Lâm Đồng giảm nghèo đa chiều bền vững

DIỆP QUỲNH 15:07, 03/11/2023

(LĐ online) - Giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bằng nhiều giải pháp tổng hợp, giai đoạn 2021- 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững ở Lâm Đồng đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng làm tiền đề vững chắc cho công tác giảm nghèo bền vững ở Lâm Đồng trong những năm tiếp theo.

Đưa nghề trồng dâu nuôi tằm giảm nghèo về vùng đồng bào dân tộc thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà
Đưa nghề trồng dâu nuôi tằm giảm nghèo về vùng đồng bào dân tộc thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà

BỨC TRANH TỔNG QUAN VỀ GIẢM NGHÈO ĐA CHIỀU Ở LÂM ĐỒNG

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022, tỉnh Lâm Đồng còn 6.636 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94% (giảm 0,93% so với cuối năm 2021); hộ cận nghèo là 11.601 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%. Trong đó: hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 4.549 hộ, chiếm tỷ lệ 5,65% (giảm 2,9% so với cuối năm 2021); hộ cận nghèo dân tộc thiểu số còn 6.905 hộ, chiếm tỷ lệ 8,57%. Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,6%, tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,74%. Dự kiến năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,5%. Tỷ lệ giảm nghèo qua từng năm đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.

 Qua thống kê, phân tích của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng, có nhiều yếu tố khiến các hộ nghèo ở các xã thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chưa thể bứt thoát vươn lên cuộc sống ổn định. Ngoài nguyên nhân chính  là các gia đình thiếu sức lao động thì đa phần những người ốm đau, bệnh tật hoặc bị tai nạn là những đối tượng yếu thế dễ lâm vào tình trạng nghèo đói khi không có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Hiện nay, trong toàn tỉnh, chỉ duy nhất thành phố Đà Lạt hiện không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều.

NHỮNG GIẢI PHÁP CĂN CƠ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ THỰC TIỄN

Muốn các hộ nghèo giảm nghèo nhưng không tái nghèo, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng nhiều chương trình hành động cụ thể, trong đó xâu chuỗi nhiều giải pháp tổng hợp nhằm  hình thành bệ tỳ giúp hộ nghèo vươn lên. Trong đó, các tiểu dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững được tận dụng triệt để.

Đáng kể nhất phải kể đến như Dự án Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Dự án hỗ trợ sản xuất cải thiện dinh dưỡng, Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp việc làm bền vững, dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin... Các chương trình dự án này đều được các địa phương, các ban ngành chọn lọc đưa vào triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương mình, ngành mình. Lồng ghép hài hòa, linh hoạt các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững với các Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP... nên  đã tranh thủ được nhiều nguồn lực kết hợp cùng những chương trình, dự án chuyên biệt của địa phương tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Dự án hỗ trợ sinh kế đưa dê lai về vùng sâu Lộc Bắc, Bảo Lâm
Dự án hỗ trợ sinh kế đưa dê lai về vùng sâu Lộc Bắc, Bảo Lâm

Nhìn chung, việc triển các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế tích cực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thông qua việc thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình đã giúp người dân thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất trong phát triển kinh tế nông nghiệp; đặc biệt người dân đã biết lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm hàng hóa tập trung có chất lượng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Công tác tuyên truyền về Chương trình được quan tâm triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phù hợp, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác giảm nghèo, vị trí, vai trò của người dân đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong tổ chức thực hiện Chương trình; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; đồng thời khuyến khích và vận động người dân tự nguyện đăng ký thoát nghèo.

Để công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ và hiệu quả, bài học kinh nghiệm lớn nhất mà Lâm Đồng đã áp dụng thành công là  xác định đúng thực trạng để xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể với những mục tiêu phù hợp trong từng giai đoạn. Ở đó, vai trò lãnh đạo của cấp ủy được đặt lên hàng đầu. Việc nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý, điều hành các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo cũng được thực hiện nghiêm tức thông qua khâu tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho cơ sở thực hiện các dự án hoặc quản lý nguồn vốn đầu tư; phát huy hiệu quả các chương trình, dự án.

Các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo phải được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, người nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình triển khai chương trình phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai và minh bạch,  phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi chính sách được tăng cường nhằm  hạn chế các tiêu cực, lợi dụng chính sách, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

SỨC BẬT GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2023-2025 Ở LÂM ĐỒNG

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Lâm Đồng xác định rõ  mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của cả nước.

Lúa cao sản đã mang lại no ấm cho đồng bào Ka Ming, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh
Lúa cao sản đã mang lại no ấm cho đồng bào Ka Ming, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh

Giải pháp then chốt để hoàn thành mục tiêu này vẫn là tác động vào tư tưởng, làm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; tôn vinh doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững.

Với phương châm “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng loạt những biện pháp từ tuyên truyền vận động đến huy động tối đa các nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người nghèo; triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo chung; ưu tiên dạy nghề, giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước; hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ đất sản xuất, cho vốn vay ưu đãi… sẽ là những đòn bẩy để đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Lâm Đồng đảm bảo thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của cả nước.