ gia đình chúng tôi bước qua 11 tháng tuổi, chăm sóc thêm 1 tháng tuổi nữa đi vào thu hoạch đồng loạt. Qua đánh giá của Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân chủ trì liên kết, năng suất bình quân thu hoạch củ đương quy vụ mùa đầu tiên của hộ gia đình chúng tôi năm nay trên dưới 1 kg/cây…”.
Với giá mua thỏa thuận ngay từ đầu năm 2023 với 100.000 đồng/kg, hạch toán 1.000 m2 diện tích đương quy của nông hộ Trịnh Văn Tâm ở xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà vừa nêu đạt tổng doanh thu khoảng 700 triệu đồng. Trừ khoảng 50% chi phí đầu tư, giống, phân bón, công chăm sóc, còn lại lãi ròng thu về hơn 350 triệu đồng. “Trước đó, cũng trên diện tích 1.000 m2 này, mỗi năm, hộ gia đình chúng tôi trồng 2 vụ bắp chỉ thu lãi khoảng 7 triệu đồng; hoặc trồng 3 vụ đậu phộng thu lãi khoảng 8 triệu đồng…”, ông Tâm nói thêm.
Như vậy tính chung trên tổng diện tích 2 ha trồng bắp, đậu chuyển đổi sang trồng cây dược liệu đương quy thông qua hình thức liên kết với Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân, nông hộ Trịnh Văn Tâm đạt lợi nhuận vượt trội ngay trong năm đầu tiên thu hoạch. Theo đó, Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân ký hợp đồng hàng năm với nông hộ Trịnh Văn Tâm để cung cấp giống, vật tư phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm thu hoạch cao hơn thời điểm giá thị trường hơn 10% hoặc thống nhất giá thu mua và biết trước lợi nhuận từ khi xuống giống trồng. Nhà nông Trịnh Văn Tâm có các diện tích đất phù hợp với sản xuất dược liệu và bố trí đầy đủ lao động hàng ngày trên đồng.
Lương y Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân nói rằng, bên cạnh nông hộ Trịnh Văn Tâm liên kết trồng dược liệu đương quy, ở các xã Gia Lâm, Đan Phượng, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà có tất cả gần 15 nông hộ liên kết với công ty trồng 3 ha sâm đại hành và 2 ha giảo cổ lam. Trong một năm vừa qua, năng suất sâm đại hành liên kết với công ty đạt năng suất trung bình 30 tấn tươi/ha, người sản xuất ở thị trấn Nam Ban và các xã xung quanh thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha. Tương tự với mật độ trồng 80.000 cây giảo cổ lam/ha, mỗi năm canh tác 3 vụ. Chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật của Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân, người sản xuất dược liệu giảo cổ lam thu hoạch bán ra, mang về lợi nhuận bình quân 3 triệu đồng/1.000 m2/tháng.
Đáng kể ở vùng nông nghiệp xã N’Thol Hạ, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân đã ổn định liên kết với nông hộ sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ từ năm 2019 đến nay gồm: 50 ha cây hoài sơn, 5 ha đẳng sâm, 5 ha đan sâm, mang về lợi nhuận hàng năm trên diện tích 1.000 m2 từ 60 - 100 triệu đồng.
Hiện tại vùng thảo dược liên kết với Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ trên tổng diện tích khoảng 88 ha, hơn 30 nông hộ tham gia. Hàng tháng cung ứng cho thị trường trong cả nước trung bình 50 tấn dược liệu tươi, 10 tấn dược liệu khô, 2 tấn dược liệu túi lọc… Trong đó chiếm tỷ lệ 60% dược liệu đương quy; 40% tỷ lệ còn lại hơn 10 loài dược liệu khác. “So với nhu cầu thị trường trong cả nước, tổng sản phẩm dược liệu liên kết sản xuất, cung ứng của Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân mới chỉ đáp ứng hơn 10% đơn hàng. Bởi vậy công ty đang cần tăng thêm quy mô 300 - 500 ha liên kết sản xuất các loại thảo dược trong chiến lược dài hạn hơn…”, Lương y - Giám đốc Nguyễn Minh Tiến kỳ vọng. Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng xem xét đề nghị hỗ trợ, giới thiệu và hướng dẫn Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân thực hiện dự án quy mô 300 - 500 ha đất sản xuất các loài cây dược liệu nói chung, cây sâm Việt Nam nói riêng trên địa bàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin