Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm việc với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

LÊ HOA 08:05, 16/12/2023

(LĐ online) - Ngày 15/12, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; cùng Đoàn công tác là đại diện lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cục 3 Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng, Vụ Truyền thông, Vụ Tài chính Kế toán, Agribank, Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Văn Thanh – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, trình bày báo cáo tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn

Báo cáo tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do ông Võ Văn Thanh –  Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng trình bày, cho biết: Tính đến ngày 15/12, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 57 đơn vị tổ chức tín dụng hoạt động, gồm: 30 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh ngân hàng hợp tác xã, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội và 25 quỹ tín dụng nhân dân. Mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn còn có 15 chi nhánh trực thuộc của Agribank, 114 phòng giao dịch và 1.236 điểm giao dịch của 8 công ty tài chính.

Tổng số dư tiền gửi của khách hàng đến 30/11/2023 tăng 6,2%, đạt 49,6% chỉ tiêu định hướng của ngành trên địa bàn năm 2023 về tăng nguồn vốn huy động (12,5%); ước đến cuối năm 2023, số dư nguồn vốn huy động tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 6,5%. Tổng dư nợ đến 30/11/2023 có tốc độ tăng trưởng 9%, đạt 62% chỉ tiêu định hướng của ngành trên địa bàn năm 2023 về tăng dư nợ (14,5%); ước đến cuối năm 2023, dư nợ tăng 10,4%. Về tỷ trọng dư nợ: ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước chiếm 66%, ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 25,4%, ngân hàng chính sách xã hội chiếm 3,2%, ngân hàng hợp tác xã chiếm 0,3%, quỹ tín dụng nhân dân chiếm 5,1%.

Tổng dư nợ xấu đến 30/11/2023 tăng 151% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trong tổng dư nợ là 0,59%. Có 12 chi nhánh ngân hàng thương mại và 1 quỹ tín dụng nhân dân có tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ lớn hơn 1%.

Toàn địa bàn có 25 quỹ tín dụng nhân dân với hơn 60 ngàn thành viên, 10 quỹ tín dụng nhân dân có tổng tài sản từ 500 tỷ đồng trở lên, trong đó có 3 quỹ tín dụng nhân dân có tổng tài sản trên 1.000 tỷ đồng. Đến 30/11/2023, các quỹ tín dụng nhân dân có tổng nguồn vốn đạt 11.542 tỷ đồng (bình quân 461,7 tỷ đồng/quỹ); Vốn điều lệ đạt 342,2 tỷ (bình quân 13,69 tỷ đồng/quỹ); huy động tiền gửi đạt 10.179 tỷ đồng (bình quân 407 tỷ/quỹ); dư nợ cho vay đạt 8.872 tỷ đồng bằng 87% so với số dư huy động vốn, dư nợ bình quân 355 tỷ đồng/quỹ; nợ xấu 28,5 tỷ đồng, chiếm 0,32% trên tổng dư nợ, trong đó, 14/25 quỹ tín dụng nhân dân không có nợ xấu, quỹ tín dụng nhân dân có tỷ lệ nợ xấu cao nhất là 1,45%...

Bà Hà Thị Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, nhắc nhở các tổ chức tín dụng cần tăng cường an ninh công nghệ

Tại buổi làm việc với Phó Thống đốc, lãnh đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo tình hình và những khó khăn vướng mắc trong hoạt động. Các thành viên trong Đoàn công tác cũng nhận xét về hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng…

Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank hoàn toàn yên tâm với hoạt động của 2 chi nhánh Agribank trên địa bàn

Phát biểu kết luận chương trình làm việc, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước biểu dương và ghi nhận những kết quả tích cực trong hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Phó Thống đốc cũng đánh giá cao công tác thanh tra, kiểm tra, quan hệ với chính quyền địa phương, đoàn kết nội bộ trong hệ thống; đồng thời, yêu cầu chú trọng những nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú kết luận chương trình làm việc

Đó là, tập trung tín dụng, tăng cường tín dụng cho vay nhưng không hạ chuẩn tín dụng, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn; giảm lãi suất bằng cách tiết kiệm chi phí, chủ động tích cực, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp; đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách như: Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản…

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn phải thực hiện tư vấn hỗ trợ, gặp gỡ khách hàng, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn, đảm bảo thủ tục hành chính nhanh, thuận tiện…; tham gia đầy đủ hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Phó Thống đốc đề nghị, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tích cực cho vay theo chuỗi; đồng thời, công khai, minh bạch truyền thông. “Phải tăng cường công tác truyền thông không chỉ qua các phương tiện truyền thông đài, báo mà còn thông qua hội thảo, các cuộc họp, gặp gỡ”…

Về vấn đề của các quỹ tín dụng nhân dân, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, không thể có cơ chế cho một hoặc hai quỹ tín dụng nhân dân riêng mà chính sách phải thống nhất trên toàn quốc; tạo điều kiện cho quỹ tín dụng nhân dân hoạt động nhưng phải đặt an toàn, hiệu quả, lành mạnh đặt lên hàng đầu.


Từ khóa:

Ngân hàng Nhà nước