Đến thôn Prteing 1 và Prteing 2 (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà), chúng tôi cảm nhận rõ đổi thay từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bởi nếu trước đây, hàng trăm ha cà phê phủ kín vùng đồi thì nay màu xanh bạt ngàn của những vườn dâu đã tô điểm cho một vùng quê hiền hòa với mức thu nhập ổn định nhờ nghề “ăn cơm đứng”.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm, gia đình chị K’Hiền đã có thu nhập ổn định |
Nằm cách xa trung tâm huyện Lâm Hà hơn 20 km, thôn Preteing 1 và Preteing 2 có địa bàn rộng, tập trung phần lớn bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu tại thôn Preteing 2. Do ít đất sản xuất, phần lớn diện tích cây cà phê già cỗi và lúa 1 vụ cho năng suất thấp, giá trị kinh tế mang lại không cao, dẫn đến đời sống của người dân 2 thôn còn thiếu thốn.
Để cải thiện tình trạng này, đầu tháng 4/2022, UBND xã Phú Sơn đã xây dựng kế hoạch và có tờ trình UBND huyện Lâm Hà về việc hỗ trợ phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS cho bà con 2 thôn này. Sau khi có Đề án hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn huyện Lâm Hà của UBND huyện Lâm Hà, Đảng ủy xã Phú Sơn ban hành Nghị quyết để thực hiện Đề án của UBND huyện. Ông Hà Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết: Với việc tập trung xây dựng mô hình sinh kế theo hướng chuyển đổi cây trồng từ cây cà phê già cỗi, lúa 1 vụ năng suất thấp sang trồng dâu, nuôi tằm, UBND xã đã có tờ trình đề nghị UBND huyện Lâm Hà và các phòng, ban, đơn vị liên quan hỗ trợ một số nội dung như đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho các hộ dân. Cùng với đó hỗ trợ về kinh phí mua nong, né, giống cây dâu, vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ thôn, người có uy tín và các hộ dân đăng ký chuyển đổi cây trồng tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình đã thành công trong việc chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm trong và ngoài địa phương.
Trên cơ sở đó, năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ sinh kế cho mô hình trồng dâu, nuôi tằm của xã Phú Sơn để thoát nghèo bền vững. Trong đó, xã Phú Sơn được hỗ trợ né nuôi tằm và phân bón cho 43 hộ nghèo và cận nghèo, trị giá 805 triệu đồng.
Trong năm 2023, UBND xã Phú Sơn đã tổ chức cho bà con tham quan tại thôn Hang Hớt của xã Mê Linh nhằm học tập kinh nghiệm mô hình trồng dâu của bà con DTTS có hiệu quả. Phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện Lâm Hà mở 1 lớp về trồng dâu, nuôi tằm tại thôn Prteing 2 với hơn 40 người tham gia. Song song với đó, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm tại thôn Prteing 2, từ đó bà con học hỏi kinh nghiệm của những người làm trước và áp dụng bước đầu đã có hiệu quả.
Ông Trương Quý Dương - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Prteing 2 cho biết, ban đầu, nhiều hộ đồng bào ngại nuôi vì không biết cách trồng dâu và sợ con tằm. Nhưng khi được cán bộ xã hướng dẫn, thấy được việc nuôi tằm lấy kén cho thu nhập cao nên các gia đình đã chuyển đổi. Trồng dâu, nuôi tằm không cần vốn nhiều, để tằm phát triển tốt, nông hộ cũng đã đổi cách nuôi truyền thống trên nong, né sang nuôi tằm trên khay trượt, việc này giúp tiết kiệm diện tích nuôi tằm, đảm bảo nhà tằm sạch sẽ, thông thoáng, tằm ít bị bệnh hơn.
Là một trong những thành viên của THT trồng dâu, nuôi tằm, chị K’Pang chia sẻ: “Tôi làm quen với trồng dâu, nuôi tằm nhờ có sự hướng dẫn của mẹ, và người em ruột lấy vợ ở xã Phi Tô truyền đạt kinh nghiệm. Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng cà phê để có thu nhập ổn định hằng năm. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, cà phê có giá thành thấp, năm 2022, tôi dành 1 sào để trồng dâu với loại giống siêu lá. Khi đã ổn định hơn, tôi thuê thêm 2 sào đất của hàng xóm để trồng thêm dâu”.
Theo chị K’Pang, trung bình mỗi tháng, gia đình thu được 1 hộp kén tằm với mức thu nhập trung bình là 6 đến 7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. “Trồng ổn định, tôi được giới thiệu và tham gia vào THT trồng dâu, nuôi tằm trong thôn. Qua đó, gia đình có thêm điều kiện được vay vốn, hỗ trợ mua nong né, phân bón và tham gia chia sẻ kinh nghiệm để các thành viên trong tổ phát triển kinh tế” - chị K’Pang cho hay.
Cũng như gia đình chị K’Pang, gia đình chị K’Hiền trước đây chủ yếu sống nhờ vào cà phê. Nhận thấy việc trồng dâu, nuôi tằm phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so với trồng cà phê, chị đã mạnh dạn bỏ hơn 4 sào cà phê chuyển sang trồng dâu. “Riêng gia đình tôi, nuôi tằm 3 tháng cho 2 lứa kén với giá kén dao động từ 130-220 nghìn đồng/kg. Chủ yếu, sau khi có kén tằm, tôi sẽ mang đến các thương lái ở một số xã lân cận để bán. Với giá kén tằm hiện nay, gia đình thu về khoảng 13 đến 15 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ chi phí” - chị K’Hiền nói.
Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho hay: Đến thời điểm hết năm 2023, tại hai thôn nói trên đã có 25 ha chuyển đổi sang trồng dâu và đã có 15 hộ/43 hộ nuôi tằm mang lại hiệu quả cao và cho thu nhập từ 10-15 triệu đồng/hộ. “Qua công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2023, toàn thôn Prteing 2 đã giảm từ 35 hộ năm 2022 xuống còn 25 hộ nghèo năm 2023 (giảm 10 hộ). Hộ cận nghèo cuối năm 2022 có 31 hộ, cuối năm 2023 giảm còn 20 hộ” - ông Hà Thanh Tuấn thông tin thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin