(LĐ online) - Chiều 12/1, ông Nguyễn Ngọc Pháp – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk làm trưởng đoàn đã có buổi thăm và trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển nghề trồng, dâu nuôi tằm tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Chủ trì buổi làm việc |
Tiếp đoàn công tác có ông Đinh Đức Chí – Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà; lãnh đạo các ban, ngành liên quan của UBND huyện; đại diện Công ty TNHH Tơ lụa Hua Long Lâm Đồng và Làng nghề trồng dâu, nuôi tằm tại thị trấn Nam Ban.
Ông Lê Văn Thiêm - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà báo cáo với đoàn công tác về phát triển trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương |
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Văn Thiêm – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà cho biết: Trong những năm qua, việc trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện đã phát triển cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định, thu nhập trung bình trên đơn vị diện tích khoảng 400 triệu/ha/năm (gấp 3-4 lần canh tác cà phê, gấp 9-10 lần canh tác lúa) và đã tạo sinh kế giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Ngọc Pháp - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông phát biểu tại buổi làm việc |
Hiện nay, giá kén tằm đang ở mức cao, đồng thời trên địa bàn huyện đã hình thành và mở rộng nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến kén tằm, tạo động lực cho người dân tích cực chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.
Toàn huyện hiện có hai làng nghề trồng dâu, nuôi tằm gồm Làng nghề Dâu tằm tơ Hùng Vương Đông Anh 3 và Làng nghề Dâu tằm tơ Đông Anh 5 (thị trấn Nam Ban) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận làng nghề vào năm 2015.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 74 cơ sở nuôi tằm con tập, với số lượng bình quân khoảng 175 hộp trứng/cơ sở/tháng, nguồn trứng giống tằm chủ yếu nhập từ Trung quốc theo đường tiểu ngạch. Toàn huyện có 60 cơ sở thu mua kén tằm và 9 cơ sở ươm tơ có công suất 20 tấn kén/ngày.
Với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đa phần các cơ sở đã chuyển từ ươm tơ cơ khí thủ công qua ươm tơ tự động, nâng cao năng suất, chất lượng tơ, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu... Chính vì thế, lượng kén đầu vào tiêu thụ rất lớn, ngoài Lâm Hà, các cơ sở ươm tơ còn thu mua kén ở một số huyện khác như Đam Rông, Đức Trọng. Chất lượng kén ở tằm Lâm Hà được đánh giá khá cao so với mặt bằng chung của tỉnh…
Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của UBND huyện Lâm Hà, ông Nguyễn Ngọc Pháp – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà đã có sự tiếp đón nồng hậu, nhiệt tình. Đồng thời ghi nhận và đánh giá cao về việc phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn huyện Lâm Hà trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông mong muốn, UBND huyện Lâm Hà sẽ tạo mọi điều kiện để địa phương có thể kết nối, liên kết với các hợp tác xã trồng dâu, nuôi tằm của huyện Lâm Hà nhằm tiêu thụ sản phẩm không qua trung gian. Cùng với đó, địa phương mong muốn huyện Lâm Hà có các đoàn qua khảo sát, hướng dẫn người dân Krông Bông về kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm để đạt hiệu quả cao trong thời gian tới…
Đoàn công tác huyện Krông Bông tặng quà cho UBND huyện Lâm Hà |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Đức Chí – Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà vui mừng, phấn khởi khi được tiếp đón đoàn công tác của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
Trước những gửi gắm của lãnh đạo huyện Krông Bông, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Đinh Đức Chí khẳng định trong thời gian tới, huyện Lâm Hà sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm để nghề trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Krông Bông được phát triển bền vững và có hiệu quả cao.
Quang cảnh hội nghị |
Trước đó, đoàn công tác của huyện Krông Bông đã có buổi tham quan tại một số địa điểm về trồng dâu, nuôi tằm, thu kén tằm trên địa bàn huyện Lâm Hà.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin