Vụ Ngân sách Nhà nước kiểm tra kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 ở tỉnh Lâm Đồng

NGỌC NGÀ 17:53, 15/12/2023

(LĐ online) - Chiều 15/12, đoàn công tác của Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) do đồng chí Vũ Đức Hội - Phó Vụ trưởng làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2023.

Đồng chí Vũ Đức Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Vũ Đức Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) phát biểu tại buổi làm việc

Làm việc với đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trực tiếp thực hiện 3 chương trình MTQG là 770,021 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 513,301 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 256,720 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Cụ thể, Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới (NTM) 370,823 tỷ đồng, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững 65,192 tỷ đồng, Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 334,006 tỷ đồng.

Ngoài ra, nguồn vốn huy động của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư 94,937 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng là 11.669,680 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án khác 1.297,617 tỷ đồng; vốn khác (địa bàn huyện Đam Rông) 14,484 tỷ đồng.

Đồng chí Bùi Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả triển khai các chương trình MTQG tại buổi làm việc
Đồng chí Bùi Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả triển khai các chương trình MTQG tại buổi làm việc

Kết quả thực hiện, đối với chương trình MTQG Xây dựng NTM, tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 109/111 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 98,2%); 41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 37,61%); 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 14,67%); có 5 huyện đạt chuẩn NTM (Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà) và 2 thành phố (Đà Lạt và Bảo Lộc) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (chiếm 58,3%).

Đồng chí Phạm Thị Tường Vân – Giám đốc Sở Tài chính báo cáo các vấn đề liên quan đến giải ngân nguồn vốn chương trình MTQG của tỉnh Lâm Đồng
Đồng chí Phạm Thị Tường Vân - Giám đốc Sở Tài chính báo cáo các vấn đề liên quan đến giải ngân nguồn vốn chương trình MTQG của tỉnh Lâm Đồng

Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, kết quả rà soát tỷ lệ nghèo đa chiều cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 18.237 hộ (chiếm tỷ lệ 5,34%). Trong đó tỷ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số còn 11.454 hộ (chiếm tỷ lệ 14,22%). Năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 2,05%, trong đó tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5,09%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo những khó khăn trong giải ngân các nguồn vốn thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo những khó khăn trong giải ngân các nguồn vốn thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM

Chương trình MTQG Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi: Tỷ lệ hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh, thu nhập bình quân của bà con ước đạt 44,94 triệu đồng/hộ (tăng 20% so với năm 2022). Các dự án, tiểu dự án được thực hiện đã giải quyết nhà ở cho 340 hộ; nước sinh hoạt tập trung 19 công trình/1.002 hộ; nước sinh hoạt phân tán cho 768 hộ. Thực hiện các dự án ổn định dân cư cho 402 hộ. Xây dựng hoàn thành 17,6 km đường giao thông nông thôn. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 9 trưởng dân tộc nội trú. Đào tạo nghề cho 700 người; đào tạo nâng cao năng lực cho khoảng 1.000 công chức. Hỗ trợ bảo tồn 2 làng bản văn hoá truyền thống; xây dựng 24 thiết chế văn hoá và đầu tư trang thiết bị cho 24 thôn vùng DTTS. Thực hiện các chính sách cho 451 người uy tín trong vùng đồng bào DTTS; biểu dương, tôn vinh khoảng 200 người uy tín.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các tiêu chí về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo đã có sự thay đổi rõ rệt. Đời số vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, diện mạo cảnh quan nông thôn thay đổi, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Riêng về tình hình giải ngân thực hiện các chương trình MTQG thuộc kế hoạch năm 2023 (đến ngày 30/11/2023), giá trị giải ngân là 447,146/770,021 tỷ đồng, đạt 58,6% kế hoạch, trong đó: ngân sách trung ương 290,948 tỷ đồng, đạt 56,7% kế hoạch; ngân sách địa phương 160,484 tỷ đồng, đạt 62,5% kế hoạch.

Đồng chí Trần Đức Tài – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh nêu những khó khăn trong giải ngân các nguồn vốn liên quan đến chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi
Đồng chí Trần Đức Tài – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh nêu những khó khăn trong giải ngân các nguồn vốn liên quan đến chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Cụ thể, nguồn vốn đầu tư công: Tổng kế hoạch vốn bố trí năm 2023 là 446,076 tỷ đồng; giá trị giải ngân 361,652 tỷ đồng, đạt 81,1% kế hoạch. Nguồn vốn sự nghiệp: tổng kế hoạch vốn bố trí năm 2023 là 323,945 tỷ đồng; giá trị giải ngân 89,78 tỷ đồng, đạt 27,7% kế hoạch.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng cũng đã trao đổi những vướng mắc cụ thể trong quá trình triển khai các chương trình MTQG trên địa bàn. Các thành viên trong đoàn công tác của Vụ Ngân sách Nhà nước đã trực tiếp trả lời một số vấn đề, đồng thời tiếp thu các ý kiến để báo cáo lên cấp trên.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế phát biểu các vướng mắc trong thực hiện tiêu chí y tế trong xây dựng NTM
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế phát biểu các vướng mắc trong thực hiện tiêu chí y tế trong xây dựng NTM

Dịp này, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất tháo gỡ những khó khăn chung như: Các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của một số bộ, ngành Trung ương ban hành còn chậm; một số quy định chưa phù hợp, chậm sửa đổi nên khó khăn trong việc ban hành các văn bản quản lý, điều hành và triển khai các chương trình MTQG tại cơ sở. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thuộc 3 chương trình MTQG thấp nên người dân chưa được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước. Các dự án, tiểu sự án và nội dung thành phần của các Chương trình MTQG được quy định với nhiều định mức, nhiều chính sách khác nhau trong khi văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chưa cụ thể nên rất khó khăn để áp dụng triển khai thực hiện… Trên cơ sở đó lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng cũng đã có những kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với các bộ, ngành Trung ương để sớm có phương án kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ.

Các thành viên trong đoàn công tác của Vụ Ngân sách Nhà nước trả lời những vấn đề mà lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng đặt ra
Các thành viên trong đoàn công tác của Vụ Ngân sách Nhà nước trả lời những vấn đề mà lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng đặt ra

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho rằng chương trình MTQG hiện có quá nhiều mục tiêu và có sự trùng lặp, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Chương trình MTQG nên tập trung vào những nhu cầu cấp bách, thiết thực, cụ thể của người dân như: giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà ở, nước sạch và vấn đề thu nhập. Trên cơ sở đó có những chính sách thông thoáng, cụ thể và hợp lý để tạo điều kiện cho địa phương trong quá trình thực hiện để người dân sớm được hưởng thụ.

Bên cạnh đó, chương trình MTQG cũng cần chú trọng vào việc nâng cao dân trí với việc hỗ trợ toàn bộ từ cấp 1, cấp 2, đối với cấp 3 nên có sự chuyển đổi nghề với các nghề thiết thực, hình thức đào tạo linh hoạt để có được hiệu quả thực sự. Riêng với bậc đại học chỉ nên xem xét giảm hoặc miễn học phí, còn thi tuyển đầu vào và đầu ra thì được thực hiện như các nhóm sinh viên khác. Quan tâm vấn đề y tế toàn diện và hợp lý đối với bà con là hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS.

Đồng chí Vũ Đức Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng trong thực hiện các chương trình MTQG nói chung, nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công, song việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp còn chậm. Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cũng đã có những hướng dẫn cụ thể để làm tốt công tác giải ngân, nhất là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp và các vấn đề liên quan đến việc chuyển nguồn vốn. Đối với các ý kiến, kiến nghị đề xuất của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành thuộc tỉnh Lâm Đồng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước đã có một số hướng dẫn cụ thể, đồng thời ghi nhận các ý kiến, kiến nghị để có sự báo cáo để các bộ, ngành trung ương xem xét, nghiên cứu trong thời gian tới.