Hơn trăm năm “kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, nghề trồng hoa TP Đà Lạt không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, trở thành loài cây trồng chủ lực đầu bảng làm giàu. Những năm sau này, khi lan tỏa đến các huyện phụ cận, công nghệ sản xuất hoa thương phẩm Đà Lạt được áp dụng linh hoạt với từng điều kiện sinh thái vùng và khả năng thích ứng với xu hướng thị trường. Để định hướng nghề trồng hoa phát triển ổn định, bền vững, tương xứng với tiềm năng ở các huyện phụ cận Đà Lạt, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chuyên trách cần xây dựng, triển khai những nhóm giải pháp chiến lược đồng bộ khả thi trên địa bàn.
Bài 1: Về nơi “phát tích” hoa hồng
Mười năm trở lại đây, trên các vùng nông nghiệp tập trung ở huyện Lạc Dương, sự thay thế nhanh chóng các loại cây trồng rau màu ngắn ngày, các loại cây công nghiệp dài ngày sang canh tác cây hoa hồng đa sắc màu, đã cải thiện cuộc sống, thu nhập ngày càng khấm khá hơn lên.
Chăm sóc theo giải pháp kỹ thuật mới kết hợp với kinh nghiệm thực tế, khu vườn hoa hồng của ông Đỗ Đình Lợi trổ hoa chất lượng cao mỗi ngày |
• VÙNG SINH THÁI ƯU ĐÃI CHO HOA HỒNG
Một ngày đến khu vực Đăng Gia Rết, thị trấn Lạc Dương, nơi “phát tích” thủ phủ hoa hồng của huyện Lạc Dương, phóng viên trải nghiệm một vòng khu vườn trồng hoa hồng hàng chục loại giống gốc châu Âu trên 12.000 m2 diện tích nhà kính đồng bộ các hệ thống thiết bị, công nghệ vận hành. Thời gian vừa sản xuất vừa tái đầu tư mở rộng hoàn thành quy mô nhà kính trong từ năm 2013 đến năm 2020. Trong không gian dìu dịu ban trưa, khu vườn vừa xong phần việc thu hoạch cắt cành hoa hồng chuyển sang khu vực sơ chế, đóng gói hàng trăm mét vuông bên cửa ngõ ra vào, tiếp giáp với cung đường lưu thông thuận lợi các loại xe cơ giới. Nếu trong từng luống hoa trong khu vườn tham quan với thẳng tắp những hàng cây chắc khỏe, cành lá xanh mướt, hoa bung nụ khắp nơi thì bên trong nhà xưởng sắp lên chồng chồng, lớp lớp hàng chục sắc màu rực rỡ của hồng nhung, đỏ thẫm, trắng kem, vàng ánh trăng, hồng nhạt, cam đỏ, xanh lá… chuẩn bị lên đường hàng không, đường bộ, phân phối cho thị trường chủ lực tại Hà Nội, Hải Phòng và một phần thị trường các tỉnh, thành phía Nam. Ông Đỗ Đình Lợi (sinh năm 1964), chủ vườn cho biết, trong cả năm 2023, với quy trình chăm sóc riêng biệt, khu vườn hoa hồng 12.000 m2 phong phú sắc màu của ông thu hoạch mỗi buổi sớm mai từ 5.000 - 6.000 cành, giá ổn định từ 2.500 - 3.000 đồng/cành. Riêng các dịp lễ Tình nhân (14/2), Quốc tế Phụ nữ (8/3), Phụ nữ Việt Nam (20/10)…, hoa hồng lên giá bán ra đến 5.000 đồng/cành.
“Hoa hồng của chúng tôi sản xuất từ vườn đất sinh thái huyện Lạc Dương với từng giai đoạn chăm sóc tự tìm tòi, đúc kết thành quy trình riêng biệt. Rồi thu hoạch, sơ chế, đóng gói và chủ động tiêu thụ trực tiếp đến hệ thống phân phối khách hàng các đô thị lớn trong nước. Nhờ giảm khâu thu mua trung gian, cộng với kỹ thuật và kinh nghiệm canh tác trong thời gian dài, chúng tôi luôn đảm bảo sản phẩm hoa hồng chất lượng cao và giá thành cạnh tranh trên từng thời điểm thị trường, đặc biệt, cạnh tranh hiệu quả với sản phẩm hoa hồng Trung Quốc trên các khu vực thị trường phía Bắc…”, ông Lợi chia sẻ.
Theo đó, với thị trường phía Bắc, khu vườn hoa hồng của ông Lợi ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương cứ 2 ngày 1 lần cắt cành, đóng gói từng lô hàng đưa lên máy bay mỗi buổi sáng trước 9 giờ; đưa chuyển lên xe lạnh khởi hành vận chuyển đường bộ trước 14 giờ chiều. So với năm 2022, giá mỗi bông hồng của ông Lợi bán ra tăng thêm 500 đồng đến 1.000 đồng. Khách hàng chọn mua hoa hồng ông Lợi với một trong các lý do chủ yếu sử dụng trang trí giữ được độ tươi lên đến hơn 10 ngày.
• LỢI NHUẬN BẠC TỶ MỖI NĂM
Thành quả này, ông Lợi thu nhận sau mười năm canh tác đảm bảo 2 yếu tố đủ phân, đủ nước trong mọi thời kỳ sinh trưởng của hoa hồng. Cụ thể, tùy theo thời điểm hai mùa mưa, nắng, bón phân cân đối với liều lượng nước tưới phun mưa từ bên trên lá và tưới vòi xả trực tiếp dưới gốc cây, kết hợp với rửa trôi nấm bệnh. Với người lao động phải thực hành chuẩn xác ba quy trình kỹ thuật cắt cành, tỉa tán, loại bỏ cành nhánh yếu ớt, sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng cho cành nhánh khỏe mạnh, khả năng bung hoa chất lượng cao; xác định đúng các loại bệnh hại để sử dụng các loại thuốc bơm phun đặc trị; cắt cành hoa hồng thu hoạch đúng kỹ thuật, không tác động tiêu cực đến quá trình sinh trưởng của các cành nhánh còn lại trên cây…
Nếu nhìn xa hơn thì ông Lợi đã có quá trình 25 năm từ miền Trung đặt chân đến vùng nông nghiệp Lạc Dương lập nghiệp làm thuê cho người địa phương trồng dâu tây và các loại rau, màu khác. Trong đó có 10 năm lập khu vườn riêng học cách trồng hoa hồng của những nông hộ tiên phong nhiều năm trước đó. Ông Lợi kể, lúc đó thấy nhiều hộ gia đình thị trấn Lạc Dương trồng hoa hồng một vài năm sau đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua phương tiện sinh hoạt tiện nghi, đưa con đi học ở các đô thị lớn, nên ông tìm cách học hỏi làm theo. Đầu tiên vào năm 2013, ông gom góp khoảng 250 triệu đồng xây dựng nhà kính và dây chuyền thiết bị phụ trợ trên diện tích 1.000 m2, sau đó mua cành hoa hồng màu nhung về ghép với gốc tường vi trước khi đưa lên luống trồng, đạt tỷ lệ cây ghép sinh trưởng theo yêu cầu gần 90%. Vừa chăm sóc vừa bổ sung kỹ thuật tiếp cận những năm làm thuê, ông Lợi đã phô diễn khu vườn hoa hồng đầu tay 1.000 m2 kết nụ tươi tốt trong vùng sinh thái “phát tích” hoa hồng Lạc Dương, lôi cuốn nhiều thương nhân đến thỏa thuận ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thời hạn 2 năm…
Từ nền tảng khởi nghiệp hoa hồng khá thuận lợi, đến mười năm sau - tức năm 2023, ông Lợi đã xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất trên 12.000 m2 tại khu vực Đăng Gia Rết, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương nói trên, khép kín một vòng từ ghép cây giống đến gieo trồng cuốn chiếu, thu hoạch sơ chế và vận chuyển đưa ra thị trường trong ngày, thu về lợi nhuận tính bằng bạc tỷ mỗi năm…
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin