Hoa Chi An: Số hóa để tham gia thị trường hoa thế giới

DIỆP QUỲNH 06:57, 22/01/2024

Hoa Chi An, một cái tên quen thuộc với người trồng hoa Đà Lạt đang trong bước chuyển mình mạnh mẽ. Số hóa để sản xuất ra những cành bách hợp, viên hi đẹp nhất, số hóa để tham dự chuỗi sản xuất giống bách hợp hàng đầu của Hà Lan; Công ty TNHH Hoa Chi An chuyển mình hướng tới sân chơi thế giới.

Anh Hồ Vũ Quốc Hùng kiểm soát vườn qua mã QR
Anh Hồ Vũ Quốc Hùng kiểm soát vườn qua mã QR

Anh Hồ Vũ Quốc Hùng, giám đốc trẻ của Công ty TNHH Hoa Chi An giới thiệu hệ thống quản lý qua QR code. Anh Hùng cho biết, tại mỗi luống hoa trong trang trại Hoa Chi An sẽ có 1 mã số riêng. Quét mã sẽ ra thông tin tổng thể, quy trình canh tác, số lượng, ngày xuống giống, chủng loại giống, ngày thu hoạch... Từng công nhân cũng sẽ có mã số quản lý riêng. Khi công nhân tiến hành chăm sóc trên luống hoa, quét mã sẽ tương tác thời gian thực. Người quản lý sẽ ngay lập tức nhận được thông tin, theo sát quy trình làm việc của mỗi công nhân tại mỗi địa điểm.

Anh Hồ Vũ Quốc Hùng chia sẻ, Công ty Hoa Chi An mua một phần mềm toàn cầu được cung cấp từ nhà cung cấp uy tín. Từ nền tảng đó, Hoa Chi An xây dựng quy trình canh tác cho từng loại cây. Nếu nhiều doanh nghiệp hoa trồng nhiều loại hoa thì tại Hoa Chi An, theo truyền thống nhiều năm, chuyên canh tác hai loại hoa - đó là hoa lily và hoa Carla. Anh Hùng chia sẻ thêm, với mục tiêu Việt hóa, phổ biến hai cái tên mang ý nghĩa tốt đẹp là hoa lily - bách hợp và carla - viên hi, Công ty Hoa Chi An đã cố gắng đưa hai cái tên đã được Việt hóa vào rộng rãi trong mọi giao dịch. Anh Hùng cũng đánh giá: “Việc số hóa quy trình sản xuất và mọi hệ thống quản lý trong doanh nghiệp sẽ giúp cải thiện trình độ quản lý, tương tác qua không gian số, vừa giảm chi phí, đồng thời người quản lý có thể sâu sát ngay lập tức mọi khâu trong hoạt động của toàn doanh nghiệp. Nếu không số hóa hệ thống quản lý doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ tụt hậu và không thể bắt nhịp kịp với thị trường rất sôi động mọi ngày. Với Hoa Chi An, chuyển mình từ doanh nghiệp gia đình, chúng tôi ứng dụng quản lý số để đảm bảo bắt nhịp kịp thời với sự thay đổi của nghề hoa”. 

Công ty TNHH Hoa Chi An cũng chuyển mình quản lý số để tham gia một khâu trong chuỗi sản xuất và canh tác hoa lily - bách hợp toàn cầu. Anh Hồ Vũ Quốc Hùng khẳng định, sản xuất củ giống hoa lily luôn là thế mạnh của người Hà Lan. Trong suốt quy trình sản xuất, giống chính là khâu quan trọng nhất để có được những cành hoa xinh đẹp phục vụ người yêu hoa. Xưa nay, các doanh nghiệp hoa Việt Nam thường chỉ dừng lại ở khâu mua củ giống, vận chuyển về, một phần trực tiếp canh tác, một phần bán lại cho các doanh nghiệp nhỏ, các hộ nông dân. Nhiều doanh nghiệp có thể sử dụng quy trình sản xuất có kho lạnh để lưu củ giống cũ, quay trở lại canh tác lần hai, lần ba. Tuy nhiên, những cành hoa canh tác từ củ giống ngủ đông trong kho lạnh thường ra cây thấp, nhỏ, ít bông, giá trị không cao. Sau 1,2 vụ củ ngủ trong kho lạnh, củ lily sẽ thoái hóa tới mức phải ngừng tiếp tục sản xuất.

Thay cho việc tái ngủ đông củ hoa lily, Hoa Chi An đang tham dự vào quy trình nuôi cấy mô với đối tác sản xuất củ giống lớn của Hà Lan. Công ty đã xây dựng phòng nuôi cấy mô với box cấy, đào tạo kỹ thuật viên, tiến hành nhập củ mô giống, sau đó sản xuất củ mô và xuất ngược trở lại đối tác ở Hà Lan. Anh Hùng cho biết thêm, sản xuất cây giống khác đơn giản chứ riêng củ giống lily đòi hỏi những điều kiện rất khắc nghiệt. Củ mô do Hoa Chi An sản xuất được phía Hà Lan cho ngủ trên cánh đồng, dưới tuyết trong hai năm mới ra được củ thành phẩm. Hoa Chi An sẽ mua lại củ thành phẩm của đối tác, chuyển về Việt Nam để trồng và phân phối rộng rãi cho các doanh nghiệp cũng như nông dân trong khu vực. Năm 2023, Hoa Chi An đang trồng thử nghiệm 100 ngàn củ mô giống và chuẩn bị xuất ngược trở lại Hà Lan. Theo anh Quốc Hùng, Đà Lạt có thể được coi là trung tâm nuôi cấy mô của khu vực châu Á, với những điều kiện vô cùng thích hợp về thời tiết, khí hậu và nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành nuôi cấy mô. 

Anh Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cũng đánh giá, ngành nuôi cấy mô xuất khẩu của Đà Lạt đang còn dư địa phát triển rất lớn. Hiện, các doanh nghiệp nuôi cấy mô trong Hiệp hội xuất khẩu cây mô với lượng rất lớn, năm 2023 đạt 35 triệu đơn vị. Tuy nhiên, nhu cầu của đối tác nước ngoài vẫn còn bỏ ngỏ, sẵn sàng cho doanh nghiệp Đà Lạt mở rộng sản xuất cây mô. Việc Công ty Hoa Chi An tham gia vào một khâu trong quy trình sản xuất củ lily giống Hà Lan cũng là một bước đi rất táo bạo, giúp doanh nghiệp trồng hoa Việt tham gia vào một sân chơi quốc tế.