(LĐ online) - Bánh chưng - nét ẩm thực truyền thống của người Việt thường chỉ xuất hiện vào dịp Tết cổ truyền nay đã là món ngon có mặt hàng ngày tại các cửa hàng, siêu thị. Từ loại gạo nếp Quýt đặc sản nổi tiếng, những chiếc bánh chưng thơm ngon trở thành món quà biếu dung dị nhưng không kém phần sang trọng, bắt mắt.
Bánh chưng là một món ăn mang đậm nét văn hóa truyền thống, thể hiện cho năm mới đầy đủ và trọn vẹn |
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, bánh chưng như một nét văn hóa truyền thống mà mỗi người con đất Việt dù ở bất cứ nơi đâu vẫn gìn giữ vẹn nguyên về hình dáng, hương vị và được kính dâng lên thờ cúng tổ tiên, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền.
Theo chị Lương Thị Huế ước tính, mỗi năm gia đình chị cần khoảng 25 - 30 tấn gạo để gói bánh |
Dù chưa phải là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán nhưng tại cơ sở sản xuất bánh chưng của chị Lương Thị Huế (thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh) vẫn tất bật các công đoạn để làm nên những chiếc bánh thơm ngon theo đặt hàng của những vị khách phương xa.
Những chiếc lá dong để gói bánh chưng được chọn lọc kỹ, là loại lá xanh mướt, bản to, không bị sâu rách. Từng chiếc lá được rửa sạch, lau khô, gấp nếp phẳng phiu rồi cắt theo tỉ lệ khuôn bánh. Những công đoạn này tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận |
“Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở đưa ra thị trường khoảng 200 - 300 chiếc bánh chưng, bánh chưng gù, bánh tét. Ban đầu chỉ là gói ăn trong gia đình vào dịp Tết nhưng khi thấy mọi người có nhu cầu ăn bánh chưng nhiều hơn trong năm nên mình gói bán thử rồi cứ thế mạnh dạn mở rộng kinh doanh”, chị Lương Thị Huế kể về cơ duyên những ngày đầu khởi nghiệp với những chiếc bánh chưng xanh.
Trung bình mỗi ngày, một người thợ có thể gói được khoảng 150 chiếc bánh |
Dù mới chỉ là năm thứ 5 chị Huế kinh doanh nhưng những chiếc bánh chưng mang nhãn hiệu Lương Huế đã dần khẳng định chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Một trong những điều khiến chị Huế tự hào đó là chiếc bánh chưng hoàn toàn sử dụng nguyên liệu của địa phương, đặc biệt nguyên liệu chính là gạo nếp Quýt - loại gạo có tên trên Bản đồ Gạo đặc sản của Việt Nam.
Theo chị Huế, khác với các loại gạo nếp khác, nếp Quýt trồng ở vùng đất Đạ Tẻh màu mỡ, ngậm nước nên trước khi gói, gạo không cần ngâm nhiều giờ đồng hồ mà chỉ cần vo kỹ, trộn với màu xanh từ các loại lá tự nhiên. Bánh cũng không cần luộc lâu, chỉ cần từ 6 - 7 tiếng là đã có thành phẩm thơm ngon, đậm vị, thoang thoảng mùi lá dong hòa quyện với hương thơm của nếp Quýt làm say lòng thực khách.
Từng nguyên liệu được lựa chọn tỉ mỉ để cho hương vị đậm đà của bánh chưng |
Những chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt được tạo nên bởi đôi tay khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ giàu kinh nghiệm |
Sản phẩm hiện được bán khắp cả nước nhưng nhiều nhất vẫn là thị trường TP Hồ Chí Minh thông qua mạng xã hội Facebook |
"Gần như tháng nào mình cũng đặt bánh chưng ở đây cho gia đình. Bản thân mình đã thử qua nhiều loại bánh chưng của các vùng miền khác nhau nhưng mình vẫn ấn tượng bởi miếng bánh mềm dẻo, mùi vị vừa vặn, nhân béo ngậy, thơm bùi. Mình cũng đã đặt trước một lượng lớn bánh chưng để biếu người thân trong dịp Tết sắp tới”, chị Hoài Thu (Phường 12, TP Đà Lạt), một trong những khách hàng quen thuộc của chị Huế chia sẻ.
Để cho ra thành phẩm 10 chiếc bánh như 10, chị Huế yêu cầu thợ gói khuôn gỗ, tuy tốn nhiều thời gian và công đoạn hơn nhưng đổi lại, chiếc bánh đều tăm tắp, khó lòng phân biệt ai là người gói nếu chỉ nhìn qua.
Bánh được xếp thành từng hàng ngay ngắn trước khi đem luộc |
Trung bình mỗi nồi chứa xấp xỉ 100 chiếc bánh và luộc bằng bếp củi trong khoảng 6 – 7 tiếng |
Sau khi luộc, bánh được vớt ra để nguội nửa ngày cho ráo nước và ép cho chắc hơn trước khi đưa vào đóng gói |
Bánh gói xong được nấu bằng trên bếp củi, khói bếp hòa quyện với mùi lá dong thơm phức từ các nồi bánh đang sôi cũng là một trong những hương vị quen thuộc nhắc nhớ ký ức tuổi thơ, nguồn cội.
Khi bánh chín sẽ được vớt ra để nguội, cho vào túi, hút chân không và dán nhãn rồi mới xuất ra thị trường. Thời gian gần đây, chị Huế đã chú trọng đầu tư mẫu mã bằng việc cho thiết kế logo, thiết kế vỏ hộp bằng bìa cứng và có túi xách, để mỗi hộp bánh đến tay người tiêu dùng như một thức quà bắt mắt hơn, mang niềm vui lớn hơn khi trao nhau những điều dường như đã quá quen thuộc.
“Bánh chưng xanh đã trở thành biểu tượng ẩm thực truyền thống của cả dân tộc và được bạn bè khắp năm châu biết đến. Vì thế, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng thì việc đầu tư mẫu mã cũng rất quan trọng. Khách hàng cũng rất đón nhận và sẵn sàng trả thêm tiền cho set quà bánh chưng của mình”, chị Huế cho biết thêm.
Từng chiếc bánh được đóng túi, hút chân không, bảo quản trong điều kiện thích hợp có thời hạn sử dụng khoảng 2 – 3 tháng |
Tháng 6/2023, sản phẩm bánh chưng Lương Huế được UBND huyện Đạ Tẻh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và hiện cũng đang trong quá trình đánh giá các tiêu chí của sản phẩm OCOP. Từ đó, chị Huế có cơ hội tham gia quảng bá sản phẩm trong các buổi triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Những chiếc bánh chưng đóng hộp trở thành món quà ý nghĩa nhưng không kém phần sang trọng, bắt mắt |
Theo chị Huế, tại các chương trình xúc tiến thương mại, bánh chưng được khách hàng đánh giá cao. Chị cũng đã có ký kết với Siêu thị Go! Đà Lạt và Siêu thị Tứ Sơn tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang để đưa bánh chưng lên kệ, phục vụ du khách cũng như người dân địa phương.
Bánh chưng đóng hộp sang trọng được khách hàng đón nhận |
Bánh chưng Lương Huế cũng đang được được ngành chức năng địa phương hỗ trợ quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm |
“Chúng tôi mong muốn sản phẩm được đến tay người tiêu dùng nhiều hơn, để từ đó tạo được công ăn việc làm cho lao động tại chỗ cũng như quảng bá cho sản vật nếp Quýt của địa phương hiệu quả hơn”, chị Huế chia sẻ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin