Oh mi Kơho, cà phê sạch

MINH ĐẠO  06:19, 07/11/2023

Vượt qua tập quán canh tác truyền thống, 6 cô gái dân tộc K’Ho xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh tiên phong áp dụng thực hành nông nghiệp sinh thái. Sản phẩm cà phê sạch của Tổ hợp tác Oh mi Kơho đang hoàn tất hồ sơ VietGAP, OCOP đang được nhiều nông dân K’Ho học tập. 

Thu hoạch cà phê sạch
Thu hoạch cà phê sạch
THÔNG ĐIỆP CỦA NHỮNG NGƯỜI SÁNG LẬP

Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Hòa Bùi Ngọc Thọ nhận xét với tôi: “Tổ hợp tác hoạt động rất nhịp nhàng. Các thành viên đều là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có 4 cô gái trẻ năng động, sáng tạo trong cách làm. Chúng tôi đang tuyên truyền đến nhiều hộ nông dân K’Ho trên địa bàn học tập mô hình sáng tạo này, đồng thời, đang cùng huyện hướng dẫn hỗ trợ Tổ hợp tác Cà phê Oh mi Kơho hoàn tất hồ sơ sản phẩm VietGAP và OCOP để công nhận trong tháng 10 này”.

Ông Thọ còn cho biết, cà phê là cây kinh tế bền vững nên bà con nông dân đầu tư phát triển tốt trong sản xuất sẽ tạo ra mục tiêu đột phá về thu nhập của đồng bào DTTS. Hiện tại, xã Đinh Trang Hòa có tới 3.800 ha cà phê, diện tích cà phê của đồng bào DTTS chiếm 62%, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên. 

“Oh mi” tiếng dân tộc K’Ho là “anh em”. Đây là lý do các nữ nông dân dùng làm tên Tổ hợp tác và xây dựng thương hiệu của mình. Oh mi Kơho Cà phê nghĩa là Cà phê của tình anh em người K’Ho. Đấy cũng là tinh thần thân thiện với môi trường thiên nhiên trong sản xuất, chế biến, cung ứng sản phẩm ra thị trường. Tại Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2022 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng, đề tài “Nông nghiệp sinh thái và những sản phẩm cà phê thuần tự nhiên của Tổ hợp tác Oh mi Kơho”, do Ka Njan Lum là tác giả chính đã đoạt giải Ba. Thông điệp họ muốn gửi là: “Người K’Ho sống gắn bó, hòa hợp với thiên nhiên. Chúng tôi có trách nhiệm cùng nhau đoàn kết để giữ gìn bản sắc văn hóa, di sản và phát triển sinh kế bền vững của mình cũng như khuyến khích việc giữ gìn, bảo vệ những giá trị này cho thế hệ tiếp theo”.

Ngày 11/3/2022, Tổ hợp tác Oh mi Kơho Cà phê được thành lập với 6 nữ thành viên chính, đại diện cho 6 hộ gia đình. Ngoài Tổ trưởng Ka Njan Lum, sinh năm1986, còn có Nrông Hương phụ trách Marketing, Ka Njan Dung, Ka Thủi… Tổng cộng có 9 thành viên tham gia, 3 hộ có 2 vợ chồng và 3 hộ còn độc thân; người trẻ nhất sinh năm 1990 và người nhiều tuổi nhất sinh năm 1978. Trong đó có 2 người đã tốt nghiệp đại học là Hương và Dung.

• SẢN XUẤT SẢN PHẨM NÔNG SẢN SẠCH

Huyện Di Linh, trong đó có xã Đinh Trang Hòa là vùng sản xuất  cà phê lớn của cả nước, nhưng do tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào DTTS nên cà phê ngày càng già cỗi, giảm năng suất và chất lượng. Nhiều hộ nông dân phải đầu tư cao nhưng rút cục nợ nần cứ chất chồng, an sinh xã hội trong đời sống cư dân không được cải thiện.

Không chấp nhận mãi cảnh thất bát, nhóm nữ nông dân của Ka Njan Lum quyết định đến TP Bảo Lộc tham quan mô hình sản xuất cà phê già cỗi không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng hiệu quả kinh tế cao. Trở về, cả nhóm xúm vào áp dụng trên diện tích cà phê của nhà, trước hết là vẫn để cỏ mọc xen lẫn. Sau 3 năm, nhóm đã có cà phê sạch. Nhưng giá còn đại trà với các loại cà phê có sử dụng thuốc hóa học. Vì vậy, cả nhóm tiếp tục xây dựng dự án đầu tư máy móc thông qua sự hỗ trợ của tổ chức bảo vệ môi trường Casritas. Các chị mua máy sấy, máy xay, máy đóng gói với 120 triệu đồng. Tiếp tục xây dựng nhà xưởng, nhà kho, tập huấn kỹ thuật chế biến… với tổng kinh phí 172 triệu đồng (được hỗ trợ từ Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” và Tổ chức KARE tài trợ dự án). Từ đây, nhóm chính thức có sản phẩm cà phê hữu cơ. Trên thành quả này, chính quyền xã Đinh Trang Hòa chấp thuận cho thành lập Tổ hợp tác. “Oh mi, tình anh em, cùng làm cùng tháo gỡ khó khăn và cùng ý tưởng, cùng đồng hành, đó là tình đoàn kết”, Tổ trưởng Ka Njan Lum nói.

Hiện nay, Tổ hợp tác Oh mi Kơho Cà phê có 2 dòng sản phẩm, cà phê sạch (có logo là hoa văn thổ cẩm) và cà phê hữu cơ (có hình ảnh đập K’Lào, là nguồn nước phục vụ đời sống và nông nghiệp của đồng bào K’Ho). Cả 2 loại sản phẩm đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đầu ra gồm cà phê bột, cà phê hạt khô, cà phê hạt còn tươi. Giá cà phê hữu cơ 360.000 đồng/kg, loại bột; cà phê sạch 260.000 đồng/kg. Trong lúc giá cà phê canh tác theo lối truyền thống từ 100.000-120.000 đồng/kg, loại bột.

Tuy nhiên, Tổ hợp tác còn những thách thức đang quyết tâm vượt qua. Đó là, chưa tiêu thụ được nhiều sản phẩm do nhiều khách hàng chưa có ý thức về sản phẩm cà phê đảm bảo an toàn sức khỏe; vườn cà phê canh tác chưa tập trung được để cách ly an toàn cho dòng sản phẩm; nguồn phân chuồng chưa đáp ứng đủ vì chăn nuôi của các thành viên còn hạn chế… Kế hoạch tới đây, sau khi được công nhận VietGAP và OCOP, Tổ hợp tác sẽ mở rộng diện tích, đồng thời, tăng sản lượng chăn nuôi mới đảm bảo tính bền vững.

Thực tế cách làm của Tổ hợp tác đem lại nhiều lợi ích như: hiệu quả kinh tế cao; năng lực sản xuất từ chăm sóc, thu hoạch, chế biến tiến bộ vượt bậc; trữ được sản phẩm sau thu hoạch lâu dài nên không bị động thị trường giá cả bấp bênh. Và nếu tăng đầu vào, đầu ra thì lợi nhuận càng cao vì phân bón luôn có giá thấp hơn thuốc và phân hóa học. Đồng thời, sức khỏe nhà nông không bị ảnh hưởng, môi trường tự nhiên không bị xâm hại, đặc biệt, đất được cải tạo... Mô hình Tổ hợp tác Oh mi Kơho Cà phê được rất nhiều nông dân trong xã, huyện và tỉnh đến học hỏi. Nhiều đoàn nông dân đồng bào DTTS được mắt thấy tai nghe hết sức thích thú và được truyền cảm hứng.