Di Linh là địa phương sản xuất cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với khoảng 45,6 ngàn ha, sản lượng hàng năm đạt trên 150 ngàn tấn. Ngoài ra, địa phương đang phát triển mạnh các cây công nghiệp giá trị khác như mắc ca, bơ, sầu riêng… Bởi vậy, huyện Di Linh đã sớm có kế hoạch để từng bước thích ứng với quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR).
Là địa phương trồng cà phê lớn nhất tỉnh nên huyện Di Linh đã sớm có kế hoạch để từng bước thích ứng với quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) |
Ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo triển khai các biện pháp truy xuất đối với cà phê có nguồn gốc không gây mất rừng và suy thoái rừng theo các quy định của EUDR, nhằm chuẩn bị và tuân thủ đầy đủ quy định khi luật có hiệu lực, đảm bảo cho xuất khẩu bền vững và quyền lợi của người dân trên địa bàn.
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của EUDR và đặc điểm, tình hình sản xuất của địa phương, huyện Di Linh đã xây dựng kế hoạch hoạt động nông nghiệp thích ứng EUDR. Kinh phí để huyện Di Linh thực hiện kế hoạch này khoảng 22,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước 9 tỷ đồng, nguồn huy động từ các tổ chức phi chính phủ 4,8 tỷ đồng và nguồn vốn từ Nhân dân, doanh nghiệp khoảng 9 tỷ đồng.
Ông Vũ Hồng Long - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh thông tin thêm: Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Di Linh đã tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến quy định EUDR và mục tiêu phát triển nông - lâm nghiệp bền vững sâu rộng, liên tục để nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan, đơn vị, đoàn thể liên quan; các hiệp hội ngành hàng; các tổ chức, doanh nghiệp; các hợp tác xã, cộng đồng và người dân; đặc biệt các nông hộ sản xuất, cung ứng nguyên liệu, chế biến các loại hàng hóa thuộc ảnh hưởng quy định EUDR.
Huyện Di Linh cũng đang triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ rừng đáp ứng yêu cầu EUDR. Sau khi hoàn thiện hệ thống dữ liệu và bản đồ rừng EUDR, chuyển đổi sang định dạng KMZ (một định dạng tệp được Google Earth sử dụng để lưu trữ các dấu vị trí, lớp phủ, mô hình 3D và dữ liệu địa lý) kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu vùng trồng tạo sản phẩm hàng hóa có ảnh hưởng bởi quy định EUDR và các yêu cầu của thị trường để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải trình khi có yêu cầu.
Dựa trên cơ sở dữ liệu về hiện trạng tài nguyên rừng của huyện Di Linh và kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm; sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám chất lượng cao và kết hợp kiểm tra thực địa để xây dựng ranh giới rừng vào thời điểm ngày 31/12/2020; đồng thời, phân tích xác định các điểm mất hoặc thay đổi hiện trạng rừng thời gian sau ngày 31/12/2020; phân định các loại rừng theo quy hoạch và các khu vực rừng theo mức độ rủi ro về mất rừng, suy thoái rừng.
Trên cơ sở dữ liệu hệ thống bản đồ địa chính số hóa, kết hợp tổ chức điều tra, khảo sát tình hình sử dụng đất nông nghiệp tại các trang trại, vườn trồng... xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng tạo sản phẩm hàng hóa có ảnh hưởng bởi quy định EUDR và các yêu cầu của thị trường. Trước mắt, tập trung vào loài cây trồng có ảnh hưởng bởi quy định EUDR và một số loại cây trồng chính của huyện. Điều tra, rà soát, bổ sung đối với diện tích chưa có bản đồ địa chính (chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) về loài cây trồng. Qua đó, xác định diện tích vùng trồng có chồng lấn trên diện tích lâm nghiệp (bản đồ và ngoài thực địa).
Dựa trên dữ liệu về rừng và vùng trồng, tiến hành phân định các vùng sản xuất theo mức độ rủi ro về nguy cơ sản xuất gây phương hại đến rừng theo 3 mức độ mà EUDR đặt ra: Vùng sản xuất có rủi ro cao (các khu vực sản xuất nông nghiệp tiếp giáp, xen kẽ rừng, thiếu thông tin địa chính và có nguy cơ sản xuất gây phương hại đến rừng); vùng sản xuất có rủi ro trung bình (các khu vực sản xuất nông nghiệp tiếp giáp, xen kẽ rừng trồng được quy hoạch cho mục đích khai thác nguyên liệu gỗ nhưng còn thiếu thông tin địa chính); vùng sản xuất có rủi ro thấp (các vùng trồng tập trung cách xa rừng đã canh tác ổn định, có đầy đủ thông tin địa chính và không liên quan đến mất rừng hoặc suy thoái rừng).
Xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị điểm (GPS) và ranh giới số (Polygon) của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR và các ngành hàng chủ lực khác của huyện. Trên cơ sở dữ liệu, thông tin được hoàn thiện; phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin dựa trên các quy định hiện hành và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo ước tính sơ bộ, có khoảng 20% diện tích đất canh tác nông nghiệp của huyện Di Linh (chủ yếu là đất canh tác cà phê) sẽ được xếp vào nhóm vùng sản xuất ở cấp độ rủi ro trung bình và rủi ro cao liên quan đến mất rừng và suy thoái rừng. Hầu hết các vườn cây và nông hộ canh tác ở 2 nhóm khu vực này là người đồng bào dân tộc thiểu số và ở các khu vực vùng sâu, vùng khó khăn như ở các xã Sơn Điền, Gia Bắc, Bảo Thuận, Đinh Trang Thượng, Tam Bố. Bởi vậy, huyện Di Linh cũng tiến hành khảo sát và đề xuất xây dựng các dự án, chương trình hỗ trợ cho nhóm nông hộ sinh sống và canh tác gần rừng nhằm tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng và cải thiện sinh kế cho nhóm nông hộ yếu thế, nông hộ ở vùng sâu, vùng khó khăn. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” và giám sát chặt chẽ vùng cà phê xen kẽ rừng.
Bên cạnh đó, huyện Di Linh cũng tiếp tục triển khai áp dụng các chứng chỉ bền vững đối với các ngành hàng cà phê, gỗ đang triển khai trên địa bàn huyện để phù hợp với quy định EUDR. Cụ thể, với ngành hàng cà phê sẽ tiếp tục phát triển sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận hoặc chứng chỉ bao gồm: Thương mại công bằng (Fairtrade), Hữu cơ (Organic), RA (Rainforest Alliance), 4C. Đối với ngành hàng gỗ, trong bối cảnh ngưng khai thác gỗ rừng tự nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu trong khu vực chung Tây Nguyên và quốc gia, huyện Di Linh tiếp tục duy trì triển khai các phương án quản lý rừng bền vững đối với các công ty TNHH MTV lâm nghiệp đã được cấp Chứng chỉ rừng FSC-CoC cho rừng trồng.
Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật tài chính từ các tổ chức quốc tế như Liên minh EU, UNDP, IDH, Tổ chức 4C… triển khai các chương trình, dự án tiếp cận theo hướng cải thiện cảnh quan rừng, canh tác bền vững, bảo vệ tài nguyên và an sinh xã hội để góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng và phối hợp với các đơn vị cấp tỉnh, cấp Trung ương xây dựng các chương trình, dự án nhằm kêu gọi đầu tư từ khối tư nhân và tài trợ quốc tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin