Là hội viên Hội Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Hội Nông dân…, ông Phan Văn Tuấn ở thôn Tân Tiến, xã Đạ Rsal (Đam Rông) luôn năng động, nhiệt huyết và có trách nhiệm cao với công việc được giao, nhất là gương mẫu tham gia hoạt động xã hội, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế nông hộ. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, đến nay, gia đình ông thu lãi trên 400 triệu đồng/năm.
Gia đình ông Phan Văn Tuấn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế nông hộ |
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình kinh tế của gia đình, ông Phan Văn Tuấn chia sẻ, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và các loài vật nuôi. Vì vậy, để kinh tế gia đình phát triển bền vững, ông Tuấn đã chọn cho mình một hướng đi theo mô hình kinh tế: trồng trọt kết hợp với chăn nuôi (mô hình VAC) mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Ông Phan Văn Tuấn cho biết: “Năm 1997, tôi từ tỉnh Nghệ An vào vùng đất này để làm kinh tế, đến năm 2000, gia đình tôi tích góp tiền mua được 4 ha đất sản xuất. Những năm đầu làm kinh tế tuy còn nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn động viên vợ, con thực hiện lời dạy của Bác “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”. Trong sản xuất, ông Tuấn thực hiện theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” trồng cây ngắn ngày có thu nhập để phát triển cây cà phê và sau hơn 2 năm ông đã trồng được 3 ngàn gốc cà phê. Không dừng lại ở đó, năm 2009, ông Tuấn tiếp tục tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, quyết định trồng thử nghiệm và nhân rộng 400 cây vải thiều, trồng 120 cây sầu riêng, trồng cây bưởi, trồng xen cam quýt vào vườn cà phê và trồng 0,2 ha rau an toàn; đồng thời, tận dụng mặt nước với diện tích 0,3 ha thả cá để cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình.
Ông Phan Văn Tuấn bày tỏ: “So với cây sầu riêng thì quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vải thiều và cây bưởi đơn giản hơn nhiều, cây ít bị sâu bệnh hại, nhu cầu và giá cả thị trường cũng ổn định. Với mô hình kinh tế tổng hợp đã cho gia đình tôi có nguồn thu nhập quanh năm, tránh được thực trạng được mùa mất giá bởi chỉ độc canh cây cà phê. Từ khi tôi đầu tư nuôi 10 con hươu lấy nhung, từ năm 2013 đến nay sau khi trừ các chi phí sản xuất gia đình thu về trên 400 triệu đồng/năm”.
Khi kinh tế gia đình ổn định, ông Phan Văn Tuấn đã bàn bạc với vợ con tạm gác lại những dự định xây nhà, mua xe ô tô, để sử dụng số tiền đó vào mục đích giúp đỡ anh em, bà con còn gặp nhiều khó khăn để vươn lên thoát nghèo. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, ông Tuấn không chỉ hỗ trợ tiền cho 3 hộ khó khăn mua 3 ha đất sản xuất, giúp họ cất nhà, mà còn tìm kiếm công ăn việc làm cho họ; hướng dẫn cho các hộ cách ươm giống cà phê và chăm sóc cây trồng; hỗ trợ cho hai hộ khó khăn xóa nhà tạm với số tiền trên 30 triệu đồng. Nhờ đó, đến năm 2016, cả 3 hộ không chỉ đã thoát nghèo, mà còn trở thành là hội viên nông dân sản xuất giỏi cấp xã và giúp đỡ được nhiều hộ khác phát triển kinh tế. Ngoài ra, ông Tuấn còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho các hội viên và bà con nông dân trên địa bàn xã đến tìm hiểu cách nhân giống cây vải thiều và cách chăm sóc đàn hươu; đồng thời, đã cung cấp được 12 con hươu giống và hướng dẫn các hộ cách chăn nuôi hươu trong và ngoài huyện... “Ngoài là Chi hội trưởng, hiện tôi làm Tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất cây ăn quả sạch. Là người nông dân, tôi luôn học ở Bác từ những việc làm cụ thể, những điều giản dị và hòa đồng với mọi người, luôn thực hành tiết kiệm, không xa hoa lãng phí, sẵn sàng giúp đỡ người khác; giáo dục con cháu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; luôn cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, biết tiết kiệm trong chi tiêu, tích cực tham gia các phong trào xã hội tại địa phương”, ông Phan Văn Tuấn nói.
Với vai trò là Chi hội trưởng Hội Nông dân (HND), những năm qua, ông Phan Văn Tuấn luôn gương mẫu tiên phong hiến 2 sào đất và cây trồng để mở đường liên xã và tạo sự lan tỏa đến 42 hộ dân tham gia hiến trên 3,4 ha đất, với hơn 3.000 cây trồng các loại và góp nhiều ngày công lao động. Bên cạnh đó, vận động hội viên xây dựng Mô hình “Thắp sáng làng quê”, “Tiếng kẻng an ninh”, phong trào xây dựng và nhân rộng đường cờ...
Nhận xét về ông Tuấn, ông Nguyễn Viết Sương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Rsal, cho biết: “Ông Tuấn là một trong những tấm gương sáng về học tập và làm theo Bác trong hội viên Hội Nông dân xã, ông không chỉ là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn là một trong những nhân tố tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương, được UBND huyện, Hội Nông dân huyện… tặng nhiều giấy khen. Ông vinh dự được Huyện ủy Đam Rông biểu dương là một trong những cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin