Tạo lực đẩy cho sầu riêng từ việc cấp mã số vùng trồng

TRỊNH CHU 01:07, 08/01/2024

Việc cấp mã số vùng trồng sầu riêng không chỉ đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các thị trường nhập khẩu, còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân Bảo Lâm hướng tới nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm.

Sầu riêng mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân Bảo Lâm
Sầu riêng mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân Bảo Lâm

Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, thông tin, Bảo Lâm là địa phương có nhiều thuận lợi về đất đai, khí hậu để phát triển cây công nghiệp như chè, cà phê. Bên cạnh điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây công nghiệp, Bảo Lâm còn có thế mạnh về cây ăn quả. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 11.446 ha cây ăn quả. Trong đó, 2.660 ha sầu riêng. Diện tích 2.660 ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt 18.639 tấn, sầu riêng Bảo Lâm chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sở hữu diện tích sầu riêng không hề nhỏ nhưng việc trồng sầu riêng ở huyện Bảo Lâm vẫn còn nhiều khó khăn. “Diện tích phân tán, chưa hình thành được vùng sản xuất quy mô lớn, dẫn đến khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, cũng như việc tổ chức liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thêm nữa, diện tích sầu riêng được chứng nhận an toàn thực phẩm và VietGAP chưa nhiều, ý thức của Nhân dân chưa chú trọng đến sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ để tăng giá trị kinh tế của sản phẩm sầu riêng”, ông Nguyễn Văn Tùng chỉ rõ.

Từ thực tế đó, Huyện ủy Bảo Lâm đã ban hành Kế hoạch số 102-KH/HU ngày 20/4/2023 về thực hiện chuyển đổi số và cấp mã số vùng trồng sầu riêng gắn với việc thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn huyện Bảo Lâm. UBND huyện Bảo Lâm đã cụ thể hóa chỉ đạo của Huyện ủy Bảo Lâm bằng Kế hoạch số 106-KH/UBND ngày 17/5/2023, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, phòng, ban chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm là đơn vị chủ trì, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, Hội Nông dân huyện Bảo Lâm, các xã, thị trấn, công ty, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan trong công tác xây dựng, cấp mã số vùng trồng sầu riêng tích cực vận động các hộ trồng sầu riêng thiết lập mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng.

Mục tiêu đề ra của huyện Bảo Lâm trong năm 2023 có khoảng 500 ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. “Tính đến nay, trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã có 742 ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, đạt trên 148% kế hoạch, nâng tổng số diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng lên 762 ha. Ngoài ra, 1 cơ sở đóng gói trên địa bàn huyện Bảo Lâm cũng đã được cấp mã số đóng gói sầu riêng, Công ty TNHH SXTM Dịch vụ Long Thủy”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm Nguyễn Văn Tùng cho hay. Ông Nguyễn Văn Tùng nói thêm: “Toàn bộ nguồn kinh phí thực hiện cấp mã số vùng trồng sầu riêng đều được huyện Bảo Lâm vận dụng theo hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước. Đây là sự cố gắng, nỗ lực, cách làm hay, sáng tạo của UBND huyện Bảo Lâm trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch số 102-KH/HU ngày 20/4/2023 của Huyện ủy Bảo Lâm”.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm Nguyễn Văn Tùng, các vườn trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng đều được các công ty, doanh nghiệp thu mua hết sản lượng, giá bán ổn định và cao hơn giá bán của các vườn chưa được cấp mã số vùng trồng. Giá trị hàng hóa của sầu riêng và thu nhập của những hộ trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng cũng cao hơn hẳn so với những hộ trồng sầu riêng chưa được cấp mã số vùng trồng.