Là một trong những địa phương có diện tích cà phê và sản lượng đứng đầu cả nước, Lâm Đồng đang triển khai các giải pháp nhằm chủ động thích ứng với những thay đổi về chống phá rừng và suy thoái rừng. Đây là cơ hội để địa phương cấu trúc lại các ngành hàng liên quan tới rừng và lâm nghiệp như cà phê, gỗ và các sản phẩm từ gỗ đáp ứng quy định mới của EU.
Phát triển xanh và bền vững, trong đó quy định cụ thể về các sản phẩm nông sản không gây mất rừng là xu hướng tất yếu |
• QUY ĐỊNH MỚI, THÁCH THỨC MỚI
Theo Công văn 5179 ngày 1/8/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan ký gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 16/5/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua Quy định không gây mất rừng (EUDR). Đây là quy định mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững, trong đó quy định cụ thể về các sản phẩm nông nghiệp không gây mất rừng.
EUDR cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 bao gồm chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, sô cô la, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ. Trong đó, cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Trước đó, ngày 29/6/2023, tại TP Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã tổ chức ký kết Bản ghi nhớ với Sở NN&PTNT 5 tỉnh Tây Nguyên nhằm phối hợp thực hiện hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất không gây phá rừng, suy thoái rừng; sản xuất bền vững kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Chống suy thoái rừng, tăng diện tích che phủ rừng là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Lâm Đồng |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong bối cảnh EC đưa ra thời hạn hiệu lực để thực thi EUDR vào tháng 12/2024 (tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), chúng ta cần thực hiện ngay các hoạt động để thích ứng với quy định này, tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu các ngành hàng cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su sang thị trường EU nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung.
Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng nhận định, thời gian qua, ngành Lâm nghiệp tỉnh theo dõi diễn biến khá chặt chẽ đối với quy định của EU về chống mất rừng và suy thoái rừng, cụ thể là cấm nhập khẩu sản phẩm được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020.
Mới đây nhất, ngành Nông nghiệp với vai trò chủ trì đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động thích ứng quy định EUDR trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 12/2023. Trong đó, mục tiêu của địa phương trong kế hoạch trên là tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và tham gia thương mại quốc tế vào thị trường EU đối với nông lâm sản trên địa bàn tỉnh theo khung hành động. Bên cạnh đó, các chương trình hành động cụ thể sẽ giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự phối hợp của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và tổ chức quốc tế để hỗ trợ quản lý giám sát chặt chẽ và phản hồi thông tin cơ sở dữ liệu liên quan về canh tác bền vững hàng hóa nông sản không gây phương hại đến rừng.
Tại Lâm Đồng, sản phẩm hàng hóa, trong đó chủ yếu là cà phê về cơ bản đảm bảo các điều kiện không ảnh hưởng bởi quy định EUDR |
• GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG EUDR
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, diện tích cà phê toàn tỉnh năm 2023 là 175.708 ha, trong đó, diện tích kinh doanh 163.520,8 ha với năng suất dự kiến 32,8 tạ/ha, sản lượng theo kế hoạch năm ước đạt là 535.777,8 tấn. Trong đó, diện tích cà phê sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, bền vững 4C, UTZ, Rainforest là 86.000 ha, sản lượng đạt 265.000 tấn/năm.
Ngoài ra, Lâm Đồng còn áp dụng sản xuất hữu cơ cà phê với 292,5 ha, chủ yếu là cà phê chất lượng cao, với giá bán vượt trội. Các sản phẩm cà phê nhân, cà phê rang xay của tỉnh những năm qua được xuất khẩu qua thị trường quen thuộc ở các nước châu Âu như: Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia…, các thị trường châu Á như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Riêng năm 2023, tính tới ngày 8/12, Sở Công thương tỉnh thống kê, cà phê nhân xuất khẩu đạt trên 173 triệu USD, là mặt hàng nông sản xuất khẩu cao nhất của địa phương.
Hiện nay, các địa phương có diện tích cà phê lớn đã và đang chủ động triển khai, thực hiện kế hoạch chống suy thoái rừng theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đơn cử như tại huyện Di Linh, địa phương có diện tích cà phê khoảng 45,6 ngàn ha, sản lượng hàng năm đạt trên 150 ngàn tấn/năm thì ngay tháng 11/2023 đã triển khai các biện pháp truy xuất đối với cà phê có nguồn gốc không gây mất rừng và suy thoái rừng. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định và đặc điểm, tình hình sản xuất của địa phương, huyện Di Linh đã xây dựng kế hoạch hoạt động nông nghiệp thích ứng EUDR. Trước tiên là tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến quy định để nâng cao nhận thức tổ chức, doanh nghiệp và các hợp tác xã, cộng đồng, người dân, đặc biệt các nông hộ sản xuất, cung ứng nguyên liệu, chế biến các loại hàng hóa liên quan tới quy định EUDR. Song song đó, địa phương tập trung triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ rừng, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, xác nhận hàng hóa không có nguồn gốc từ phá rừng để đảm bảo rằng các sản phẩm không liên quan tới việc mất rừng, suy thoái rừng ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng…
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh, dựa trên cơ sở dữ liệu về rừng và các vùng tạo sản phẩm hàng hóa có ảnh hưởng bởi quy định EUDR, trong đó chủ yếu là cà phê, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, nông hộ triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu thụ hàng hóa nông lâm sản ảnh hưởng bởi quy định EUDR theo hướng: Duy trì và tiếp tục phát triển chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa bền vững không gây phương hại đến rừng; sản phẩm hàng hóa phải tuân thủ các yêu cầu liên quan khác về môi trường, lao động, bảo vệ bảo tồn hiện trạng tài nguyên khu vực sản xuất hàng hóa theo các tiêu chí của hệ thống chứng nhận và kiểm tra; tiếp tục triển khai các chính sách, quy định hiện hành, các chỉ đạo của UBND tỉnh và các cấp bộ, ngành liên quan...
Theo đánh giá, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng, còn nhiều vị trí đất trồng cà phê của người dân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có trên bản đồ địa chính về loài cây trồng hay cơ sở dữ liệu định vị diện tích rừng, truy xuất nguồn gốc và hệ thống giám sát chống phá rừng theo quy định EUDR còn hạn chế. Đây là những thách thức không nhỏ trong việc đáp ứng quy định không gây mất rừng của EU.
Trong Kế hoạch hoạt động thích ứng quy định EUDR, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tuyên truyền, phổ biến quy định EUDR đến các cơ quan quản lý các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân; xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh, cấp huyện về khu vực rừng, khu vực đất lâm nghiệp và vùng trồng tạo sản phẩm hàng hóa có ảnh hưởng bởi quy định EUDR; tiếp tục xây dựng và triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị điểm (GPS) và ranh giới số (Polygon) của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR và triển khai các nội dung liên quan để đảm bảo hiệu quả trong quản lý giám sát các loại hàng hóa chính ảnh hưởng quy định EUDR.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin