Rượu vang - không chỉ là thức uống...

TRỊNH CHU 06:29, 25/12/2023

“Rượu vang còn hơn cả một thức uống. Nó là văn hóa - văn hóa rượu vang, không chỉ làm người uống thăng hoa, rượu vang còn giúp đọc vị người uống”, ông Daniel Carsol - Nhà đầu tư Công ty VMV châu Á (Khu công nghiệp Phú Hội, Đức Trọng), đã quả quyết như vậy.

Chị Hồng Hạnh bên thùng rượu vang của nhà máy
Chị Hồng Hạnh bên thùng rượu vang của nhà máy

Nói về lý do chọn Đà Lạt làm nơi sản xuất rượu vang, Daniel Carsol chia sẻ: “Tại sao không phải Đà Nẵng, hoặc Nha Trang, cứ nhất thiết phải là Đà Lạt? Bởi vì Đà Lạt gần giống Bordeaux - nơi sản xuất rượu vang nổi tiếng của Pháp”. Trước khi xây dựng Nhà máy Cellier Indochina - trực thuộc Công ty VMV châu Á, tại Khu công nghiệp Phú Hội, năm 2008, ông đã trồng nho khảo nghiệm ở Tà Nung (Đà Lạt) và nhận thấy nơi đây có nhiều nét tương đồng với Bordeaux. Daniel Carsol ấp ủ dự định sẽ mở một nhà máy sản xuất rượu vang chuẩn vị Pháp trên đất Đà Lạt. Sau đó, ông gặp gỡ chị Lý Ngọc Thụy Hồng Hạnh - một người có cùng sở thích trồng nho chế biến rượu vang, rồi nên chồng nên vợ. Năm 2017, Nhà máy sản xuất rượu vang Cellier Indochina của hai vợ chồng Hồng Hạnh - Daniel Carsol được thành lập. Hồng Hạnh là Giám đốc Điều hành nhà máy. Nhà máy sản xuất rượu vang Cellier Indochina có diện tích 1,2 ha gồm khu văn phòng, nhà xưởng, kho và một bãi đất trống ở phía sau. “Bãi đất trống đó, chúng tôi đang lên kế hoạch xây dựng một showroom rượu vang phục vụ du khách đến thưởng thức rượu vang, tham quan nhà máy sản xuất, tìm hiểu quy trình chế biến rượu vang, ăn nhẹ...”, chị Hồng Hạnh cho biết.

Theo chị, Cellier Indochina chuyên cung cấp các loại rượu vang chuẩn gu, chuẩn vị Pháp. Phương thức hoạt động của Cellier Indochina là nhập khẩu rượu vang từ Pháp, rồi chiết xuất, xử lý lọc và đóng chai. Suốt quá trình vận chuyển, rượu vang trong các bể chứa lớn luôn được bảo quản theo một quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo tối đa chất lượng, cũng như hương vị. Anh Trương Minh Hoàng - công nhân làm việc tại Nhà máy Sản xuất rượu vang Cellier Indochina, cho hay: “Ở đây, bể chứa rượu vang lớn nhất có dung tích lên đến 24.000 lít”. Mỗi năm, Công ty VMV châu Á xuất khẩu khoảng 20 container rượu vang sang các nước Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia. Ngoài ra, Công ty VMV châu Á còn cung cấp rượu vang cho các công ty, nhà hàng, khách sạn tại một số địa phương trong nước. “Tôi không hình dung được ở Đức Trọng lại có một nhà máy sản xuất rượu vang quy mô rộng rãi, đầy đủ các quy trình, cũng như trang thiết bị, đảm bảo an toàn vệ sinh và bắt mắt đến thế! Cô chủ thì rất am hiểu về rượu vang, các quy trình sản xuất rượu vang. Cô là người đam mê rượu vang thực sự, chứ không chỉ vì công việc kinh doanh”, nhạc sĩ Quỳnh Hợp tâm tình.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp bày tỏ rằng, chị mua rượu vang ở Cellier Indochina không phải vì giá rẻ, quan trọng là chất lượng. Chính chất lượng rượu vang ở đây đã thuyết phục nhạc sĩ Quỳnh Hợp. “Chất lượng chuẩn Pháp”, đó là triết lý kinh doanh của Cellier Indochina. “Bạn hãy đến đây để thấy thực tế và cảm nhận cách chúng tôi tạo ra những chai rượu vang chất lượng”, ông Daniel Carsol nhấn mạnh. Trước ý định tổ chức tour tham quan quy trình sản suất rượu vang của Nhà máy sản xuất rượu vang Cellier Indochina, Giám đốc Công ty Du lịch Phố Hoa Đà Lạt Trương Thị Minh nói: “Tôi thấy việc tổ chức tour rất khả thi”. Tuy nhiên, chị Minh lưu ý thêm: “Nhà máy cần nghiên cứu, điều chỉnh lại một số không gian, cũng như xây thêm một số công trình bãi đậu xe, nhà vệ sinh. Tôi nghĩ nhà máy nên thiết kế một lối đi một chiều cho du khách tìm hiểu quy trình đóng chai sản phẩm và không gian thưởng thức rượu vang cũng phải mở rộng, đi kèm với đó là bán thêm những thức ăn nhẹ, phù hợp”.