(LĐ online) - Hỗ trợ hộ nghèo “cần câu” chứ không cho “con cá”, đó là phương châm mà tỉnh Lâm Đồng kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua. Cách làm này vừa tranh thủ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi kích thích sản xuất ở vùng nông thôn, vừa góp phần tạo động lực để hộ nghèo chủ động thoát nghèo bằng nỗ lực tự thân mà không dừng ở việc trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp nhà nước.
Gia đình ông Kơ Đưng Ha Se, thôn Mê Ka, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông thoát nghèo nhờ được vay vốn nuôi bò |
VỐN VAY ƯU ĐÃI, "CHÌA KHOÁ" THOÁT NGHÈO
Chính sách tín dụng xã hội đối với hộ nghèo là một chính sách ưu việt. Bởi trong số nhiều nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo tại Lâm Đồng những năm trước đây, việc thiếu vốn sản xuất hoặc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi không hiệu quả cũng là một trong những lực cản không nhỏ. Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng, tính đến tháng 6/2023, doanh số cho vay hộ nghèo ở Lâm Đồng là 49,9 tỷ đồng cho 728 hộ nghèo; gần 185,3 tỷ đồng cho 2.779 hộ cận nghèo; 136 tỷ đồng cho 1.835 hộ mới thoát nghèo. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi này, các đối tượng đã mạnh dạn mua sắm máy móc trang thiết bị, đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ mua cây, con giống vào sản xuất. nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo được nguồn thu nhập cho gia đình và mạnh dạn giúp đỡ cho con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được bảo đảm việc học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.
Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi đầu tư trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 1.1682 lao động; 1.915 gia đình học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; 2.512 gia đình học sinh, sinh viên vay vốn mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến; giúp cho 19.415 hộ gia đình tại vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 719 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ, 155 khách hàng vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.
THOÁT NGHÈO NHỜ VỐN VAY ƯU ĐÃI
Nằm trong danh sách hộ nghèo nhiều năm liền, đến nay gia đình anh Long Minh Phương, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông đã thoát nghèo nhờ mô hình trồng dâu nuôi tằm. Để tìm ra được hướng phát triển kinh tế này, anh Phương đã dành nhiều thời gian tìm tòi học hỏi. Tích luỹ đủ kiến thức, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi 50 triệu đồng. Với nguồn vốn khởi nghiệp ấy, gia đình anh đã nhanh chóng được xoá tên ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.
Kinh phí hỗ trợ nông dân trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực tại Gung ré, Di Linh |
Là một trong những hội viên phụ nữ sớm được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị Ma Ri Len ở thôn Phú Ao, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng đã đầu tư 50 triệu đồng canh tác rau thương phẩm. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật , áp dụng đúng quy trình canh tác, nên vụ rau thương phẩm đầu tiêu của gia đình đạt năng suất khá cao. Hiện gia đình Ma Ri Len đã chuyển đổi được 1,5ha sang trồng cây cà chua, cà tím, củ cải trắng... Trung bình thu nhập mỗi năm từ cây rau thương phẩm, trừ chi phí đầu tư còn dư từ 200 đến 250 triệu đồng. Chị Ma Ri Len chia sẻ: “Từ khi có nguồn vốn vay phát triển sản xuất, gia đình đã phá bỏ cà phê chuyển sang trồng rau màu và đạt hiệu quả kinh tế như ngày hôm nay. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, đã tạo nguồn vốn cho nông dân chúng tôi có điều kiện chuyển đổi sang trồng cây rau thương phẩm đạt hiệu quả cao”.
QUẢN LÝ VỐN VAY ƯU ĐÃI HIỆU QUẢ
Triển khai đồng bộ nhiều nguồn vốn đầu tư của nhà nước, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình Xây dựng nông thôn mới được xem là một sự kết hợp khá hiệu quả để giảm số hộ nghèo đa chiều ở Lâm Đồng năm 2023 dự kiến khoảng 1%. Công tác khảo sát, bình xét, lựa chọn đối tượng được vay vốn ưu đãi cũng được thực hiện phương châm công khai minh bạch, dân cùng biết dân cùng làm.
Theo Bà Ma Vương Nai Huyền - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, để công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc đạt hiệu quả, không thể xem nhẹ vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Bởi đây chính là những chiếc cầu nối gắn kết đối tượng với nguồn vốn vay. Thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội này; việc định hướng mô hình kinh tế để thoát nghèo, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, hướng dẫn cách sử dụng vốn vay hiệu quả sẽ giúp cho hộ nghèo nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Quản lý vốn vay tại chi hội- Hội phụ nữ xã Nam Hà, huyện Lâm Hà |
Thời gian qua công tác giảm nghèo của tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có nhiều khởi sắc. Lâm Đồng đã trở thành một trong những địa phương có nhiều dấu ấn nổi bật trong triển khai các chương trình, mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Cùng với nhiều nguồn lực xã hội khác, nhất là việc phát huy tốt vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi gắn với công tác giảm nghèo sẽ giúp cho các hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn có thêm điều kiện, động lực để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần vào thành tựu chung trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin