Biết tận dụng, phát huy lợi thế đất đai tại địa phương, nên thời gian qua, gia đình ông K’Chiếu, người K’Ho ở xã Đạ Tông (Đam Rông) đã chọn hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế gia đình; mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế tổng hợp theo mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, kết hợp với trồng trọt cho thu nhập ổn định trên 400 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông K’Chiếu |
Sau nhiều năm gắn bó với cây cà phê nhưng cuộc sống gia đình vẫn không khá lên được, năm 2018, vợ chồng ông K’Chiếu quyết định rời thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà) vào vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn là xã Đạ Tông, huyện Đam Rông để trải nghiệm và tìm cơ hội phát triển kinh tế. Những ngày đầu ở xã vùng khó này, gia đình ông cũng gặp không ít khó khăn. Với ý chí vượt khó vươn lên để hy vọng có một cuộc sống khá giả và sung túc hơn, ông K’Chiếu đã dùng số tiền tích lũy được của gia đình để mua đất vừa cất nhà, đầu tư máy xay xát lúa phục vụ bà con ở thôn Ciêng Kao - Cil Múp, vừa kết hợp trồng trọt với chăn nuôi bò… để tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho vật nuôi và sử dụng lượng phân chuồng bón cho cây trồng, nên kinh tế gia đình ông K’Chiếu đã khá lên từng ngày.
Ông K’Chiếu cho biết: “Vợ chồng tôi vào đây, nhưng các con vẫn sống ở huyện Lâm Hà. Ban đầu tôi mở dịch vụ xay lúa kết hợp chăn nuôi bò, gia cầm và chăn nuôi heo đen theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Kinh tế dần ổn định, tôi mua thêm đất mở rộng sản xuất với tổng diện tích trên 1,5 ha”.
Cũng theo ông K’Chiếu, với số diện tích trên, ông đã dành 0,8 ha trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi, số diện tích còn lại ông trồng cây sầu riêng, bưởi da xanh… và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Hiện gia đình ông K’Chiếu đang nuôi 20 con bò, 19 con lợn và tiếp tục gây giống. Riêng đối với đàn lợn, bình quân mỗi năm xuất bán 4 đợt từ 20 - 25 con, với giá bán 100 ngàn đồng/kg lợn hơi, gia đình thu về trên 100 triệu đồng/năm. Trong chăn nuôi, ông K’Chiếu xác định khâu vệ sinh chuồng trại là yếu tố quan trọng để chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, vừa đảm bảo vệ sinh chuồng trại không gây ô nhiễm môi trường sống, vì vậy ông thường xuyên quét dọn, xử lý ủ phân chuồng bằng vôi bột và chế phẩm sinh học Basudin giúp phân hủy và tạo vi sinh vật có lợi để bón cho cây trồng. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng lượng phân chuồng làm phân bón chủ lực cho diện tích cây trồng của gia đình, nhất là diện tích 1,5 ha cà phê ở huyện Lâm Hà…
Ông K’ Chiếu chia sẻ: Bà con ở đây vẫn còn thói quen nuôi trâu bò theo hình thức chăn thả, nên không tận dụng triệt để lượng phân chuồng bón cho cây trồng. Với hình thức nuôi nhốt, bình quân đàn bò cho gia đình ông khoảng 3.600 bao phân chuồng đã qua xử lý, tương đương thu về gần 200 triệu đồng/năm. Cũng từ nguồn phân này, hàng năm, ông dùng 1.000 bao để bón cho cây cà phê và vườn cây ăn trái, số còn lại cung cấp cho người dân có nhu cầu. Nhờ đầu tư phân chuồng bón cho cây trồng, nên những năm qua, gia đình ông K’Chiếu đã giảm đáng kể chi phí đầu tư phân hóa học nhưng vườn cây trồng vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cà phê đã được cải thiện đáng kể, bình quân sản lượng đạt 8 tấn cà phê nhân/1,5 ha/năm.
Theo anh Rơ Ông Ha Nhương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Tông: “Ông K’Chiếu là những tấm gương vượt khó trong lao động sản xuất của địa phương. Ông là người cần cù, chịu khó, nhờ biết vận dụng kiến thức kỹ thuật, nên mô hình kinh tế tổng hợp đã mang lại cho gia đình ông thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm. Tuy chưa được ghi nhận và đánh giá là mô hình kinh tế của xã, nhưng đây có thể xem là mô hình kinh tế hiệu quả từ kết quả thay đổi nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, góp phần giúp diện mạo nông thôn mới của địa phương ngày càng nhiều khởi sắc”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin