Để quản lý hiệu quả thuế thương mại điện tử

DIỄM THƯƠNG 06:24, 12/12/2023

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm qua có sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ đã đặt ra bài toán về công tác quản lý cho ngành Thuế. Quản lý thuế TMĐT, thu đúng, thu đủ thuế TMĐT góp phần đảm bảo nguồn thu và tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Quản lý thuế TMĐT vẫn là bài toán khó
Quản lý thuế TMĐT vẫn là bài toán khó

Với sự tác động mạnh mẽ và tiện ích to lớn, TMĐT đã trở thành một xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Dưới góc độ quản lý tài chính, sự phát triển TMĐT vừa mở ra không gian rộng lớn góp phần tăng thu thuế hoạt động kinh doanh thương mại, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý thu thuế bởi sự thu hẹp thương mại truyền thống, thay đổi đối tượng nộp thuế, cách thức tính thuế, phương thức thu thuế…

Thông tin từ Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 10/2023, đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp là 11.498 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 3.478 tỷ đồng; năm 2023 là 8.020 tỷ đồng. Một số nhà cung cấp nộp thuế lớn nhất là Meta (facebook); Google; Apple; Microsoft...

Với Cổng tiếp nhận thông tin TMĐT trong nước, tính đến ngày 18/10/2023, đã có 375 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin. Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) Tạ Thị Phương Lan cho biết, thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đang sử dụng các phương thức giao dịch TMĐT để giảm thiểu các khâu trung gian, giảm chi phí và tăng tốc độ lưu thông hàng hóa. Đồng thời, cũng có ngày càng nhiều cá nhân sử dụng các mạng xã hội, các trang TMĐT để cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng.

Hiện ngành Thuế toàn quốc đang nắm bắt thông tin của hơn 191.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn. Thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn bao gồm: tên, mã số thuế/đăng ký kinh doanh/căn cước công dân, email, số điện thoại, địa chỉ, ngành hàng, tài khoản ngân hàng, giá trị giao dịch thông qua sàn.

Quản lý thuế thương mại điện tử vẫn là bài toán khó
Quản lý thuế TMĐT vẫn là bài toán khó

Để thu đúng, thu đủ trong lĩnh vực này, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có chỉ thị về triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, cũng như các hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, yêu cầu các huyện, thành phố, sở, ngành có liên quan phối hợp triển khai các nội dung: Cục Thuế tỉnh tăng cường quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh TMĐT, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để đôn đốc và chống thất thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này.

Cục thuế cũng sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để thu thập các thông tin doanh nghiệp, thu thập thông tin, dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản của các tổ chức trong nước với các công ty nước ngoài sở hữu, vận hành trên các nền tảng trực tuyến như facebook, google, youtube... Chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về sử dụng, lưu trữ và bảo mật thông tin, tài liệu do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng thương mại cung cấp liên quan đến khách hàng là tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh TMĐT. Triển khai nghiên cứu khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế để thanh lọc danh sách các đơn vị liên quan kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số để gửi văn bản đề nghị cung cấp thông tin phục vụ quản lý thuế đến các sàn giao dịch điện tử, công ty chuyển phát thu hộ (COD), các đơn vị cung cấp hosting... để thu thập thông tin thuế.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của các hình thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ đã phá vỡ các nguyên tắc đánh thuế trước đây. Căn cứ đánh thuế theo cơ sở thường trú đã không còn phù hợp khi TMĐT cho phép bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào có khả năng tiến hành hoạt động kinh doanh thường xuyên ở nước ngoài thông qua các trang website, máy chủ và nhà cung cấp dịch vụ internet mà không cần mở các chi nhánh kinh doanh. Các doanh nghiệp vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh “bình thường”, nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế tại nước ngoài. Sự tăng trưởng mạnh mẽ đó cũng đặt ra những vấn đề về công tác quản lý thuế.

Ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục tập trung thực hiện Đề án về Hóa đơn điện tử theo tiến độ và lộ trình; đồng thời, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu thuế qua các sàn TMĐT và nền tảng số. Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân cố ý không kê khai, nộp thuế, cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng thương mại để truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chú trọng nắm bắt những phương thức sản xuất, kinh doanh mới, đặc biệt là các hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất về chính sách và phương pháp quản lý hiệu quả, qua đó mở rộng nguồn thu.

Đồng thời, nhận diện 5 nhóm kinh doanh TMĐT để triển khai các biện pháp quản lý thuế trong thời gian tới, bao gồm nhóm có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như google, facebook; Nhóm kinh doanh bán hàng online; Nhóm kinh doanh cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng; Nhóm tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài và Nhóm doanh nghiệp điều hành sàn giao dịch TMĐT như sendo, lazada, shopee..., điều hành các ứng dụng (App) trung gian thanh toán, App trung gian vận chuyển.

Để siết chặt quản lý thuế, cơ quan thuế đã tiếp tục nâng cấp, xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, tích hợp giữa hệ thống ngân hàng, các nhà cung cấp nền tảng số để nắm bắt được đối tượng quản lý thuế, số giao dịch phát sinh, doanh số, số thuế phải nộp, nhất là đối với các giao dịch xuyên biên giới, giao dịch thương mại trên các nền tảng số, kinh doanh qua mạng.

Bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, ngành Thuế còn chủ động phối hợp cùng các ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, giảm thiểu tình trạng thất thu ngân sách nhà nước ở lĩnh vực này.