Xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu ở vùng nông thôn mới (Bài 3)

VĂN VIỆT 06:05, 03/10/2023

Bài 3: 15 năm chuyển hóa khép kín hệ canh tác

Sau 15 năm, từ diện tích sản xuất cây trồng vô cơ 4 ha, ông Nguyễn Quốc Thắng đã chuyển hóa khép kín hệ canh tác hữu cơ, tuần hoàn tăng lên 15 ha mô hình trang trại tại xã nông thôn mới Ka Đơn, huyện Đơn Dương. Ở đây hàng năm, toàn bộ phụ phẩm các loại rau thu hoạch, chất thải vật nuôi của quá trình sản xuất này trở thành nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất khác. 

Vườn ươm các loại giống rau của Trang trại Thiên Sinh, đã chuyển hóa từ quy trình sản xuất vô cơ sang sản xuất hữu cơ
Vườn ươm các loại giống rau của Trang trại Thiên Sinh, đã chuyển hóa từ quy trình sản xuất vô cơ sang sản xuất hữu cơ

TỪ BÀI HỌC THẤT BẠI NHỮNG LỨA RAU HỮU CƠ ĐẦU TIÊN

Theo bà Tou Prong Nai Khoan, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương, toàn huyện có 6 công ty, trang trại, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó có 5 đơn vị sản xuất rau các loại với diện tích hơn 32 ha; 1 trang trại bò sữa 705 con, sản lượng trên 2.800 tấn, quy mô diện tích gần 52,2 ha. “Thời gian qua, các đơn vị trên địa bàn huyện Đơn Dương đã mạnh dạn đầu tư và áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ đã được chứng nhận vào sản xuất, mang lại thu nhập kinh tế cao. Điển hình như Trang trại Thiên Sinh tại thôn Ka Đơn, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương với diện tích 15 ha sản xuất trên 30 loại rau hữu cơ, giá bán cao hơn giá rau thông thường từ 2-6 lần theo từng mùa. Từ kết quả trên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của trang trại đã cho tổng thu nhập trung bình 3,6 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí đầu tư. Đây là mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, trang trại sử dụng phân chuồng trong chăn nuôi bò thịt và các phụ phẩm nông nghiệp đã ủ hoai tái sử dụng làm phân bón cho đất...”.

Tìm hiểu thêm được biết, Trang trại Thiên Sinh được hình thành và phát triển từ năm 1998, khởi nghiệp ươm cây giống rau, củ, quả và canh tác thương phẩm theo giải pháp vô cơ. Từ năm 2007, nhận thấy sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật thường xuyên rất nguy hiểm đối với người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường xung quanh, trang trại đã trồng thử nghiệm theo hướng hữu cơ và quản lý sâu bệnh dựa vào các sinh vật có lợi trong tự nhiên với diện tích 4 ha.

Tìm hiểu thực tế sản xuất theo quy trình khép kín chuỗi giá trị hữu cơ nông sản toàn cầu tại Trang trại Thiên Sinh ở xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, phóng viên ghi nhận sự kiên trì và nỗ lực vượt bậc đạt mục tiêu sản xuất bền vững của chủ nhân Nguyễn Quốc Thắng, sinh năm 1972. Để chuyển hóa ban đầu từ 4 ha sản xuất vô cơ sang sản xuất hữu cơ, anh Nguyễn Quốc Thắng đã giành một thời gian dài tìm đến các chuyên gia đầu ngành Nông nghiệp hữu cơ trong nước để thọ giáo, sau đó du khảo qua Nhật Bản để học tập, trải nghiệm với nông dân các vùng chuyên canh hữu cơ. Tuy nhiên, khi trở về trang trại áp dụng kiến thức và kinh nghiệm đã được tiếp nhận vào từng diện tích sản xuất hữu cơ, anh Thắng đã nhận không ít những thất bại không nhỏ ngay từ những lứa rau đầu tiên. Đơn cử như vào năm 2010, anh Thắng đưa cây niêm từ xứ nóng về trồng tại trang trại để chế biến chế phẩm sinh học nhưng không thành công. Nguyên nhân sau đó mới xác định do xuống giống trồng gặp mưa nhiều, dẫn đến 100% cây niêm chết hàng loạt sau hai tuần sinh trưởng. Đến khi mua chế phẩm hạt niêm từ nơi khác sản xuất về sử dụng thiếu cân đối liều lượng và thời điểm, đã gây chết trắng hàng ngàn mét vuông diện tích rau ăn lá, rau ăn quả, cà chua, ớt chuông các loại…

Sau quá trình phân tích nguyên nhân thiệt hại trắng cây trồng, đến năm 2013, anh Thắng mới sáng kiến ra giải pháp khắc phục, chuyển hóa sang quy trình sản xuất hữu cơ khép kín hệ canh tác tăng lên diện tích 7 ha từ khâu ươm giống đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm đưa ra thị trường, đạt doanh thu từ 800 triệu đồng/ha/năm trở lên. 

ĐẾN THÀNH CÔNG 15 HA MÔ HÌNH HỮU CƠ TUẦN HOÀN

Kể chuyện với phóng viên, chủ Trang trại Thiên Sinh Nguyễn Quốc Thắng nhớ lại: “Vào năm 2013, diện tích của Trang trại phát triển 7 ha, nhưng phải mua phân bón hữu cơ từ bên ngoài, nên rất khó kiểm soát chất lượng phù hợp. Để tiết kiệm tối đa đầu tư đầu vào, tăng giá trị sản phẩm hữu cơ đầu ra theo chuỗi, trang trại đã xây dựng chuồng trại nuôi bò siêu thịt trên nền đệm lót sinh học, sử dụng nguồn thức ăn từ các phế phẩm rau, củ, quả tại chỗ. Chất thải của bò dùng làm phân bón cho cây trồng. Đến năm 2019, trang trại mở rộng sản xuất lên 15 ha hữu cơ, trong đó trồng cỏ 3 ha, trồng rau, củ, quả 5 ha, khu vực cách ly, cơ sở vật chất 2 ha, diện tích còn lại tiếp tục cải tạo trong thời gian tới…”.

Kết quả đến nay, Trang trại Thiên Sinh đã ổn định chuyên canh 2 ha trồng cỏ “gối đầu”, thu hoạch khoảng 1 tấn cỏ tươi mỗi ngày dùng làm thức ăn cho đàn bò siêu thịt 60 con chăn nuôi trên diện tích 500 m2 chuồng trại theo quy trình hữu cơ. Khối lượng 2 tháng thu khoảng 60 m3 phân bò tươi thải xuống trên đệm lót sinh thái, sau đó chế biến thành phẩm phân hữu cơ bón cho rau, củ, quả các loại. Đến giai đoạn thu hoạch, sơ chế từng lứa rau, củ, quả, trang trại tiếp tục tận dụng những phụ phẩm thức ăn cho đàn bò, khép kín quy trình chăn nuôi, trồng trọt tuần hoàn trong hệ canh tác hữu cơ. 

“Trang trại đang xây mới chuồng trại nuôi khoảng 100 con heo để cung cấp thịt sạch và gây giống, mục tiêu tăng lên 500 con vào năm 2024. Tính chung mỗi năm xuất bán ra 15 con bò thịt, mỗi ngày thu hoạch và tiêu thụ đến hệ thống siêu thị ở các tỉnh, thành trong nước khoảng 1 tấn rau, củ, quả hữu cơ, đạt lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng/năm. Trang trại duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 30 lao động, trong đó 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương...”, chủ Trang trại Nguyễn Quốc Thắng cho biết.