BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024:
Giống sạch cho nông nghiệp xanh

NAM VIÊN  09:02, 10/02/2024

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là câu tục ngữ đúc kết một cách cô đọng kinh nghiệm sản xuất trong thời kỳ nông nghiệp truyền thống. Ngày nay, khi mà các yếu tố nước, phân, công nghệ chăm sóc… đã chủ động, thì việc nghiên cứu các giống mới có ưu điểm vượt trội sẽ là yếu tố quyết định để phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp. 

Các kỹ thuật viên đang nhân giống invitro
Các kỹ thuật viên đang nhân giống invitro

Những ngày cận Tết Giáp Thìn, chúng tôi đến thăm một đơn vị có nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật và sản xuất giống cây trồng là Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) đóng chân tại Đà Lạt. Tiến sĩ Nguyễn Thế Nhuận - Giám đốc Trung tâm cho biết, Việt Nam hiện có khoảng gần 1 triệu ha sản xuất rau với sản lượng khoảng 10 triệu tấn/năm, nếu kể cả rau phân tán, vườn gia đình, nhu cầu 120 kg/người/năm coi như đã đủ. Vấn đề hiện nay là rau an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo các tiêu chuẩn phù hợp cho thị trường nội tiêu và rau chất lượng cao cho xuất khẩu. Cả nước cũng đang có khoảng trên 45 ngàn ha trồng hoa, cây cảnh. Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng đã đẩy diện tích hoa tăng khá mạnh. 
Tại Lâm Đồng, năm 1995, hoa chủ yếu chỉ trồng tại Đà Lạt với diện tích 120 ha thì đến nay, chỉ tính riêng diện tích hoa sản xuất theo công nghệ cao đã đạt hơn 3.100 ha; rau công nghệ cao gần 26.000 ha. Sản xuất rau, hoa công nghệ cao ở nhiều địa phương cho doanh thu đạt 200 - 300 triệu đồng/ha/năm; tại TP Đà Lạt, nhiều mô hình đạt từ 1 - 2 tỷ đồng/ha, một số mô hình có thể đạt từ 5 - 6 tỷ đồng/ha/năm. 
“Rõ ràng, ngành sản xuất rau, hoa có thể cho thu nhập cao và tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình sản xuất và xuất khẩu rau, hoa của nước ta còn nhiều khó khăn và bất cập. Trong đó, giống là yếu tố đặc biệt quan trọng liên quan đến xuất khẩu vì hiện nay các giống rau, hoa đang được sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là giống nhập nội nên kinh doanh, xuất khẩu rau, hoa đã có những trở ngại nhất định. Phần lớn các giống rau lai F1 phải nhập khẩu, giá thành cao, chất lượng giống bấp bênh đã ảnh hưởng tới sản xuất của nông dân. Mỗi năm, Việt Nam phải chi tới hàng trăm triệu USD nhập khẩu các loại hạt giống phục vụ ngành trồng trọt”, Tiến sĩ Nguyễn Thế Nhuận phân tích. 

Tiến sĩ Nguyễn Thế Nhuận giới thiệu giống cà chua đang khảo nghiệm tại Trung tâm
Tiến sĩ Nguyễn Thế Nhuận giới thiệu giống cà chua đang khảo nghiệm tại Trung tâm

Đưa chúng tôi tham quan “cơ ngơi” của Trung tâm tại Phường 12, TP Đà Lạt, Tiến sĩ Nguyễn Thế Nhuận giới thiệu, đơn vị hiện có 6,3 ha đất, trong đó có 4,5 ha đất canh tác, 1,5 ha nhà kính, nhà lưới công nghệ cao (0,5 ha nhà kính theo mô hình trang trại thông minh của Hàn Quốc). Trung tâm còn có phòng thí nghiệm tổng hợp, phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tế bào thực vật, phòng thí nghiệm bệnh cây, hệ thống tưới tiêu và các thiết bị canh tác ứng dụng công nghệ cao phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất giống sạch bệnh. Đội ngũ cán bộ, viên chức 35 người, trong đó có 18 nghiên cứu viên có trình độ đại học và trên đại học, 5 quản lý hành chính và 12 kỹ thuật viên có trình độ tay nghề cao. 
Trung tâm xác định hướng nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc giống rau, hoa mới phù hợp với canh tác ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên và một số vùng sinh thái khác trong cả nước là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị. Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, một số đề tài, dự án cấp bộ, địa phương, chương trình hợp tác quốc tế và đề tài cấp cơ sở, Trung tâm đã sưu tập, nhập nội và lưu giữ nhiều nguồn gen quý cho công tác lai tạo giống. Trong đó, lưu giữ hơn 200 nguồn gen khoai tây, 50 nguồn gen dâu tây, 30 nguồn gen cà chua và 150 nguồn gen giống hoa các loại (hoa cúc, đồng tiền, cẩm chướng, lay ơn...). Bằng phương pháp lai hữu tính, nhân giống invitro, Trung tâm đã lai tạo, chọn lọc, khảo nghiệm, tự công bố lưu hành và chuyển giao cho sản xuất một số giống rau, hoa có năng suất, chất lượng tốt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và tự công bố lưu hành được 3 giống khoai tây, 4 giống cà chua, 2 giống dâu tây, 5 giống hoa cúc và 1 giống hoa cẩm chướng. Qua đó, góp phần bổ sung nguồn giống tốt cho sản xuất tại vùng Tây Nguyên và một số khu vực trong nước.
Có thể kể đến một số giống dâu tây như PS8.07 và PS8.10 cho năng suất cao, trung bình đạt từ 25 - 30 tấn/ha, độ cứng quả khá, độ ngọt (độ brix) đạt trên 10%, có khả năng chống chịu bệnh thán thư, phấn trắng; phù hợp cho canh tác ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng. Đối với khoai tây, Trung tâm đã lai tạo, chọn lọc được một số giống có năng suất cao, kháng bệnh mốc sương khá, đáng chú ý là giống khoai hồng TK15.80, giống có năng suất đạt từ 25 - 30 tấn/ha, phù hợp cho canh tác tại Đà Lạt và vùng phụ cận, được nông dân và thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, giống khoai tây ruột màu TK06.8 có giá trị dinh dưỡng cao, không có chất béo, giàu chất chống oxy hóa đang được thị trường quan tâm. Đối với cà chua, một số giống có nhiều điểm ưu việt như: năng suất cao, quả đẹp, tươi, ít hạt, thịt quả dày, có khả năng chống chịu khá với một số bệnh và vi rút gây hại phổ biến. Đơn vị cũng nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống hoa cúc, đồng tiền, cẩm chướng… năng suất cao, màu sắc đa dạng, phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu; thích ứng tốt với điều kiện sản xuất Đà Lạt và một số địa bàn phía Nam. 

Việc nghiên cứu, tạo chọn những giống khoai tây, rau và hoa chất lượng cao, kháng bệnh là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường theo hướng nông nghiệp xanh.

Một số giống do Trung tâm nghiên cứu, tạo chọn
Một số giống do Trung tâm nghiên cứu, tạo chọn

“Thời gian tới, Trung tâm tập trung nghiên cứu lai tạo, chọn lọc, phát triển giống khoai tây có chất lượng cao, kháng bệnh mốc sương, ghẻ củ và có năng suất cao phục vụ chế biến công nghiệp; giống khoai tây ruột màu giàu anthocyanins (chất chống oxy hóa) và phát triển một số sản phẩm chế biến có lợi cho sức khỏe. Lai tạo và chọn lọc giống cà chua lai F1 và giống dâu tây năng suất cao, chất lượng tốt; trong đó tập trung tạo ra những giống phù hợp cho canh tác ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới…”, Tiến sĩ Nguyễn Thế Nhuận cho biết.
Một mùa xuân nữa đang về. Những chuyến hàng rau, hoa Đà Lạt hối hả chuyển đi phục vụ thị trường Tết ở khắp mọi miền. Còn ở Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa, những nhà nghiên cứu, kỹ thuật viên cũng đang miệt mài để góp những hạt mầm cho nông nghiệp nước nhà đơm hoa, kết trái.