Từ món ăn dân dã, những người dân từ tỉnh Thừa Thiên Huế vào huyện Đạ Tẻh lập nghiệp ở xã Đạ Lây đã biến món bánh mang thương hiệu vùng, miền thành sản phẩm OCOP của địa phương. Hiện nay, có rất nhiều người tham gia làm sản phẩm, cung cấp cho thị trường, tạo thu nhập ổn định.
Người dân xã Đạ Lây tỉ mỉ làm nên những chiếc bánh lọc đậm đà hương vị xứ Huế |
Xuôi thị trấn Đạ Tẻh, qua khỏi dốc Mạ Ơi, Đạ Lây ẩn hiện như một bức tranh thủy mặc với nhiều nét chấm phá. Kiến trúc dựng theo kiểu nhà rường Huế còn khá nhiều, mai vàng, lộc vừng khoe sắc. Từng vườn cây ăn trái uốn lượn theo những bãi bồi phù sa màu mỡ.
Bà Lê Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Lây cho biết, những cư dân đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế vào lập nghiệp ở đây từ những năm 1979. Người gốc tỉnh Thừa Thiên Huế chiếm gần 70 % dân số toàn xã, sống trải dài theo 9 thôn. Đến với đất mới, họ vẫn lưu giữ, làm nhiều món bánh nổi tiếng của xứ “Thần Kinh”.
Tôi sinh ra giữa lòng miền Trung nên món bánh lọc không còn lạ lẫm. Thuở nhỏ, gia đình tôi cũng làm bánh lọc để ăn chứ không để mua bán. Mỗi sớm đi học, đều được một chiếc bánh lọc không có nhân.
Dân ở quê tôi gọi bánh lọc không nhân là những chiếc dép tông, vì mỗi sáng chỉ cần vo bột thành hình quả táo, dùng chai thủy tinh cán qua là thành hình một chiếc bánh, y hệt chiếc dép. Hồi đó, sáng sớm được thưởng thức món bánh này là no cả ngày. Hồi đó chưa có dầu ăn, mỡ lợn cũng hiếm, nên hình thức chế biến chủ yếu là nướng trên than củi.
Nay, ngay tại Đạ Tẻh, món bánh kỷ niệm đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Trong thời gian tới, chị Nguyễn Thị Lợi - Chủ tịch Hội LHPN xã, người tham gia thành lập Tổ hợp tác cùng các thành viên sẽ hoàn thiện dần hồ sơ để nâng hạng bánh lọc trở thành sản phẩm OCOP 4 sao, tiếp cận hình thức bán mua trên sàn giao dịch điện tử.
Tổ hợp tác có khoảng 20 gia đình xứ Huế làm bánh lọc với khá nhiều thành viên trong gia đình. Món bánh dân dã này cần sự khéo léo của đôi bàn tay các chị, các mẹ, các em. Chính vì vậy, chị Nguyễn Thị Lợi tâm sự rằng, đây là một nghề giúp cải thiện đời sống của gia đình, giúp các chị em phụ nữ yếu thế, em nhỏ ở địa phương có thêm thu nhập.
Gia đình chị Nguyễn Phạm Thùy Ngân hiện nay có khoảng 10 nhân công đều là người gốc xứ Huế làm bánh lọc. Mỗi người một công đoạn để tạo nên chất lượng của sản phẩm và số lượng cần thiết cho thị trường.
Bánh lọc Đạ Lây nổi tiếng khắp đó đây chính vì nguồn nguyên liệu làm bánh. Trước đây vùng cây sắn nguyên liệu của xã xấp xỉ 20 ha, sau khi thu hoạch cây sắn được xát nhỏ, lắng lọc qua nhiều nước để cho lượng tinh bột trắng, trong ngọc ngà. Do mục đích chuyển đổi cây trồng ở một số nông hộ, diện tích trồng sắn của xã hiện còn gần 10 ha và vẫn đáp ứng nhu cầu tinh bột làm bánh lọc ở địa phương.
Ông Phạm Văn Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Lây cho biết, mảnh đất Đạ Lây rất thích hợp cho các loại cây ăn trái có múi như cam, quýt, sầu riêng. Chất lượng cây ăn trái đã được thị trường ưa chuộng và khách hàng khẳng định. Cây sắn là một cây thích hợp với các bãi bồi phù sa, hưởng được chất dinh dưỡng ngọt bùi nên tạo chất lượng tinh bột hảo hạng để làm bánh.
Mặt khác, lá chuối để gói bánh lọc ở Đạ Lây là lá chuối rừng; lá chuối nhà chỉ dùng làm dây buộc, chính vì vậy đã tạo nên sự ngon ngọt và tính thẩm mỹ cho chiếc bánh. Quá trình làm nhân bánh cũng tùy thuộc vào tay nghề của từng người trong quá trình lựa chọn tôm, thịt; tẩm ướp gia vị; độ lửa để cho nhân thơm, kích thích vị giác. Món bánh dân dã nhưng qua nhiều công đoạn và khó ai có thể cưỡng lại được nhờ bàn tay của những người làm bánh đầy sự tỉ mỉ, cẩn thận và nét “chầm chậm” rất Huế.
Chị Võ Thị Kim Ngọc cũng là người gốc Huế chuyên làm bánh lọc ở Đạ Lây cho biết, mình làm nghề này đã được 42 năm, năm 16 tuổi chị đã làm, đến nay chị 58 tuổi. So sánh thị trường xưa nay, chị Ngọc chị dùng một từ “sướng”. Chị tâm sự: Xưa phải gánh gồng, rong ruổi từng buổi chợ để rao: “Ai bánh lọc không?”; giờ thì “sướng” rồi, có cơ sở sản xuất, khách dừng xe tận nhà để mua.
Ngoài phục vụ nhu cầu của địa phương, hiện nay, bánh lọc Đạ Lây đã vượt núi xuôi về các thị trường như TP Hồ Chí Minh; Đồng Nai, Bình Dương; Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa… Chất lượng, thương hiệu càng ngày càng được khẳng định, nhiều cơ sở ở các tỉnh bạn luôn đặt hàng bánh lọc với số lượng lớn.
Theo UBND xã Đạ Lây, hiện nay xã có 3 sản phẩm OCOP là bánh lọc, chả Huế, hạt điều… Thời gian tới, địa phương cùng với các hộ làm bánh lọc, tổ hợp tác phấn đấu thành lập được Hợp tác xã làm bánh lọc. Khi đó, sẽ rất nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, sản phẩm đến được với nhiều thị trường hơn, đặc biệt là trong tiếp cận thương mại điện tử.
Giữ nét Huế, ở giữa đất Đạ Lây đầy nắng gió nhưng bao năm qua người dân vẫn cố công giữ gìn, phát triển món ăn dân dã của quê mình. Bên đĩa bánh lọc trắng trong ngọc ngà, quyện hòa cùng nước chấm riêng biệt, được nghe các chị, các mẹ kể chuyện quê mà lòng miên man cứ về núi Ngự, dòng Hương Giang thao thiết chảy…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin