Đưa nông sản sạch đến người tiêu dùng

DIỆP QUỲNH 06:34, 25/01/2024

Mở thêm nhiều cửa hàng nông sản, đưa sản phẩm OCOP ra rộng rãi với công chúng là một cách làm của người sản xuất nhằm đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của địa phương và tiến đến liên kết mạng lưới sản phẩm trên cả nước.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Cửa hàng nông sản sạch Tây Nguyên
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Cửa hàng nông sản sạch Tây Nguyên

Cửa hàng nông sản sạch Tây Nguyên - Tổ 14, thị trấn Di Linh của HTX Kinh doanh dịch vụ thương mại chế biến nông sản Di Lin vừa được đưa vào hoạt động những ngày cuối năm 2023. Đây không đơn thuần là cửa hàng bán nông sản mà là ngôi nhà chung của sự đoàn kết cộng đồng và những nỗ lực của sự bền vững. Chị Phạm Thị Út - Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ thương mại chế biến nông sản Di Lin cho biết, cửa hàng được Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ quầy kệ, thiết kế bao bì sản phẩm và tạo trang web quảng bá với kinh phí 313 triệu đồng nhằm quảng bá sản phẩm địa phương đến với khách hàng, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ và phát triển nông sản địa phương một cách bền vững. 

Ngoài trưng bày, bán các sản phẩm của HTX Di Lin, đây còn là nơi cung cấp các sản phẩm chất lượng, nơi hội tụ, gặp gỡ, chia sẻ của các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện và toàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận, từ cà phê, hạt mắc ca, rau, củ sấy, rượu bổ… Cũng theo chị Út, hiện tại cửa hàng nông sản sạch Tây Nguyên đang trưng bày hơn 200 mã hàng nông sản trên cả nước, trong đó có hơn 10 sản phẩm OCOP của huyện Di Linh được bày bán tại đây. Chị Phạm Thị Út nói thêm: “Bản thân HTX Nông sản Di Lin chúng tôi đóng chân tại xã Hoà Nam, việc tiếp cận với khách hàng vùng trung tâm cũng gặp khó khăn. Nhiều sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, HTX và nông hộ cũng thế, thường ở xa, ngay tại vùng sản xuất nên người tiêu dùng khó mua. Nay tất cả các mặt hàng nông sản OCOP được tập trung bán tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm này, rất thuận lợi cho khách hàng cũng như người sản xuất nông sản”.

Chị Vũ Thị Thuý - Tổ 12, thị trấn Di Linh thường mua sắm tại cửa hàng chia sẻ, trước đây việc lựa chọn một sản phẩm nông sản sạch, chất lượng trên thị trường thường khá khó khăn, chị thường đặt mua trên mạng hay các cửa hàng tạp hoá. Mua online có cái khó là phải có thời gian chờ hàng giao tới, mua tại tạp hoá thì không đủ các mặt hàng chị cần. Khi cửa hàng nông sản sạch Tây Nguyên đi vào hoạt động, khách hàng như chị dễ dàng tìm mua được những sản phẩm nông sản chất lượng cho gia đình, bạn bè, người thân. Đây thật sự là một địa điểm tin cậy để người dân trên địa bàn lựa chọn. Chị Thuý chia sẻ thêm, cửa hàng được bày bán rất khoa học, sản phẩm đẹp, chất lượng, có chứng nhận nên chị thật sự yên tâm khi mua hàng. Những món quà như trà, cà phê, các loại hạt sấy khô được chị Thuý mua thường xuyên để sử dụng trong gia đình và làm quà cho người thân, bạn bè.

Chị Phạm Thị Út nhìn nhận, khi kinh tế phát triển thì người dân bắt đầu quan tâm đến thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Trước đây, nếu nói đến sản phẩm được sản xuất trong huyện thì rất ít người biết đến. Nhưng kể từ khi cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, điểm bán hàng Việt đi vào hoạt động đã giúp người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo. “Khi đến với điểm bán hàng đặc sản, đặc trưng của cửa hàng, mọi người có thể tìm thấy nhiều sản phẩm địa phương độc đáo. Hầu hết sản phẩm bày bán đều đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, giúp người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm. Trong thời gian tới, cửa hàng nông sản sạch Tây Nguyên sẽ làm việc với các chủ thể OCOP của địa phương để trưng bày và tiêu thụ sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo cầu nối đến tay người tiêu dùng, nâng cao sức mua, góp phần bình ổn thị trường”, chị Út cho biết.

Bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, hỗ trợ mở các điểm bán hàng Việt, cung cấp các sản phẩm OCOP là một hoạt động được ngành Công thương chú trọng. Theo bà Thanh, Sở Công thương đã hỗ trợ nhiều địa phương mở các điểm bán hàng Việt, trong đó chú trọng tới mặt hàng nông sản, các mặt hàng đạt OCOP và kết quả cho thấy người tiêu dùng hưởng ứng tích cực. Với vai trò là cầu nối quảng bá sản phẩm địa phương, điểm bán hàng nông sản sạch là điểm lựa chọn tin cậy của khách hàng, là nơi để sản phẩm OCOP địa phương quảng bá, tiêu thụ, các chủ thể sản xuất được cọ xát thị trường, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để tiếp tục cho ra nhiều sản phẩm khác, cải tiến mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng, hướng tới thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.