Kinh tế không đạt như kỳ vọng

XUÂN TRUNG  06:42, 26/01/2024

Năm 2023 khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận và tuy kinh tế Lâm Đồng vẫn đạt được mức tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, song một số khu vực kinh tế không đạt kỳ vọng theo kế hoạch mà tỉnh đề ra. 

Khu vực nông - lâm - thủy sản có mức tăng trưởng vượt kế hoạch. Ảnh: Chính Thành
Khu vực nông - lâm - thủy sản có mức tăng trưởng vượt kế hoạch. Ảnh: Chính Thành

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GRDP - giá so sánh 2010) của Lâm Đồng tăng 5,63%; quy mô GRDP theo giá hiện hành đạt 115.834,9 tỷ đồng, trong khi đó theo kế hoạch năm 2023, GRDP tăng 7,5-8,5%. Với mức tăng trưởng GRDP chỉ đạt 5,63% thấp hơn 1,87% so với chỉ tiêu kế hoạch và thấp hơn 2,87% so với chỉ tiêu phấn đấu. 

Trong cơ cấu kinh tế, từ kết quả đạt được, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được cho là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh xuất phát từ tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản thuận lợi, diện tích gieo trồng, năng suất các loại cây trồng, vật nuôi đảm bảo kế hoạch. Qua đó, năm 2023, diện tích gieo trồng đạt 404.001 ha, đạt 101,89% kế hoạch và tăng 2,72% so cùng kỳ. Cơ cấu các loại cây trồng cũng tăng cả về diện tích lẫn sản lượng, cụ thể cây hằng năm 126.586 ha, tăng 0,7%; cây lâu năm đạt 277.416 ha, tăng 3,6%. Đi đôi với việc tăng diện tích gieo trồng, Lâm Đồng tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây trồng chủ lực; mở rộng, phát triển các chuỗi liên kết và diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 66.873 ha, tăng 1.565 ha so với năm 2022, chiếm 20,4% diện tích canh tác. Mặt khác, tiếp tục quảng bá, phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với các sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông... góp phần tạo nên giá trị gia tăng đối với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. 

Bên cạnh đó, chăn nuôi, thủy sản tiếp tục phát triển khá, chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng con giống và sản phẩm chăn nuôi với tổng đàn gia súc năm 2023 đạt 570.080 con, tăng 5% so với cùng kỳ; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.331 ha; sản lượng thủy sản nuôi trồng 10.070 tấn, tăng 2,4% so cùng kỳ. Ngành chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, giao khoán bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trồng theo kế hoạch và đến nay tổng diện tích giao khoán đạt 456.379 ha. 

Từ tình hình sản xuất nông nghiệp nêu trên cùng với việc khống chế các loại dịch bệnh, chủ động phòng ngừa thiên tai nên khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của Lâm Đồng năm 2023 tăng 5,47%, cao hơn kế hoạch đề ra với mức tăng từ 4,5-5%. 

Nếu như mức tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra 0,87% thì khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ lại có mức tăng thấp hơn so với kế hoạch năm 2023. 

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 6,4%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,9% sản xuất và phân phối điện khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong năm qua, tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh và đến nay đã có 3 dự án nhà ở xã hội đang triển khai thực hiện với tổng số 817 căn nhà ở xã hội, diện tích sàn nhà ở khoảng 45.000 m2. Hạ tầng đô thị tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp, nhất là hạ tầng đường giao thông, hệ thống chiếu sáng, cấp, thoát nước, thu gom và xử lý chất thải; chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP Đà Lạt và Bảo Lộc, các thị trấn thuộc các huyện, thành phố.

Tuy nhiên, khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2023 tăng 6,15%, thấp hơn so với kế hoạch tăng đề ra là tăng từ 10,6-13,1%. 

Tương tự, hoạt động du lịch có mức tăng trưởng trên hai con số với tổng lượt khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt 8,65 triệu lượt, đạt 101,8% kế hoạch, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Các hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 80.903 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ và kim ngạch xuất khẩu đạt 929 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mặc dù các chỉ tiêu thành phần khu vực dịch vụ đều tăng, nhưng mức tăng chung của cả khu vực dịch vụ trong năm 2023 chỉ tăng 5,79% và so với kế hoạch đề ra với mức tăng từ 9,2-9,8%. 

Từ mức tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ không đạt so với kế hoạch nêu trên đã tác động và ảnh hưởng tới sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh không đạt như kỳ vọng. Cụ thể, cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 37,87% so với kế hoạch chiếm 38,4-38,2%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 18,68% so với kế hoạch chiếm 20,5-20,6% và ngành dịch vụ chiếm 38,42% so với kế hoạch chiếm 41,1-41,2%.

Vì vậy, theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2023, kinh tế tiếp tục tăng so cùng kỳ (tăng 5,63%); sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; hoạt động công nghiệp, dịch vụ tăng khá so với cùng kỳ. Song kinh tế duy trì tăng trưởng nhưng chưa thật sự ổn định và bền vững; mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt thấp hơn kế hoạch đề ra, nhất là công nghiệp xây dựng tăng trưởng thấp (chỉ đạt 6,15%).