Nông trại của những mùi hương vùng Nam Ban, huyện Lâm Hà hình thành và phát triển từ năm 2017 đến nay, đã và đang trở thành nguồn nguyên liệu chế biến các loại tinh dầu thiên nhiên đặc trưng của vùng phụ cận Đà Lạt. Chủ nhân khởi nghiệp xây dựng thương hiệu ChâuFarm là hai vợ chồng cùng tuổi vừa vượt ngưỡng “tam thập” sinh ra trên vùng đất này.
Cây lavender sinh trưởng hiệu quả tại vùng nông nghiệp Nam Ban, Lâm Hà |
Trong năm 2023, nông trại ChâuFarm thường xuyên tham gia xúc tiến thương mại tại các sự kiện trong nước với hơn 10 dòng sản phẩm tinh dầu thiên nhiên sản xuất, chế biến trực tiếp tại vùng nông nghiệp Nam Ban, huyện Lâm Hà, thu hút khách hàng trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, chọn mua sản phẩm sử dụng. Trong đó, vào thời điểm cuối tháng 11/2023, ChâuFarm cùng lúc hoạt động 2 gian hàng xúc tiến thương mại nằm trong chuỗi sự kiện quảng bá thương hiệu đặc sản vùng, miền Việt Nam tại TP Hà Nội và Đà Lạt. Cụ thể, hơn 10 dòng sản phẩm tinh dầu chiết xuất từ các loại cây chuyên canh tại nông trại của những mùi hương ChâuFarm như: Lavender, hương thảo, hoắc hương, bạc hà, vỏ quýt, sả chanh, vỏ bưởi, hương nhu, gừng... Khách hàng đến gian hàng ChâuFarm được tiếp nhận đầy đủ thông tin, cảm nhận ban đầu về công dụng những mùi hương thiên nhiên chiết xuất của từng sản phẩm “kết tinh kỳ diệu từ đất lành” Đà Lạt. Đó là mùi hương thơm mát, giúp thư giãn, giảm căng thẳng, thanh lọc không khí, hỗ trợ xông hơi giải cảm, điều tiết hô hấp, giảm viêm, khử mùi, diệt khuẩn, chăm sóc tóc, da mặt…Giá niêm yết bán mỗi lọ dung tích 10 ml từ 65.000 đồng tinh dầu hương thảo đến 380.000 đồng tinh dầu hương nhu.
Chủ nhân ChâuFarm Nguyễn Văn Phận cho biết, tất cả hơn 10 dòng sản phẩm tinh dầu “nâng cao chất lượng cuộc sống nói trên” được liên tục bổ sung quy trình sản xuất, chiết xuất từ năm 2017 đến nay tại vùng Nam Ban, huyện Lâm Hà trên diện tích chuyển đổi từ cây cà phê, dâu tằm. Đầu tiên, trồng mới 2.000 m2 cây hương thảo lấy giống hom cành từ vườn nhà ở của các khu dân TP Đà Lạt và vùng phụ cận. Trồng, chăm sóc sau 4 tháng với tỷ lệ cây sống 80%, thu hoạch khoảng 2 tấn lá tươi, chưng cất thành công 15 lít tinh dầu hương thảo bằng phương pháp thủ công. “Sản phẩm tinh dầu hương thảo đầu tiên chiết xuất giới thiệu người thân quen sử dụng và mở bán trên mạng xã hội đến hơn nửa năm sau mới hết. Nhưng kết quả lớn nhất đối với cây hương thảo là đã chứng tỏ thích nghi chuyên canh trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng cao nguyên Đà Lạt, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, đặc biệt lan tỏa mùi hương thơm khác biệt, kết quả chiết xuất hàm lượng tinh dầu khá cao..”, chủ nhân ChâuFarm Nguyễn Văn Phận kể lại.
Qua khảo sát thị trường tiêu thụ sản phẩm tinh dầu nguyên chất thiên nhiên khá tiềm năng đến năm 2018, ChâuFarm quyết định mở rộng diện tích chuyển đổi trồng mới thêm các loại cây “của những mùi hương” khác nhau, đồng thời trang bị dây chuyền thiết bị chiết xuất với công suất vượt trội hơn. Theo đó, ChâuFarm trồng mới lần lượt 500 m2 cây lavender và 2.000 m2 cây sả chanh, chăm sóc từ 5 - 6 tháng chiết xuất từ 3 - 10 lít tinh dầu. Đưa ra các kênh thương mại điện tử trong nước, ChâuFarm tiếp cận bán ra cho khách hàng khoảng 3 - 4 tháng sau mới hết sản phẩm. “Mỗi năm sau đó, ChâuFarm chuyển đổi từ 2.000 - 3.000 m2 cà phê, dâu tằm để đa dạng canh tác các loại cây chiết xuất tinh dầu tại vùng Nam Ban, Lâm Hà như gừng, hoắc hương, hương nhu… Đến cuối năm 2020, ChâuFarm mới ổn định diện tích chuyên canh các loại cây hương liệu tinh dầu trên tổng diện tích 25.000 m2...”, Nguyễn Văn Phận cho biết thêm. Cùng thời gian này, ChâuFarm đã xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác các loại cây chiết xuất tinh dầu phù hợp với đặc điểm sinh thái của vùng Nam Ban, đồng thời sản xuất và cung cấp nguồn giống theo nhu cầu của nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận, mỗi năm khoảng 100.000 cây, chiếm tỷ lệ 80% cây hương thảo; 20% hoắc hương, lavender, gừng, hương nhu…
Theo hạch toán những năm gần đây, thị trường tiêu thụ “những mùi hương” tinh dầu ChâuFarm ngày một phát triển, thu nhập tăng hơn 1,8 - 2 lần so với canh tác cà phê trên cùng diện tích đất. Trong đó, sản phẩm tiêu thụ trên các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội chiếm 50%; còn lại 50% tiêu thụ qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các đầu mối phân phối trong cả nước.
Bước sang năm mới 2024, ChâuFarm tập trung nghiên cứu, liên kết với nông dân Đà Lạt và vùng phụ cận nhân rộng diện tích trồng loại cây “của những mùi hương”, chiết xuất thêm nhiều sản phẩm tinh dầu cạnh tranh hiệu quả trên thị trường. Trong đó nâng cấp sản phẩm tinh dầu OCOP 3 sao xếp hạng lên 4 sao; các sản phẩm tinh dầu còn lại đăng ký đánh giá OCOP 3 sao…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin