(LĐ online) - Chiều 30/11, Tổng Cục Thuế tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết đề án "Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”. Lãnh đạo Cục Thuế Lâm Đồng, chi cục thuế khu vực các huyện, thành phố cùng tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng |
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và cá nhân, hộ kinh doanh - bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, sau hơn 2 năm triển khai đề án, cơ quan thuế đã sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới 7 quy trình quan trọng trong công tác quản lý thuế. Các quy trình đã góp phần tăng cường quản lý thuế qua công tác thanh tra kiểm tra và quản lý rủi ro trên cơ sở dữ liệu về TMĐT; tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế có hoạt động TMĐT thực hiện nghĩa vụ thuế dễ dàng; đáp ứng việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế trong thời gian tới; đáp ứng chuyển đổi số trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh ở mức độ 4.0.
Lãnh đạo Cục thuế tỉnh Lâm Đồng tham dự hội nghị |
Với các giải pháp, số thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng mạnh so với số thu từ các khu vực kinh tế khác. Cụ thể, nếu như số thu năm 2020 chỉ đạt 123 nghìn tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2019 (213 nghìn tỷ đồng), thì tại thời điểm bùng dịch Covid-19 năm 2021 số thu từ khu vực này đã tăng cao đạt 255,5 nghìn tỷ tương đương tăng 108%. Từ năm 2022, số thu tiếp tục tăng ổn định đạt 263,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3%; dự kiến năm 2023 đạt 273 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9%.
Đối với số thu từ các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), cho đến nay đã có 74 NCCNN đã đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, trong đó năm 2022 có 42 NCCNN; năm 2023 (tính đến 25/10/2023) có 32 NCCNN. Các NCCNN trên đến từ nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Ireland, Lithuania, Thụy Sĩ, Úc, Anh... Trong đó, bao gồm các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu như: Google, Meta, Microsoft, Tiktok, ... cũng đều đã đăng ký và kê khai, nộp thuế hàng triệu USD.
Trên cơ sở phân tích những mặt còn tồn tại, hạn chế, Tổng Cục Thuế đã nhận được nhiều đề xuất, giải pháp sửa đổi chính sách, quy trình quản lý trong dài hạn phù hợp với chiến lược cải cách hệ thống thuế tầm nhìn 2030. Trọng tâm là bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, qua triển khai thương mại điện tử sẽ góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế; xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin