Một hệ thống truy xuất nguồn gốc với từng khâu được kiểm soát nghiêm ngặt. Một lá rau, củ khoai, trái bắp được người tiêu dùng biết rõ từng khâu trong quá trình sản xuất, từ đồng ruộng tới bàn ăn. Và đặc biệt, những thông tin ấy được chia sẻ rộng rãi, xây dựng nên một hệ thống truy xuất linh hoạt và dễ tiếp cận.
Thu hoạch vườn khoai lang có mã số riêng của anh Lưu Tử Bình |
Gia đình anh chị Lưu Tử Bình - Nguyễn Thị Bích Ngọc, thôn Chi Rông, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng đang thu hoạch một ha khoai lang Nhật vỏ đỏ, ruột vàng. Anh chị là một trong những nông hộ trồng và thu mua, đưa khoai xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, anh chị không trực tiếp chế biến mà sơ chế khoai gia công qua xưởng chế biến của HTX An Farm, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Anh chị là một thành viên trong chuỗi liên kết sản xuất đang được xây dựng dưới sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng.
Năm 2023, thay vì việc canh tác, thu hoạch, mang đi sơ chế và xuất khẩu như bình thường, anh Lưu Tử Bình được cấp 1 mã số cho ruộng khoai của gia đình. Anh cho biết, cùng với mã số, anh được cấp một phần mềm trên điện thoại di động. Trên đó, mỗi khi thực hiện trồng, chăm sóc ruộng, anh đều cập nhật nhanh chóng và chính xác. Anh Lưu Tử Bình cung cấp: “Xuống giống ngày nào, xuống giống gì, mật độ bao nhiêu, chăm bón ra sao, bơm tưới loại thuốc nào..., tôi đều có thể cập nhật rất nhanh chóng trên phần mềm. Tới ngày thu hoạch, sau khi đưa khoai tới cơ sở sơ chế, đơn vị sơ chế chỉ cần quét mã ruộng khoai nhà tôi là nắm được hoàn toàn quy trình sản xuất, giống, ngày thu hoạch cũng như sản lượng”.
Chị Tô Thị Thùy Trang- Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ An Farm Đà Lạt, đơn vị nhận trách nhiệm sơ chế nông sản chia sẻ, tham gia chuỗi liên kết sản xuất, An Farm vừa có trách nhiệm chia sẻ thông tin của doanh nghiệp mình đồng thời, cập nhật, chia sẻ thông tin của các nông hộ tham gia liên kết. Cụ thể, khi nông dân đưa khoai, bắp, các nông sản khác tới sơ chế, HTX ghi nhận số lượng và ngay lập tức cập nhật vào phần mềm thời gian nhập hàng, chủng loại, sản lượng, tên nông hộ. Sau đó một, mỗi khâu trong quá trình sơ chế đều được cập nhật liên tục, thời gian sơ chế, tên người sơ chế, tên người đóng gói, thời gian hàng xuất khỏi xưởng.
Bên cạnh việc cập nhật thông tin của xưởng sơ chế, An Farm còn chịu trách nhiệm cập nhật thông tin của nông hộ, doanh nghiệp sản xuất nông sản tham gia chuỗi. Tất cả thông tin trong chuỗi được đưa lên một hệ thống chung và có thể dễ dàng cập nhật, theo dõi với một chiếc điện thoại thông minh. Anh Phạm Văn Quân, Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee, doanh nghiệp chuyên hỗ trợ các giải pháp số trong nông nghiệp đang hỗ trợ xây dựng hai chuỗi liên kết nông sản tại Lâm Đồng cho biết, hoạt động hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản được Lâm Đồng xây dựng khá tốt. Đã có nhiều chuỗi liên kết được hình thành và đang hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, chuỗi liên kết lần này do Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng hỗ trợ xây dựng mang tính chất rất khác biệt. Theo đó, chuỗi liên kết được xây dựng với ba yếu tố chính gồm nông dân, cơ sở chế biến đóng gói và hệ thống quản lý dữ liệu. Nông dân được cấp 1 mã số, trong đó cập nhật, lưu trữ tất cả quy trình sản xuất từ ngày xuống giống cho tới ngày thu hoạch. Cơ sở chế biến đóng gói tiếp tục cập nhật thông tin về quá trình sơ chế, đóng gói cho đến vận chuyển. Hệ thống quản lý dữ liệu được tích hợp và chia sẻ dữ liệu vào chuỗi cung ứng. Ông Phạm Văn Quân đánh giá, trong việc xây dựng chuỗi liên kết, cơ sở chế biến đóng gói sẽ là yếu tố quan trọng bởi đây là nơi thu thập và chia sẻ dữ liệu chính cho toàn hệ thống.
Năm 2023 - 2024, Lâm Đồng hỗ trợ triển khai hai chuỗi chế biến với hai đơn vị sơ chế đóng gói hạt nhân là HTX An Farm và Công ty TNHH Nông sản XD Farm. Đây là hai cơ sở chế biến, đóng gói đạt chuẩn, được phép xuất khẩu hàng hóa. Các nông sản thông qua hai cơ sở chế biến này sẽ được thu thập dữ liệu lớn, tạo điều kiện để khách hàng, người tiêu dùng đánh giá các khâu trong sản xuất. Với các doanh nghiệp, nông dân có mục tiêu xuất khẩu hoặc tham dự các thị trường yêu cầu cao, việc tham dự chuỗi liên kết sẽ giúp xây dựng tín nhiệm do người tiêu dùng được phép truy cập hệ thống quản lý dữ liệu, nắm bắt được quy trình sản xuất cũng như quy trình sơ chế, chế biến nông sản.
Một điều khá đặc biệt là các nông hộ độc lập có thể tham gia chuỗi. Theo đó, các nông hộ đăng ký mã số của từng vườn, sau đó cập nhật thông tin về quy trình canh tác của mình lên hệ thống. Sau đó, khi sản phẩm được đưa đến cơ sở chế biến, cơ sở này sẽ có trách nhiệm cập nhật thông tin của từng nông hộ lên hệ thống dữ liệu chung. Chị Tô Thị Thùy Trang đánh giá, việc cơ sở đóng gói có thể cập nhật thông tin của các nông hộ giúp doanh nghiệp nắm được quy trình sản xuất, sản lượng cũng như các yếu tố kĩ thuật canh tác khác để có thể xây dựng kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp mình và khuyến cáo với nông hộ những vấn đề cần cải thiện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin