Xây dựng một liên kết sản xuất rau an toàn, đưa rau từ nông trại tới tay người tiêu dùng, đôi vợ chồng nông dân trẻ tại thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương tâm niệm: người trồng rau hạnh phúc mang tới niềm vui từ những bữa ăn ngon trong gia đình. Giữa đất rau, một vườn rau được xây dựng với tên gọi Vườn rau Hạnh phúc.
Vợ chồng anh chị Hồng Hạnh - Quốc Việt tham gia xúc tiến thương mại mặt hàng rau, củ |
Chị Trương Thị Hồng Hạnh và chồng, anh Lê Hoàng Quốc Việt vốn là con em đất Suối Thông B2. Sau một thời gian đi học, đi làm xa quê, anh chị quyết tâm quay lại vườn, xây dựng một thương hiệu rau sạch từ mảnh vườn nhà và những người nông dân hàng xóm. Chị Hồng Hạnh tâm sự: “Đất Suối Thông quê mình vốn là đất rau, đất trồng la-ghim từ thời ông bà, cha mẹ. Làm sao để cây rau Suối Thông có danh tiếng trên thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân, cung cấp cho người tiêu dùng những cây rau, trái ngon ngọt, an toàn là mong mỏi của vợ chồng mình. Với mình, làm nông nghiệp là một hạnh phúc và mình muốn lan toả niềm hạnh phúc ấy”.
Vậy là hai vợ chồng anh chị Hồng Hạnh - Quốc Việt mày mò tìm hướng làm vườn. Với diện tích 4 ha đất, anh chị xác định cần trồng các loại rau cao cấp, thị trường có nhu cầu mà hầu hết các vườn chưa đáp ứng đủ. Để bắt đầu, hai bạn chọn rau xà lách, thứ rau nổi tiếng của đất Đơn Dương để canh tác. Tuy nhiên, thay vì chọn các loại xà lách phổ biến, trồng rộng rãi ngoài trời, hai bạn chọn các giống xà lách cao cấp, đòi hỏi trồng trong nhà kính, nhà lưới như xà lách thủy tinh, xà lách Mỹ… Chị Hạnh chia sẻ, xà lách Đơn Dương vốn có tiếng, sau khi có sản phẩm, hai bạn đi xúc tiến và đã có được những khách hàng ban đầu. Trồng rau theo chuẩn an toàn, hai vợ chồng dần dần mở rộng mạng lưới tiêu thụ, có thêm nhiều đơn hàng. Và theo nhu cầu của thị trường, những loại cây trái khác tiếp tục được canh tác. Bí mì sợi, lơ baby, bó xôi, dưa leo baby…, những loại rau, củ nổi tiếng của đất rau xuất hiện trong nhà vườn.
Không chỉ canh tác đơn giản với các loại rau trồng trong nhà kính, chị Trương Thị Hồng Hạnh muốn tạo một vườn rau đa sắc, không chỉ có rau, củ, quả mà còn cả những cây hương thơm, cây gia vị. Bởi vậy, xen giữa những luống xà lách, dưa leo hay gốc bí, chị Hạnh trồng xen những chậu hương thảo, ngò tây, cỏ xạ hương, bạc hà chocolate…, những loài cây gia vị nổi tiếng đến từ ẩm thực phương Tây. Chị chia sẻ: “Trồng các loại cây gia vị vừa giúp vườn bớt côn trùng, đa dạng hoá sản phẩm đồng thời cũng là những mặt hàng được khách hàng ưa chuộng. Cây gia vị trồng ở Đơn Dương rất thích hợp do khí hậu mát mẻ, có hai mùa rõ rệt, gia vị đậm hương, tinh dầu phong phú và cây có màu xanh đậm, là nơi lý tưởng để trồng những cây gia vị đậm đà”. Các nhà hàng, bếp ăn nấu kiểu Âu không thể thiếu những cây gia vị đến từ cao nguyên.
Bắt đầu từ vườn nhà, gia đình Vườn rau Hạnh phúc lan toả mô hình rộng ra tới nông dân lân cận. Anh Quốc Việt, người chịu trách nhiệm tổ chức liên kết với nông dân chia sẻ, làm riêng gia đình không thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng vì diện tích cũng như sức người đều có hạn. Bởi vậy, Vườn rau Hạnh phúc đã liên kết với bà con nông dân xung quanh, trồng và bao tiêu sản phẩm. Hiện, Vườn đang liên kết thu mua với 10 nông hộ, diện tích 4 ha nhà kính và 3 ha nhà lưới. Các mặt hàng liên kết chủ yếu là rau xà lách Mỹ, cà chua, dưa leo…, hàng được đưa vào hệ thống cửa hàng rau cao cấp, siêu thị, đầu mối lớn. Anh Việt khẳng định, liên kết với nông dân cần đảm bảo chữ “tín”, chữ tín của Vườn rau Hạnh phúc là tiêu thụ được hết nông sản cho nông dân và từ phía bà con, đó là chăm sóc rau đúng quy trình VietGAP, đảm bảo mỗi cây rau đều an toàn, ngon, đẹp tới tay người tiêu dùng.
Nặm 2023, chị Trương Thị Hồng Hạnh vinh dự đoạt giải Nhì Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo, kết nối do Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức với mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình của Hạnh được đánh giá cao bởi tính thực tế, thân thiện với môi trường, phù hợp với khả năng khởi nghiệp của chị em. Đây là niềm vui rất lớn đối với gia đình Hạnh - Việt cũng như với Vườn rau Hạnh phúc, nơi hai người trẻ về vườn, gắn bó làm giàu từ mảnh đất quê hương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin