Chưa đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát giai đoạn 2021-2025

DIỄM THƯƠNG 15:21, 19/12/2023

(LĐ online) - Bộ GTVT vừa có văn bản gửi tới UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan đến việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát. Trong đó nêu rõ do nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 rất hạn hẹp, khả năng cân đối nguồn vốn khó khăn nên Bộ GTVT chưa thể đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.

Tuyến đường sắt Đà Lạt- Trại Mát
Tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát

Bộ đã giao Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng là Nhà đầu tư đề xuất lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (bao gồm tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát) bảo đảm theo quy định. Hiện nay vốn bố trí cho ngành GTVT trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 rất hạn hẹp, khả năng cân đối nguồn vốn khó khăn nên chưa thể đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát.

Trong giai đoạn trước mắt, để bảo đảm an toàn chạy tàu, an toàn giao thông trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, cùng với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh Lâm Đồng thực hiện kiểm tra, rà soát những hạng mục hư hỏng để báo cáo Bộ GTVT xem xét đưa vào kế hoạch sửa chữa định kỳ trong năm 2024 từ nguồn kinh phí chi cho hoạt động kinh tế đường sắt.

Trước đó, vào tháng 11/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT sớm nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát. UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát hiện tại có 4 đường ngang hợp pháp, 5 lối đi tự mở và 39 lối mòn. Hầu hết các vị trí giao cắt trên tuyến do yếu tố địa hình nên chủ yếu nằm trong đường cong, dốc dọc của đường bộ lớn, bề rộng đường ngang tại vị trí giao cắt hẹp.

Hiện nay đoạn tuyến vẫn còn giữ lại được các công trình kiến trúc cổ kính, đặc biệt là ga Đà Lạt là nhà ga cổ nhất Đông Dương (được công nhận là Di tích kiến trúc văn hóa cấp Quốc gia năm 2001). Ngoài ra, các công trình nhà trạm liên quan như kho hàng, ke ga, nhà chứa đầu máy, toa xe, hầm khám chữa đầu máy đã xuống cấp nghiêm trọng.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề xuất tới Bộ GTVT, để kịp thời khắc phục sự xuống cấp nêu trên, đảm bảo an toàn chạy tàu, thu hút khách du lịch đến với TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.