Thương mại điện tử: Cộng đồng bảo vệ môi trường

KHẢI NHIÊN 06:11, 01/12/2023

Bên cạnh sự mất cân bằng giữa các địa phương, sự tăng trưởng nhanh của thương mại điện tử đã nhanh chóng bộc lộ nhiều yếu tố khác cản trở sự phát triển bền vững. Đặc biệt là những tác động xấu từ các hoạt động của thương mại điện tử tới môi trường nên cần sự cộng đồng từ các phía để giảm thiểu tác động tiêu cực. 

Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, gần đây, các cơ quan báo chí và truyền thông đã nhanh chóng nhận ra tác động tiêu cực này và đã có nhiều tin, bài phản ảnh những tác động cụ thể, rõ ràng của việc sử dụng quá mức bao bì không thân thiện môi trường, các túi, bao, chai lọ nhựa... chậm phân huỷ trong mua sắm trực tuyến tại Việt Nam. 

Điều này cũng được một số doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến quan tâm và đã có những hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững. Chẳng hạn, trong thời gian gần đây, lazada đã thực hiện đa dạng các hoạt động hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Trước đó, cuối năm 2019, GrabFood đã có sáng kiến bảo vệ môi trường với việc giảm thiểu rác thải nhựa trong kinh doanh. Tiếp theo, GrabFood sẽ hợp tác với các bên liên quan triển khai những giải pháp bền vững và dài hạn, bao gồm khách hàng, nhà hàng và đơn vị chuyển phát. Giải pháp bao gồm hỗ trợ khách hàng tiếp cận tới các nhà hàng thân thiện với môi trường, cung cấp bao bì tái sử dụng khi vận chuyển đồ ăn… 

Theo Báo cáo thường niên về Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty (ESG) của Grab năm 2021, các tính năng đóng góp trung hòa carbon và giảm thiểu dụng cụ ăn uống dùng một lần trên ứng dụng Grab khuyến khích người dùng đưa ra những “lựa chọn xanh” trong các quyết định hàng ngày. Các tính năng này đã góp phần trồng 42.000 cây xanh trong khu vực Đông Nam Á, giảm thải hơn 2.300 tấn khí nhà kính thông qua tín chỉ carbon và giảm sử dụng hơn 774 triệu bộ dụng cụ ăn uống dùng một lần. 

Tại Việt Nam, thông qua dự án Grab for Good Forest khởi động vào tháng 11 năm 2021, hợp tác triển khai cùng Quỹ Hỗ trợ và phát triển cộng đồng sống bền vững (Quỹ Sống) với cam kết thực hiện một khoản đóng góp trung hòa carbon cho một triệu chuyến xe Grab đầu tiên, khởi động dự án trồng 5 ha rừng đầu nguồn tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Người dùng có thể chung tay cùng Grab và Quỹ Sống giảm lượng phát thải khí carbon ra môi trường bằng cách lựa chọn tính năng Đóng góp trung hòa carbon và chọn đóng góp 2.000 đồng với chuyến xe GrabCar hoặc 1.000 đồng với chuyến xe GrabBike. 

Mục tiêu phát triển bền vững đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức nghiên cứu uy tín và cơ quan quản lý nhà nước. Tháng 2 năm 2023, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo “Kinh tế số và Phát triển bền vững: Cơ hội và Thách thức trong bối cảnh mới”. Tại hội thảo này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã nêu sáu trụ cột để phát triển bền vững thị trường thương mại điện tử trong nền kinh tế số. Thứ nhất là hoàn thiện chính sách, tạo môi trường pháp lý thông thoáng. Thứ hai, đảm bảo môi trường thương mại điện tử cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng. Thứ ba, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương. Thứ tư, phát triển thương mại điện tử gắn liền bảo vệ môi trường. Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao. Trụ cột thứ sáu là tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển thương mại điện tử và kinh tế số theo hướng bền vững. 

Nhận thức và hành động về sự phát triển bền vững của thương mại điện tử tại nước ta tương đồng với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek và Bain&Company, nhận thức về các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị của cả khu vực mới manh nha nhưng đang nổi lên. Với môi trường, các yếu tố này là khí thải carbon, quản lý nước, sử dụng vật liệu, chất thải và sự tuần hoàn, chất thải độc hại, chất lượng không khí, sử dụng đất và đại dương, đa dạng sinh học và bảo vệ sinh thái. Các hình thức bán lẻ trực tuyến, gọi xe công nghệ, gọi đồ ăn công nghệ và du lịch trực tuyến quan tâm lớn nhất tới vấn đề môi trường. Trong khi đó các hình thức trò chơi trực tuyến, truyền thông trực tuyến và công nghệ tài chính quan tâm nhiều hơn tới vấn đề xã hội. 

Báo cáo này đưa ra đánh giá để giảm lượng khí thải carbon từ hoạt động bán lẻ trực tuyến khoảng 30-40% thì các nhà cung cấp dịch vụ logistics cần sử dụng xe điện cho giao hàng chặng cuối, củng cố hoạt động của các trung tâm phân phối, giảm bớt và tái chế vật liệu đóng gói. Để đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải carbon cần sự nỗ lực chung của các công ty, thương nhân và người tiêu dùng.

Báo cáo kết luận phát triển kinh tế số bền vững là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, bao gồm nhà đầu tư, công ty, người tiêu dùng cũng như Chính phủ.

Nền tảng pháp lý Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực từ 01/01/2022 không có những quy định cụ thể đối với lĩnh vực kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều quy định trong luật có thể áp dụng đối loại hình kinh doanh này.

Chẳng hạn, Điều 142 xác định kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hoá đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Điều 146 xác định mua sắm xanh là việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận “Nhãn sinh thái Việt Nam” hoặc được công nhận theo quy định của pháp luật…