Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam

CHÍNH PHONG 19:01, 02/12/2023

(LĐ online) - Ngày 2/12, tại TP Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành dâu tằm tơ có sự phát triển mạnh
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành dâu tằm tơ có sự phát triển mạnh

Tham dự hội nghị có đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Trồng trọt, Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Viện Chăn nuôi; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc thông tin hiện nay địa phương là vùng  trồng dâu, nuôi tằm chủ lực của cả nước nhưng còn gặp nhiều khó khăn do chưa chủ động được nguồn giống. Người dân đều phải mua giống từ đường tiểu ngạch
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc thông tin hiện nay địa phương là vùng trồng dâu, nuôi tằm chủ lực của cả nước nhưng còn gặp nhiều khó khăn do chưa chủ động được nguồn giống. Người dân đều phải mua giống từ đường tiểu ngạch

Về phía địa phương có đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh; lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh Lâm Đồng, Yên Bái, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum; các cơ sở sản xuất, kinh doanh về dâu tằm tơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cùng Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam và các trung tâm nghiên cứu về dâu, tằm đóng chân trên địa bàn tỉnh...

Quang cảnh đại biểu tham gia hội nghị phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam
Quang cảnh đại biểu tham gia hội nghị phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam

Tại hội nghị, lãnh đạo Cục chăn nuôi cho biết, dâu tằm là nghề truyền thống tại Việt Nam và đang có sự phát triển với tốc độ cao, đứng thứ 5 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan và Thai Lan. Ngành dâu tằm tơ tập trung lớn nhất vùng Tây Nguyên với 77% diện tích của cả nước. Các vùng khác như Đồng bằng Sông Hồng, Miền núi và Trung du, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ chiếm tỉ lệ từ 3 đến 11%.  Với giá kén vàng từ 110.000 - 120.000 đồng/1kg, kén trắng từ 170.000 - 205.000 đồng/1kg như hiện nay, người trồng dâu nuôi tằm có thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với các cây trồng khác như lúa, chè, mía. 

Nghề trồng dâu nuôi tằm đóng góp khoảng 2% tổng giá trị nông sản xuất khẩu của nước ta.
Nghề trồng dâu nuôi tằm đóng góp khoảng 2% tổng giá trị nông sản xuất khẩu của nước ta

Hiện nay, Việt Nam có các cơ sở sản xuất trứng tằm và nguồn trứng tằm lưỡng hệ kén trắng mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, 90% trứng tằm lưỡng hệ đang nhập từ Trung Quốc. Theo Cục chăn nuôi, giống tằm lưỡng hệ rất quan trọng trong sản xuất và việc nhập khẩu hiện nay chủ yếu thực hiện theo đường tiểu ngạch. Điều này dẫn đến mất nhiều thời gian trong khi chất lượng không được kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh dẫn tới rủi ro cao cho người sản xuất. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị trước hết tập trung xây dựng đề án chiến lược phát triển ngành dâu tằm tơ. Cùng với đó là tổ chức nghiên cứu, phát triển giống, thực hiện các chương trình khoa học về giống. Bên cạnh đó, tập trung quản lý khoa học công nghệ, các cơ sở phải đảm bảo về năng lực nghiên cứu cũng như sản phẩm phải đáp ứng được các yếu tố về chất lượng, giá thành. Các cơ quan phối hợp, xây dựng chuỗi liên kết, tổ chức xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị có chức năng tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm, hạn chế phụ thuộc vào nước ngoài.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin hiện nay, địa phương là tỉnh được mệnh danh thủ phủ dâu tằm tơ của cả nước với 9.800ha dâu, sản lượng kén tằm đạt 16.000 tấn/năm. Việc trồng dâu, nuôi tằm đã tạo sinh kế cho 16.000 hộ dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân bên cạnh các cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay Lâm Đồng cũng như các vùng trồng dâu, nuôi tằm khác trên cả nước gần như phải nhập trứng tằm từ các đường tiểu ngạch, không chủ động được nguồn giống. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ NN-PTNT thông qua hội nghị này, sớm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có giải pháp, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp được nhập khẩu chính ngạch trứng tằm để đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất.

Tại hội nghị, các đại biểu nhìn nhận ngành dâu tằm tơ vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức, đặc biệt ở khâu sản xuất trứng tằm. Chúng ta chưa chủ động được nguồn trứng giống tằm lưỡng hệ kén trắng và phụ thuộc rất lớn nguồn trứng giống nhập từ Trung Quốc. Điều này dẫn đến ngành chăn nuôi tằm phát triển thiếu bền vững. 

Các đại biểu đã thảo luận, đưa ra các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để xây dựng chiến lược phát triển ngành dâu tằm tơ Việt Nam thời gian tới như: Tập trung nghiên cứu lai tạo các giống dâu, tằm cao sản thế hệ mới; tập trung quy hoạch phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm ở tầm vĩ mô và đầu tư nhân lực vào cơ sở hạ tầng; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho các sản phẩm dâu tằm...