Thương mại điện tử: Hướng tới phát triển bền vững

KHẢI NHIÊN  04:40, 29/11/2023

Bên cạnh thu hẹp khoảng cách số và bảo vệ môi trường, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố quyết định cho thương mại điện tử phát triển bền vững.

• NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TIÊN

Sau nhiều năm tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh trực tuyến, năm 2018, VECOM phát hiện một số yếu tố cản trở tới sự phát triển bền vững trong dài hạn. Năm 2019, Hiệp hội đề xuất triển khai “Chương trình Phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 - 2025”, bao gồm giai đoạn khởi động trong hai năm 2019 - 2020 và giai đoạn chính trong năm năm 2021 - 2025.

Trong giai đoạn khởi động, VECOM nhấn mạnh với các cơ quan hoạch định chính sách về sự chênh lệch rất lớn của thương mại điện tử (TMĐT) giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 61 tỉnh, thành còn lại. Nếu không triển khai các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách này thì sẽ tác động rất lớn tới sự phát triển bền vững của TMĐT Việt Nam. Xuất phát từ đề xuất này, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra mục tiêu và một số giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách trên. Đồng thời, Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai TMĐT một cách chủ động hơn, bao gồm các khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh.
 
Song song với những hoạt động nhằm thu hẹp khoảng cách số, VECOM đã quan tâm tới những tác động tiêu cực của TMĐT tới môi trường. Hiệp hội tích cực phối hợp với một số tổ chức bảo vệ môi trường triển khai các hoạt động nhằm hạn chế việc buôn bán trực tuyến các sản phẩm động thực vật hoang dã trong tình trạng nguy cấp, đặc biệt là ngà voi và sừng tê giác…

GIẢM BUÔN BÁN TRỰC TUYẾN ĐỘNG, THỰC VẬT HOANG Dà

Sau khi ký Thoả thuận Hợp tác với Tổ chức TRAFFIC - Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã năm 2016, hai bên phối hợp chặt chẽ với nhau và với các tổ chức khác như USAID triển khai nhiều hoạt động liên quan tới bảo vệ môi trường nói chung cũng như buôn bán động vật hoang dã trong tình trạng nguy cấp. Hai bên đã giới thiệu những rủi ro mà doanh nghiệp trực tuyến gặp phải nếu không quan tâm và có các biện pháp phòng ngừa phù hợp nếu liên quan tới những hành vi bị cấm. Thực tế cho thấy, cùng với sự bùng nổ của môi trường kinh doanh trực tuyến, buôn bán động, thực vật hoang dã trên môi trường này hiện nay đang phát triển mạnh và khó kiểm soát. Những hành vi buôn bán động, thực vật hoang dã là việc buôn bán và trao đổi các cá thể, bộ phận hoặc các chế phẩm của các loài động, thực vật hoang dã có thể được thực hiện thông qua những sản phẩm cụ thể như thức ăn (đặc sản thú rừng…), các sản phẩm về làm đẹp như trang sức (nhẫn ngà voi…), các sản phẩm về chăm sóc sức khỏe (sừng tê giác…), các sản phẩm nguyên nhiên liệu thời trang (da cá sấu, da hổ, báo…), các vật nuôi, vườn thú, các sản phẩm đồ trang trí (xác ướp khô động vật, ngà voi, sừng hươu…). 

Do nhận thức sai lệch mà việc sử dụng các loài hoang dã quý hiếm vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng dù vi phạm pháp luật nên nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã đã có nhiều hành vi được thực hiện thông qua các mạng xã hội, các website, các sàn TMĐT... Nhận thức vai trò quan trọng trong việc tham gia các hoạt động truyền thông tới hội viên và cộng đồng kinh doanh trực tuyến, VECOM phối hợp với Traffic xây dựng đề án và đưa ra chương trình hành động cụ thể. 

Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã (USS) đã phối hợp với VECOM lồng ghép truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã vào một số sự kiện do VECOM tổ chức. Từ cuối năm 2019 tới đầu năm 2020, Dự án USS tiếp tục hợp tác với VECOM đẩy mạnh việc tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã, pháp luật bảo vệ động vật hoang dã và các rủi ro liên quan đến TMĐT; thiết kế các hoạt động nhằm khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực TMĐT tham gia vào hoạt động giảm cầu tiêu thụ, bảo vệ động vật hoang dã trên môi trường trực tuyến. 

Các hoạt động phối hợp được VECOM triển khai gồm: Truyền thông trên website, fanpage, bản tin; truyền thông tại các doanh nghiệp hội viên; hoạt động truyền thông tại các sự kiện lớn; hoạt động truyền thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn TMĐT tại địa phương.

Phối hợp cùng Traffic kết nối và giới thiệu hội viên tham gia "Liên minh phòng, chống buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép trực tuyến". 

Cùng với các hoạt động phối hợp trên, VECOM tiếp tục tích cực tham gia các chương trình xây dựng kế hoạch hành động trong năm 2022 và 2023 do Traffic, WWF và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức. Nội dung VECOM tham gia đóng góp ý kiến tập trung vào các hoạt động nhằm giảm thiểu và hạn chế quảng bá, buôn bán động vật hoang dã trên môi trường trực tuyến. Vai trò của doanh nghiệp hội viên VECOM và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường trực tuyến với các hoạt động này.

Bên cạnh hoạt động thu hẹp khoảng cách số và bảo vệ môi trường, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố quyết định cho TMĐT phát triển bền vững. Với tầm nhìn đó, năm 2022, VECOM đã khảo sát hàng trăm trường đại học và xây dựng Báo cáo Đào tạo TMĐT. Đồng thời, VECOM cùng hàng chục trường đại học thành lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử (VecomNet) và triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thương mại điện tử trình độ đại học, góp phần hướng tới phát triển TMĐT bền vững trong tương lai.