Trong năm 2023, sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng an toàn, bền vững, các chỉ tiêu diện tích gieo trồng, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi trồng mới trên diện tích sản xuất kém hiệu quả; xuất khẩu nông sản đều đạt và vượt kế hoạch đã đề ra.
Nhân rộng mô hình thiên địch Bio Pro của Công ty Dalat Hasfarm bảo vệ cây trồng sản xuất theo giải pháp an toàn bền vững |
• GIÁ TRỊ SẢN XUẤT TĂNG 3,3%
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, toàn ngành đạt tốc độ tăng trưởng trồng trọt 6,5% trong năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 84% giá trị sản xuất. Tổng diện tích cây trồng chuyển đổi, cải tạo 20.674 ha. Trong đó, 6.617 ha cải tạo tái canh cà phê; 1.500 ha điều chuyển sang trồng sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác; thay đổi cơ cấu cây trồng trên 1.721 ha diện tích đất lúa. Ngoài ra, toàn ngành trồng mới 6.490 ha cây ăn quả (bao gồm 2.943 ha sầu riêng) và 2.638 ha mắc ca. Qua đó, góp phần giảm diện tích thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha/năm xuống còn 10,8% diện tích canh tác, tương ứng khoảng 35.458 ha (giảm 9.766 ha so với năm 2022). Giá trị sản xuất bình quân đạt 245 triệu đồng/ha/năm, tăng 3,3% so với năm 2022. Tính chung toàn ngành đạt tổng diện tích gieo trồng cả năm 2023 với 404.001 ha gồm: 126.585 ha cây hàng năm, 277.416 ha cây lâu năm. Tổng sản lượng lương thực duy trì ổn định với 141.000 tấn lúa và gần 42.000 tấn bắp.
“Kết quả sản xuất các loại cây trồng chính trong năm 2023 với diện tích và sản lượng tương ứng trên địa bàn toàn tỉnh gồm: rau các loại (75.191 ha, gần 3 triệu tấn); hoa (10.084 ha, hơn 4 tỷ cành); cà phê (kinh doanh 167.124 ha/175.915 ha, 545.338 tấn); chè (kinh doanh 11.089 ha/11.142 ha, 166.295 tấn); dâu tằm (kinh doanh 9.967 ha/10.554 ha, 277.509 tấn); cây ăn quả (kinh doanh 19.347 ha/ 33.089 ha, 310.077 tấn) ; cây điều (kinh doanh 22.772 ha/20.950 ha, 7.423 tấn)...”, theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.
Tăng cường chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong năm 2023, tổng diện tích nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chí mới trên địa bàn đạt 66.873 ha, chiếm 20,4% diện tích canh tác và tăng 1.565 ha so với năm 2022. Cụ thể cây rau 25.978 ha; hoa các loại 3.161 ha; chè 3.559 ha; cây ăn quả 7.367 ha; lúa chất lượng cao 5.045 ha; cà phê 20.400 ha và cây trồng khác 595 ha. Các giải pháp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao phổ biến như: tưới tiết kiệm (trên 47.500 ha); nhà kính nhập khẩu thông minh (180 ha); sản xuất trên giá thể (1.000 ha); công nghệ thông minh, công nghệ số (630 ha). Toàn tỉnh công nhận được 9 vùng sản xuất và 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 2.412 ha. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh sản xuất 6.282 ha tiêu chuẩn an toàn thực phẩm VietGAP, GlobalGAP; 1.415 ha tiêu chuẩn hữu cơ đối với cây trồng các loại rau, chè, cây ăn quả, lúa, dược liệu; 86.000 ha cà phê, tiêu sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, bền vững 4C, UTZ, Rainforest…
Đáng kể trong năm 2023, toàn tỉnh tăng thêm 21 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng tổng số 234 chuỗi với 31.092 hộ tham gia trồng trọt 52.897 ha, tổng sản lượng 589.261 tấn. Đặc biệt, toàn tỉnh đã cấp 67 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 3.527,2 ha. Trong đó, 65 vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 3.416,2 ha và 2 vùng trồng chanh leo với diện tích 111 ha. Dự kiến đến đầu năm 2024, toàn tỉnh hơn 7.085,7 ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, chiếm 33,8% tổng diện tích.
Ở khâu đầu ra 100% các sản phẩm OCOP, trên 1.300 sản phẩm nông sản của trên 500 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân đã tham gia quảng bá và bán hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử như: nongsanlamdong.com, tiki, lazada, shoppee, postmart.vn, voso.vn. Với thị trường xuất khẩu nông sản đến hết năm 2023 đạt trên 500 triệu USD, chiếm trên 51% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Riêng sầu riêng xuất khẩu đạt 128 triệu USD, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Rau xuất khẩu đạt trên 74 triệu USD, tăng 37% so với năm 2022, thị trường phần lớn các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc…
• RÚT NGẮN CHÊNH LỆCH VỀ TRÌNH ĐỘ CANH TÁC GIỮA CÁC VÙNG
Trong năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Theo đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất 79%, gieo trồng 13%, chăm sóc 72%, thu hoạch 12%. Các diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao khoảng 71.750 ha; công nghệ thông minh 700 ha và có thêm ít nhất 2 vùng và 2 doanh nghiệp được công nhận sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Mở rộng phạm vi, địa bàn ứng dụng các loại hình công nghệ cao, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, từng bước phát triển nông nghiệp tuần hoàn, rút ngắn chênh lệch về trình độ canh tác giữa các vùng; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số, cơ giới hoá, tự động hóa tại các vùng sản xuất chuyên canh; nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ cao đối với các đối tượng cây dài ngày, từ đó tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ giai đoạn sản xuất nông nghiệp là chính sang kinh tế nông nghiệp dựa trên nền tảng khoa học công nghệ....”, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh các nhóm giải pháp trọng tâm trong năm 2024.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin