Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử

KHẢI NHIÊN     06:31, 04/01/2024

Đi cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử (TMĐT) có bước phát triển đáng kể, đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Lâm Đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động TMĐT đang phát sinh nhiều rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế và đời sống người dân.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trên thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm; hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và thông tin sai lệch để lừa dối người tiên dùng…

Phương thức kinh doanh TMĐT ở Lâm Đồng cũng có bước phát triển đáng kể, từ đó hoạt động mua bán ngày càng tinh vi, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội facebook, zalo, website… lập nhiều tài khoản khác nhau để tạo tương tác, quảng cáo, khuyến mại, bán các sản phẩm kém chất lượng và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… nhất là đối với các mặt hàng mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm chức năng, dược phẩm. Ngoài ra, hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng được vận chuyển qua đường bưu chính, chuyển phát… cũng khiến cho lực lượng chức năng rất khó phát hiện, ngăn chặn. 

Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh. Qua đó chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động nắm chắc tình hình diễn biến thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa vi phạm trong hoạt động TMĐT. Đồng thời, tùy vào tình hình thực tế địa bàn quản lý được giao, các lực lượng chức năng, địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai đấu tranh trước các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường - đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cho thấy, trong 3 năm qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tích cực vào cuộc kiểm tra, xử lý hàng ngàn vụ có hành vi vi phạm TMĐT trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Công an tỉnh đã kiểm tra 5 vụ, xử lý 3 vụ, trong đó xử phạt hành chính 2 vụ và khởi tố điều tra 1 vụ. Các hành vi vi phạm gồm: Đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; thiết lập và sử dụng website TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Tương tự, Cục Quản lý thị trường Lâm Đồng đã chỉ đạo các phòng, đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra với số lượng 21 vụ, xử lý 21 vụ với các hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu kit test nhanh COVID-19, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phụ liệu tóc, quần áo, trang trí nội thất, mắt kính… với số tiền xử phạt thu nộp ngân sách nhà nước 445 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông cũng kiểm tra 125 vụ, phát hiện xử lý 25 vụ với các hành vi vi phạm điều kiện quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ trên facebook; kinh doanh thẩm mỹ viện, sản phẩm làm đẹp trái quy định; website quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thu nộp ngân sách 402 triệu đồng.

Đáng chú ý, Cục Thuế Lâm Đồng đã kiểm tra 671 vụ, qua đó xử lý 671 vụ, thu nộp ngân sách 414 triệu đồng. Trong đó, nổi bật đó là Cục Thuế đã tiến hành rà soát và xác định được 14.587 lượt giao dịch, 3.645 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT và đã lập 167 biên bản, doanh thu xác định 27,7 tỷ đồng trên 664 cá nhân đang quản lý và số thuế phải nộp 373 triệu đồng, số thuế xử phạt vi phạm hành chính 270 triệu đồng. Ngoài ra, Cục Thuế đã chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông sau khi quét các từ khóa liên quan đến kinh doanh TMĐT đã chuyển dữ liệu về Cục Thuế đối với các cá nhân có nghi vấn giao dịch TMĐT để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ truy thu thuế và xử phạt hành chính. Đặc biệt, tiến hành rà soát 68 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn kê khai nộp thay thuế nhà thầu cho các tổ chức như Agoda, Traveloka, Booking… thông qua dịch vụ đặt chỗ với doanh thu 142 tỷ đồng và số thuế phải nộp 9,7 tỷ đồng…

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong thời gian qua, công tác phối giữa lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh được duy trì, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt trong tình hình các đối tượng lợi dụng TMĐT để thực hiện các hành vi vi phạm. Kết quả sau 3 năm thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389, toàn tỉnh đã phát hiện 822 vụ, tiến hành xử lý 720 vụ. Trong đó, số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu 24 vụ; số vụ gian lận thương mại, gian lận thuế 696 vụ… Theo đó, các cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 179 vụ/179 đối tượng với số tiền xử phạt vi phạm nộp vào ngân sách gần 1,31 tỷ đồng.