Hiệu quả bước đầu từ nuôi giun quế

TỨ ĐỨC  06:32, 10/01/2024

Đầu năm 2023, Hội Nông dân huyện Đạ Huoai cùng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 26 hộ dân trên địa bàn thực hiện mô hình nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, nhiều hộ dân đã thành công với mô hình, bước đầu hỗ trợ sinh khối giun quế cho các hộ dân khác để nhân rộng mô hình.

Nhiều hộ dân ở huyện Đạ Huoai thành công với mô hình nuôi giun quế
kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm
Nhiều hộ dân ở huyện Đạ Huoai thành công với mô hình nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm

Các hộ dân đã được hỗ trợ 50 kg sinh khối giun quế làm giống để thực hiện chăn nuôi tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Khi nuôi giun quế, sản phẩm giun được sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi như: gà, cá, ếch, lươn... còn phân giun thì được dùng để bón cho rau. Mặt khác, thức ăn của giun chủ yếu là phân trâu, bò, lợn, gà... nên vừa tận dụng được nguồn phế liệu làm thức ăn cho giun, vừa bảo vệ được môi trường sinh thái.

Ở huyện Đạ Huoai, khá nhiều hộ dân chăn nuôi theo gia súc, gia cầm kiểu gia trại, chăn nuôi nhỏ lẻ. Chính vì vậy, mô hình nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tiếp cận cách thức sản xuất và sử dụng phân bón từ giun quế, phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao trong chăm sóc cây trồng. Hướng đến sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, bền vững; xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. 

Thị trấn Mađaguôi có 36 hộ chăn nuôi bò với 71 con; 69 hộ chăn nuôi heo với 1.939 con. Thời gian qua, một số hộ dân ở thị trấn đã được hỗ trợ sinh khối giun quế để chăn nuôi. Gia đình ông Nguyễn Văn Hai (Tổ dân phố 6), ngoài làm 1 ha sầu riêng, ông Hai còn nuôi thêm bò để cải thiện thu nhập. 

Theo ông Hai, từ ngày nuôi giun quế, lượng phân bò đã được tận dụng làm thức ăn cho giun, qua đó, giảm thiểu mùi hôi, chất lượng phân giun quế cũng tốt. Hiện nay, ông đang tiến hành bón phân giun quế cho một số cây sầu riêng phát triển chậm và trồng rau xanh tại vườn nhà. Từ sinh khối giun quế được hỗ trợ ban đầu, đến nay sinh khối đã tăng hơn 10 lần. 

Cách phát triển mô hình của Hội Nông dân Đạ Huoai chính là hỗ trợ sinh khối giun quế ban đầu cho các hộ dân; nuôi thành công sẽ trao sinh khối theo số lượng nhận ban đầu cho các hộ dân khác. Đây là một mô hình hay, thiết thực, có hiệu quả đối với những nông dân vừa trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Vừa qua, ông Nguyễn Văn Hai đã trao khối lượng giun quế sinh khối và hỗ trợ, hướng dẫn cách nuôi cho ông Phan Sách (Tổ dân phố 5). 

Một nông hộ khác thành công với mô hình chính là ông Nguyễn Văn Ngũ (Tổ dân phố 2), hiện nay, gia đình ông đang kết hợp mô hình nuôi giun quế và nuôi gà thả vườn. Theo ông Ngũ, mô hình này rất hiệu quả, tốn ít thời gian chăm sóc, đầu tư chuồng trại chăn nuôi cũng rất đơn giản. Nói chung, nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà thả vườn là lợi ích kép, tạo thành một vòng tuần hoàn, giảm thiểu được lượng tiền mua thức ăn như cám, ngô... Ngoài ra, chất lượng gà thịt khi bán ra được nhiều người ưa chuộng. 

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mađaguôi, Nguyễn Thế Anh cho biết, qua khảo sát từ các hộ nuôi cho thấy, nuôi giun quế có nhiều lợi ích; thời gian tới, Hội sẽ tăng cường vận động nông hộ tiếp tục nhận sinh khối giun quế nuôi tại vườn nhà.

Tại các xã như Đạ Oai, Đạ Tồn, Mađaguôi... cũng có rất nhiều hộ dân thành công với mô hình nuôi giun quế từ sinh khối hỗ trợ ban đầu là 50 kg.

Chăn nuôi giun quế không cần quá nhiều công sức, mỗi tuần chỉ cho ăn từ 1 đến 2 lần. Đặc biệt, khi làm chuồng trại nuôi giun quế phải chú ý không để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào, phải giữ được độ ẩm và tránh các loại côn trùng, sâu bọ, chuột...

Ông Hoàng Thanh Nam - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Huoai cho biết: Nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm là mô hình bước đầu phát huy hiệu quả ở địa phương. Đặc biệt, việc nuôi giun quế không đòi hỏi các kỹ thuật phức tạp nên có thể áp dụng tại các gia trại hay hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở địa phương. Mặt khác, việc nuôi giun quế cũng không cần diện tích lớn, chuồng trại cũng khá đơn giản, bà con có thể tận dụng chuồng trại chăn nuôi bỏ hoang, thùng xốp để chăn nuôi. Qua mô hình có thể thấy rõ ràng rằng, lượng chất thải chăn nuôi được sử dụng làm thức ăn cho giun quế đã giảm thải rõ, qua đó đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Phân giun quế có thể tận dụng để bón các loại cây trồng, rau xanh... nhờ vậy giảm được khá nhiều chi phí trong sản xuất nông nghiệp.

Huyện Đạ Huoai đang hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng của cây trồng nói chung và đặc biệt là cây sầu riêng. Sự thành công ban đầu của mô hình nuôi giun quế tại một số địa bàn xã, thị trấn đã và đang tạo cơ hội cho nông dân có một nguồn thu nhập đáng kể khi tạo thành một vòng tuần hoàn trong nông nghiệp.