7 doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các loại nông đặc sản đã liên kết tổ chức điểm hoạt động quảng bá, giới thiệu, trưng bày và tiêu thụ sản phẩm mang tên OCOP Đà Lạt, tại địa chỉ 237 Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt.
Bà Lê Thị Thu Hậu giới thiệu sản phẩm OCOP Đà Lạt tại cửa hàng 237 Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt |
Đó là 7 doanh nghiệp: Công ty TNHH Nông sản Hiếu Linh (chuyên sản xuất nông sản hữu cơ), Công ty TNHH Seed Coffee (cà phê đặc sản), Công ty TNHH Dalahuf (mắc ca và nông sản Đà Lạt), Công ty TNHH Thiên Hương Phát Đà Lạt (đông trùng hạ thảo), Công ty TNHH Berryland Việt Nam (mứt, trà và đặc sản Đà Lạt), Công ty Cổ phần Matoni (mật ong), Công ty TNHH Bánh kẹo NLC (các loại bánh từ nông sản Đà Lạt).
Theo bà Lê Thị Thu Hậu - Giám đốc Công ty Nông sản Hiếu Linh: Các doanh nghiệp đồng lòng hợp tác cùng nhau theo mô hình liên kết ngang và đồng bộ. Ở đây, mỗi doanh nghiệp đều ngang bằng với nhau về vai trò, trách nhiệm trong mô hình hợp tác này, cũng như góp phần phát huy thế mạnh của từng đơn vị để duy trì và phát triển điểm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP Đà Lạt; đồng thời, các đơn vị tham gia liên kết phải giữ đúng tiêu chí của riêng mình, như: chất lượng đảm bảo của sản phẩm OCOP, hay danh hiệu đã đạt được.
Nói về cơ duyên hợp tác, bà Hậu cho biết thêm: Các đơn vị đều đã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Sau đó, các chủ doanh nghiệp bắt tay hợp tác xây dựng ý tưởng quảng bá và giới thiệu sản phẩm chung tại Đà Lạt, vừa là chào mừng sự kiện 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, vừa có “sân chơi” để anh chị em bước đầu xây dựng một điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng; cũng như, hỗ trợ nhau trong xúc tiến thương mại, xây dựng sàn thương mại điện tử, giao dịch điện tử, quảng bá trên mạng…
Hơn 40 nhãn hàng đều là sản phẩm đặc sản Đà Lạt được sản xuất theo tiêu chuẩn đăng ký, đạt chứng nhận OCOP và nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Trong đó, nhiều sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, organic; hoặc là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam… Tiêu chí của nhóm là sản phẩm chung, nên các thành viên cùng nhau giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu để bảo đảm mang đến những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín với người tiêu dùng.
Dự tính, bên cạnh giới thiệu và bán sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng, các doanh nghiệp sẽ tích cực tham dự các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ quảng bá sản phẩm ở các tỉnh, thành để giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP Đà Lạt… Hiện nay, nhóm hợp tác OCOP Đà Lạt đang tổ chức quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm quà tặng Tết, gồm nhiều mẫu, giá hoặc theo nhu cầu của khách hàng, bao gồm các sản phẩm của các thành viên trong nhóm… 3 năm sau, OCOP Đà Lạt hy vọng sẽ phát triển mạnh hoạt động thương mại điện tử trên các trang mạng xã hội và nhiều kênh phân phối online khác để không phải sử dụng chi phí mặt bằng, nhân viên bán hàng hay các chi phí từ bán hàng trực tiếp khác…
Các thành viên cũng mong muốn, việc liên kết, hợp tác sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, phát huy được nội lực, lợi thế, kinh nghiệm của mỗi đơn vị để hỗ trợ cùng nhau phát triển; đồng thời, sẽ tiếp tục phát triển thêm thành viên mới, có sản phẩm khác biệt, để tạo sự đa dạng, phong phú của sản phẩm. Khi có thời cơ, sẽ nhân rộng mô hình theo hình thức chuỗi cửa hàng, không chỉ trên địa bàn TP Đà Lạt mà còn hướng đến các địa phương khác; góp phần lan toả sản phẩm OCOP Đà Lạt nói riêng và OCOP nói chung...
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 239 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, có 10 sản phẩm OCOP 5 sao, 78 sản phẩm OCOP 4 sao, 151 sản phẩm OCOP 3 sao. Việc hình thành một Không gian quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao hình ảnh thương hiệu OCOP Đà Lạt - Lâm Đồng đối với người tiêu dùng và du khách đã góp phần khơi dậy các tiềm năng sản vật, đặc sản vùng, miền và mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP của địa phương…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin