Lâm Đồng có sự đầu tư phát triển khá tốt cho nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao về lĩnh vực này của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như nỗ lực triển khai của các sở, ngành và các tổ chức đoàn thể, hội và hiệp hội nên sự phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua.
Các sản phẩm OCOP 3 sao trở lên trên địa bàn tỉnh đều tham gia sàn TMĐT |
Cũng cần biết rằng, sau hai năm đại dịch COVID-19 nền kinh tế nước ta cũng như của tỉnh Lâm Đồng, nhất là lĩnh vực TMĐT bước vào năm 2022 với nhiều tín hiệu lạc quan.
Báo cáo của Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, thực hiện “Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Lâm Đồng” theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian qua, Lâm Đồng đã có bước phát triển đáng kể và đạt được nhiều mục tiêu mà tỉnh đề ra. Cụ thể, về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho TMĐT mục tiêu đưa ra là có 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử thì việc đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử đã triển khai đối với 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh. Tương tự, tương quan phát triển TMĐT trong tỉnh có 50% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến và đến nay tất cả các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên trên địa bàn tỉnh đềuđã tham gia các sàn như: Postmart.vn, nongsandalatlamdong.vn, dalatproducts.com… Còn về ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp với 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến thì trên thực tế hiện nay, Lâm Đồng có 705 website TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến và đã gửi hồ sơ thông báo đến Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số.
Cũng theo Sở Công thương, tính đến tháng 6/2023, tỉnh Lâm Đồng có 5.634 gian hàng trên Postmart, 1.246 gian hàng Shopee và Sendo, 75 gian hàng trên Alibaba. Tuy nhiên, không thống kê được việc tham gia mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT, nhưng có 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT nên đạt mục tiêu mà tỉnh đề ra. Còn 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng thì hiện tại ngoại trừ dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt; các dịch vụ như điện, viễn thông đều đã triển khai hợp đồng điện tử. Mặt khác, hàng năm, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh Đoàn, Liên minh Hợp tác xã, Hội Phụ nữ, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh… đều thực hiện tập huấn liên quan đến TMĐT. Do đó, mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT doanh nghiệp, hộ kinh doanh, công chức - viên chức, đoàn viên, thanh niên về TMĐT được đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT đảm bảo đạt mục tiêu đề ra. Riêng mục tiêu có 30% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động thì chưa đạt. Đi đôi với việc triển khai có hiệu quả các mục tiêu theo Kế hoạch “Phát triển TMĐT tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025”, Lâm Đồng còn không ngừng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT thông qua việc tổ chức các công tác như đào tạo, tấp huấn về TMĐT cho công chức quản lý điện tử trên địa bàn tỉnh và đội ngũ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đoàn viên, thanh niên…bao gồm kiến thức quản lý nhà nước về TMĐT và ứng dụng TMĐT vào kinh doanh.
Mặt khác, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT cũng được tăng cường. Theo Sở Công thương cho biết, từ năm 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc kiểm tra hoạt động TMĐT của các doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, năm 2022 đã kiểm tra 8 đơn vị, phát hiện và xử lý 8 vụ vi phạm với số tiền 166 triệu đồng, 8 hành vi không thông báo website, 1 hành vi nhập lậu, tịch thu tang vật là mỹ phẩm các loại trị giá 5,8 triệu đồng. Và trong 9 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện 9 vụ và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính 225 triệu đồng.
Lĩnh vực TMĐT là một trong những lĩnh vực tương đối mới mẻ, có sự phát triển mạnh nên Lâm Đồng cũng đặt ra những giải pháp nhằm xây dựng thị trường cũng như việc nâng cao lòng tin của người tiêu dùng trong hoạt động, giao dịch TMĐT bằng nhiều biện pháp như: Thông qua việc tuyên truyền, tập huấn để người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin liên quan đến TMĐT để chủ động tham gia và ứng dụng vào kinh doanh; đồng thời, phát triển các dịch vụ và hoạt động hỗ trợ để tạo ra môi trường phát triển TMĐT. Qua đó, hàng năm, thực hiện tuyên truyền về chủ trương, đường lối phát triển TMĐT và chính sách pháp luật liên quan đến TMĐT trên sóng Đài PT-TH Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng, website của Sở Công thương (sct.lamdong.gov.vn) và các nhóm zalo doanh nghiệp. Tổ chức các lớp đào tạo, tấp huấn về TMĐT cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đoàn viên, thanh niên,…bao gồm các quy định của pháp luật về TMĐT và ứng dụng TMĐT vào kinh doanh, các giải pháp emarketing trong TMĐT. Đặc biệt, tuyên truyền việc thực hiện đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT và thông báo website bán hàng để các doanh nghiệp trong tỉnh biết và thực hiện; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng thanh toán bằng các phương thức điện tử... Vì thế, tính đến thời điểm hiện tại, Lâm Đồng có 8 website cung cung dịch vụ TMĐT đã được xác nhận, 248 website bán hàng đã được duyệt, 2 ứng dụng cung cấp dịch vụ đã được xác nhận, 4 ứng dụng bán hàng đã được duyệt. Tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác là 83,0%; tỉ lệ người dân thanh toán trực tuyến các tiền điện là 85,07%.
Với những kết quả trên cho thấy, TMĐT trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đáng ghi nhận.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin