Bài cuối: Mỗi huyện mỗi thế mạnh của nghề trồng hoa
Mục tiêu chiến lược đến năm 2030, toàn tỉnh Lâm Đồng với diện tích canh tác hoa khoảng 3.900 - 4.000 ha, tương ứng diện tích gieo trồng 11.500 - 12.000 ha, sản lượng khoảng 4,5 tỷ cành và 500 triệu chậu. Trong đó các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh… gắn phát triển doanh nghiệp, trang trại công nghệ cao với mở rộng diện tích gieo trồng các loại hoa cắt cành cao cấp 1.500 ha, các loại hoa chậu có thế mạnh như lan hồ điệp, lan vũ nữ, thu hải đường... khoảng 1.774 ha, sản lượng trên 500 triệu chậu, tăng gần 60% so với năm 2021.
Đầu tư nhà kính hàng tỷ đồng trên mỗi ha trồng lan hồ điệp ở huyện Di Linh đạt chất lượng xuất khẩu sang thị trường châu Á |
• PHÁT TRIỂN CÁC LOÀI HOA THẾ MẠNH THEO CHUỖI LIÊN KẾT
Theo ông Lê Chí Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, kết thúc năm 2023, toàn huyện gieo trồng 2.080 ha hoa các loại. Trong đó, diện tích hoa hồng hơn 350 ha, tập trung hơn 90% khu vực thị trấn Lạc Dương, 10% phát triển ở các xã Lát, Đạ Chais, Đạ Nhim, Đạ Sar, Đưng K’nớ. Còn lại các diện tích hoa lily, cúc chùm, cúc kim cương, cát tường, cẩm chướng, đồng tiền… sản xuất chuyên canh phần lớn trên các diện tích giáp ranh TP Đà Lạt. Trong những năm qua, huyện Lạc Dương đã triển khai các bước xây dựng, bảo hộ thương hiệu “Hoa hồng Lang Biang” theo chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc, xuất xứ, thế mạnh của địa phương, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Và diện tích hoa hồng cùng với những diện tích sản xuất các loại hoa khác, huyện Lạc Dương tăng cường vận động nhân rộng chuỗi liên kết từ khâu chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ. Ngoài ra, huyện Lạc Dương đã và đang tích cực hướng dẫn nhà vườn trồng hoa làm các thủ tục cấp Chứng nhận quyền sử dụng đất để được vay vốn tín dụng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm trên thương trường.
Qua tìm hiểu thực tế nghề trồng hoa ở huyện Lạc Dương, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang nhận định rằng, thế mạnh đột phá của huyện Lạc Dương trước hết với cây hoa hồng có nguồn gốc giống từ các nước châu Âu,Trung Quốc có thể xuất khẩu sản lượng lớn sang thị trường Campuchia sử dụng trong lễ cưới, sinh nhật, lễ Tình nhân và các ngày lễ khác hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Khảo sát ban đầu cho thấy, sản phẩm hoa hồng Lạc Dương đứng đầu sản phẩm hoa hồng Đông Nam Á về độ tươi lâu, sắc màu phong phú, thắm đượm, hình thái cành hoa đồng đều, trở thành lợi thế so sánh cần phát huy hơn nữa với nhiều giải pháp. Ông Phan Thanh Sang nói: “Huyện Lạc Dương nên xúc tiến thành lập Chi hội Hoa hồng trực thuộc Hiệp hội Hoa Đà Lạt. Qua đó kết nối với doanh nghiệp hội viên nhâp khẩu các giống hoa cao cấp bản quyền trên thế giới để chuyển đổi canh tác đạt chất lượng sản phẩm xuất khẩu hiệu quả kinh tế cao. Về nguồn vốn vay tín dụng, Hiệp hội Hoa Đà Lạt sẽ làm việc với Tổ chức JICA Nhật Bản tổ chức ký hợp đồng bảo đảm tài sản thế chấp giữa 3 bên nông dân, doanh nghiệp cung cấp vật tư, xây dựng nhà kính và ngân hàng. Trường hợp rủi ro trong sản xuất, kinh doanh hoa, doanh nghiệp cam kết mua toàn bộ tài sản nhà kính để hoàn lại vốn vay đến thời hạn... ”.
Với nghề trồng hoa huyện Di Linh, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang nêu triển vọng sản xuất xuất khẩu các loại hoa cao cấp như lan vũ nữ, lan hồ điệp, hồng môn, hoa cúc. Bởi vậy huyện Di Linh cần sớm quy hoạch các vùng lợi thế về sinh thái, thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất để nhân rộng diện tích, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Bên cạnh đó, ông Phan Thanh Sang cũng đề nghị ngành Nông nghiệp huyện Di Linh cùng với Hiệp hội Hoa Đà Lạt xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp trao đổi thông tin, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại, tổ chức người trồng hoa tham quan, học tập các mô hình trồng hoa thu nhập cao ở Đồng Tháp, Hà Nội và có thể xuất ngoại sang Trung Quốc, Đài Loan tiếp cận nguồn giống và công nghệ mới để áp dụng phù hợp với diện tích sản xuất nông nghiệp trên từng địa bàn. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh Trần Nhật Thi chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì hoàn thành đề cương kế hoạch để thực hiện. “Huyện Di Linh có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn để phát triển 1.000 ha diện tích trồng hoa các loại trong chiến lược đến năm 2030. Giải pháp trọng tâm để phát triển bền vững nghề trồng hoa ở huyện Di Linh là xây dựng chuỗi liên kết hợp tác lâu dài giữa nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, Hiệp hội Hoa và ngân hàng trên cơ sở sản xuất theo xu hướng thị trường cạnh tranh trong nước và xuất khẩu…”.
• ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP VỀ VỐN, CÔNG NGHỆ VÀ THỊ TRƯỜNG
Tại huyện Đơn Dương, nơi đứng chân 2 Công ty TNHH xuất khẩu sản lượng lớn hoa của tỉnh Lâm Đồng là Dalat Hasfarm và Dalat Ever Green, thu hút tổng cộng hàng ngàn lao động địa phương làm nghề trồng hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Tịnh cho rằng, nghề trồng hoa trên địa bàn huyện Đơn Dương tiếp tục áp dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi giống mới chất lượng cao, được thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ theo hợp đồng. Hiện tại, với diện tích trồng hoa gần 185 ha so với tiềm năng, thế mạnh phát triển bền vững nghề ở Đơn Dương vẫn còn dư địa rất lớn. Cũng như ở huyện Di Linh, huyện Đơn Dương đang cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đồng bộ nghề trồng hoa giai đoạn đến năm 2030 bao gồm về nguồn vốn vay đầu tư, công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, xây dựng chuỗi giá trị, khai thác thị trường tiềm năng trong nước và xuất khẩu…
Ông Phan Thanh Sang khẳng định điều kiện đất đai, khí hậu, lao động của huyện Đơn Dương khá thuận lợi phát triển các loại hoa thu nhập tiền tỷ trên mỗi ha như hồ điệp, cát tường, cúc chùm, trong đó có doanh nghiệp đã xuất khẩu hoa nhiều năm sang các thị trường Úc, Nhật Bản, nên cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích xây dựng, mở rộng các mô hình liên kết theo chuỗi bền vững với nông dân. Về lâu dài, Hiệp hội Hoa Đà Lạt làm chiếc cầu nối cho hội viên doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu các giống hoa bản quyền trên thế giới để hợp tác với nông dân địa phương sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm quanh năm…
Xác định những giải pháp đòi hỏi từ yêu cầu thực tế sản xuất, nhằm phát huy hơn nữa mỗi thế mạnh khác nhau trên mỗi huyện theo hướng phát triển bền vững nghề hoa, góp phần đạt mục tiêu chung của ngành hoa Lâm Đồng đến năm 2030 với giá trị sản xuất trên 15.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân trên 3,7 tỷ đồng/ha/năm; kim ngạch xuất khẩu trên 217 triệu USD/năm; nhập nội và gieo trồng giống mới trên 3.000 ha hàng năm (tương ứng 26% tổng diện tích canh tác hoa); tỷ lệ diện tích sản xuất hoa giống mới có bản quyền đạt 35- 40% xuất khẩu...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin