Liên kết cơ giới hóa ở tổ hợp tác dâu tằm

DIỆP QUỲNH 05:59, 13/12/2023

Bình Thạnh, vùng đất cà phê xưa của huyện Đức Trọng nay đã thành vùng dâu xanh ngắt. Những người nông dân đã tạo thành một tập thể, xây dựng chuỗi liên kết trồng dâu, nuôi tằm hiệu quả. Và đặc biệt, những người nông dân nơi đây còn đang tích cực cơ giới hóa nghề dâu tằm.

Chị Thúy Loan chăm sóc tằm tuổi 4
Chị Thúy Loan chăm sóc tằm tuổi 4

Chị Nguyễn Thị Thúy Loan, thôn Thanh Bình 2, xã Bình Thạnh đã có 10 năm nuôi tằm. Với chín sào dâu, một tháng chị có thể nuôi gối đầu ba lứa, từ năm tới sáu hộp tằm. Đang trong giai đoạn tằm ngủ bốn, chị Thúy Loan chia sẻ: “Cây dâu, con tằm đã mang lại kinh tế khá giả cho gia đình tôi. Vài năm nay, giá kén rất tốt, nông dân rất khoẻ. Gia đình tôi nuôi gối đầu ba lứa/tháng, năng suất đạt sáu mươi kg/hộp, kinh tế thu được đủ nuôi gia đình, nuôi con cái ăn học, mua sắm vật dụng và còn có khoản tiết kiệm”.

Chị Nguyễn Thị Thúy Loan là một trong hàng trăm nông hộ đang nuôi tằm tại xã Bình Thạnh. Chị cũng là thành viên của tổ hợp tác dâu tằm với 24 thành viên. Tổ hợp tác là một liên kết chặt chẽ từ đầu vào tới đầu ra. Ông Trần Thanh Tân, thôn Thanh Bình 1 là Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tằm xã Bình Thạnh. Bản thân ông Tân cũng là nông hộ nuôi tằm con, là cơ sở cung cấp tằm con cho những nông hộ tham gia chuỗi liên kết. Ông Tân chia sẻ, nuôi tằm cần đảm bảo từ chất lượng dâu, chất lượng tằm con..., dâu canh tác sạch, không phun thuốc bảo vệ thực vật sai kĩ thuật mới đủ chất lượng cho tằm ăn. Giống tằm cũng phải đảm bảo không bệnh tật, quân đông, sức khỏe tốt, lứa tằm mới đạt năng suất và chất lượng kén. Cũng vì vậy, Hội Nông dân xã Bình Thạnh đã xây dựng Tổ liên kết trồng dâu, nuôi tằm nhằm xây dựng được chuỗi sản xuất từ trồng dâu, sản xuất tằm con cho tới sản xuất tằm kén.

Không chỉ liên kết sản xuất từ giống tới dâu tằm, tổ liên kết còn cung ứng đầy đủ cho ngành dâu tằm từ phân bón, thuốc, máy thái dâu và thu mua kén với giá ổn định, tốt hơn giá thị trường. Tổ cũng vận động thành viên nuôi tằm đúng kĩ thuật, giữ nhà tằm thoáng mát, đảm bảo vệ sinh do cán bộ nông nghiệp hướng dẫn. Đặc biệt, Tổ hợp tác nuôi tằm Bình Thạnh còn là một trong những tổ hợp tác có mức độ cơ giới hóa trong ngành tằm rất cao. Để tận dụng dâu cho tằm ăn, hầu hết các thành viên trong tổ đều sử dụng máy thái dâu, thái những chiếc lá dâu to bản, thậm chí cả ngọn non thành sợi cho tằm ăn. Việc thái dâu bằng máy giúp tằm tuổi nhỏ dễ ăn, tận dụng được hết sản lượng dâu trong nông dân. Thay vì đi mua máy, thành viên trong tổ tự tự sản xuất máy. Gia đình chị Nguyễn Thị Bích Liên, thôn Thanh Bình 2 là một trong những thành viên của tổ đang sản xuất máy. Với những công cụ đơn giản, sắt thép, mô tơ được mua, gia đình chị đã sản xuất ra những chiếc máy thái dâu tiện lợi, hiệu quả, vừa sử dụng trong gia đình, vừa cung cấp cho bà con trong tổ liên kết cũng như những bà con trồng dâu, nuôi tằm trong xã Bình Thạnh và khu vực lân cận. Chị Nguyễn Thị Bích Liên cho biết, thay vì thái dâu bằng tay hoặc mua máy giá cao, gia đình chị sản xuất máy để cung cấp cho bà con với giá cả giảm hơn giá thị trường khá nhiều. Chỉ với 10 triệu đồng, bà con đã có thể có một chiếc máy thái hoạt động bền bỉ, hiệu quả, có trục trặc sẽ được bảo hành ngay tại địa phương. Chính vì giá máy rẻ, hầu hết bà con trong xã Bình Thạnh trồng dâu, nuôi tằm đã chuyển sang dùng máy.

Chị Đỗ Thị Ngọc Thảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh cho biết, Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm xã Bình Thạnh có 24 thành viên. Đây là chuỗi liên kết sản xuất dâu tằm đầu tiên trong xã, được Hội Nông dân và xã xây dựng với mục tiêu xây dựng sức mạnh tập thể chung, hỗ trợ những người nông dân cùng làm trong một ngành nghề xây dựng được chuỗi liên kết bền vững, hiệu quả. Để giúp bà con, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã cho vay 200 triệu đồng. Có 5 hộ được tiếp nhận nguồn vốn vay đã sử dụng để đầu tư thêm nong né, máy thái dâu phục vụ việc mở rộng quy mô nuôi tằm. Bản thân thành viên trong tổ cũng chủ động đóng góp với số tiền 400 triệu đồng, dùng làm vốn để mua bán, cung ứng các dịch vụ trong nghề trồng dâu, nuôi tằm cho thành viên cũng như cho bà con trong xã. Chị Ngọc Thảo cho biết, nghề trồng dâu, nuôi tằm tại Bình Thạnh hiện tại rất phát triển. Với 300 ha dâu, gần như trong xã, hộ gia đình nào cũng nuôi tằm, nhiều gia đình đạt thu nhập rất cao từ cây dâu, con tằm. Và mô hình liên kết này sẽ là mô hình đầu tiên, để Hội cũng như xã Bình Thạnh rút ra kinh nghiệm hoạt động nhằm hỗ trợ những chuỗi liên kết khác được thành lập và hoạt động hiệu quả trong tương lai.