Nằm yên bình bên sông Đồng Nai, nhiều năm qua, xã Quảng Ngãi đã hình thành những vườn bưởi xanh ngút ngàn, rộng hàng chục ha. Với những lợi ích kinh tế mang lại, xã Quảng Ngãi đang hy vọng trở thành một vùng đặc sản bưởi da xanh nổi tiếng của huyện Cát Tiên và tỉnh Lâm Đồng.
Bưởi da xanh, loại cây trồng đang giúp nhiều hộ nông dân xã Quảng Ngãi vươn lên làm giàu |
Những ngày này, chúng tôi có mặt tại xã Quảng Ngãi, “thủ phủ” bưởi da xanh của huyện Cát Tiên. Từ ngay cổng chào đi vào xã, hai bên đường là những vườn bưởi da xanh được trồng dọc theo các triền đồi ven sông. Trên những nhà vườn, thấp thoáng bóng người qua lại với nhiều công việc khác nhau.
Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Ngãi, chúng tôi ghé thăm vườn bưởi da xanh rộng hơn 2 ha của ông Nguyễn Tức, Thôn 1, xã Quảng Ngãi. Ông Tức chia sẻ, trước đây, trên mảnh đất này, gia đình ông đã trồng rất nhiều loại cây trồng khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Chính vì vậy, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các loại cây trồng mới, ông quyết định chọn cây bưởi da xanh làm loại cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình.
Theo ông Tức, thời điểm cách đây chừng 10 năm trước, tại xã Quảng Ngãi, cây mía được nhiều người dân trồng. Trong khi đó, bưởi da xanh là loại cây trồng rất mới, chưa có ai trồng với quy mô lớn vì cho rằng đất ở đây không phù hợp. Tuy nhiên, khi ông Tức bắt tay vào trồng, cây bưởi da xanh lại rất thích nghi và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.
Điểm nổi bật trong quy trình canh tác cây bưởi của ông Tức là áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh. Ngoài ra, ông còn đầu tư hệ thống tưới nước, tưới phân tự động để tiết kiệm chi phí thuê nhân công. Theo ông Tức, cây bưởi da xanh gần như cho quả quanh năm, nhưng gia đình ông tập trung chính cho 2 vụ; trong đó, 1 vụ trọng điểm phục vụ thị trường Tết âm lịch với sản lượng 50 tấn/vụ.
Theo kinh nghiệm của ông Tức, để vườn bưởi cho trái quanh năm, nông dân nên áp dụng biện pháp cắt tỉa cành thay vì phun thuốc. Phương pháp này mang lại năng suất cao, không làm ảnh hưởng môi trường, kéo dài tuổi thọ cho cây. Bên cạnh đó, cần cải tạo vườn thông thoáng, trồng bưởi trên mô cao, không để ngập nước; ưu tiên sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây và phun thuốc ngừa sâu, bệnh.
Trong khi đó, mô hình trồng bưởi da xanh của ông Đỗ Kim Thành ở Thôn 1, xã Quảng Ngãi cũng đang mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình ông mỗi năm. Ông Thành cho hay, hiện, gia đình đang canh tác khoảng 1 ha bưởi da xanh. Thực tế sản xuất đã cho thấy, cây bưởi da xanh rất thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. Đây là loại cây trồng đang được nhiều nông hộ trên địa bàn xã Quảng Ngãi lựa chọn để đưa vào canh tác, phát triển kinh tế chính cho gia đình. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ cho loại trái cây này cũng rất rộng mở, thương lái sẽ đến tận vườn để bao tiêu sản phẩm quanh năm, với giá thành trung bình khoảng 25.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại thời điểm này, các nông hộ trồng bưởi tại xã Quảng Ngãi như gia đình ông Tức, ông Thành đang tất bật, bắt tay vào làm vụ bưởi Tết năm 2024. Đây cũng là thời điểm cây bưởi da xanh được mùa và được giá nhất. Ai cũng chờ đón vụ Tết bán được giá cao. Theo ông Đỗ Kim Thành, dự kiến khoảng ngày 20 tháng Chạp, thương lái sẽ đến cắt vụ bưởi Tết. Riêng vụ bưởi Tết năm nay, gia đình có thể thu được khoảng 10 tấn bưởi. Với giá bán từ 30.000 - 35.000 đồng/kg loại 1 và 20.000 - 25.000 đồng/kg loại 2, gia đình ông Thành dự kiến thu về trên 250 triệu đồng.
Ông Thạch Nguyễn Minh Cường - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Ngãi cho biết, những năm qua, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, xã Quảng Ngãi đã phát triển mạnh các diện tích trồng cây ăn trái với 155 ha, diện tích cho thu hoạch là 40 ha, năng suất trung bình 75 tạ/ha, sản lượng đạt 300 tấn. Riêng cây bưởi da xanh có gần 15 ha, năng suất 11 tấn/ha, sản lượng trên 150 tấn. Hiện nay, trên địa bàn xã cũng đã có 1 Hợp tác xã Cây ăn trái với 38 xã viên.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn trái, xã Quảng Ngãi đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ dân; đồng thời, hướng dẫn cho các hộ cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, tuân thủ quy định theo nguyên tắc 4 đúng. Mặt khác, địa phương cũng tích cực hỗ trợ nông dân trong việc cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin