Trồng cam cara còn gọi cam đỏ giống gốc từ nước Úc ở Tây Nguyên cho thu hoạch bốn mùa trong năm, trong đó thu hoạch rộ kéo dài suốt thời kỳ mùa đông. Lấy dấu mốc mỗi năm một mùa thu hoạch rộ thì Tây Nguyên qua gần hai mươi mùa cam đỏ ngọt lành chuyển giao kỹ thuật canh tác nguồn giống đầu dòng từ xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đến xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng.
Các tài liệu khoa học công bố cam đỏ có dược chất hỗ trợ phòng ngừa các loại bệnh ung thư phổi, cổ tử cung, da, tuyến tiền liệt… |
CẤP SỐ NHÂN DOANH THU CAM ĐỎ
Một ngày lập đông năm 2023, phóng viên đi qua cầu K’rông Nô thuộc địa giới xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng rồi thong dong trong địa giới huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đến chừng 50 km nữa mới chạm bước đến vườn cam đỏ tại xã Băng ADrênh, huyện Krông Ana của tỉnh này. Thong dong qua những thửa ruộng lúa, dòng sông nhỏ chia cắt bởi những triền đồi trồng cây cà phê và các loại cây công nghiệp dài ngày khác, bất chợt hiện ra một khu vườn rộng 1 ha chuyên canh cam đỏ từng chùm quả căng bóng, nặng trĩu trên cành, chạy dài tăm tắp. Chủ vườn - vợ chồng anh Đỗ Phú Cường (sinh năm 1972) và chị Trần Thị Mỹ Linh (sinh năm 1975) nhiệt tình mời phóng viên vào trong vườn tận tay hái quả cam đỏ thưởng thức tại chỗ. Khi quả cam được cắt đôi, từng khoang múi đỏ đậm không hạt, tích chứa đầy nước rất bắt mắt. Mới ăn hết múi cam thứ nhất, hương vị ngọt lịm, mát dịu thấy rõ trong cơ thể.
Cùng lúc này có nhiều người trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk đến đây tham quan tìm hiểu sản xuất hoặc mua cam đỏ về sử dụng, chủ vườn Cường - Linh mời mọi người cảm nhận tự nhiên cây nhà lá vườn lần đầu tiên vào mùa thu hoạch rộ. Cam đỏ hái xuống, đưa lên cân 3-4 quả nặng 1 kg. Nhưng cũng có khá nhiều cây chỉ hái xuống 2 quả, chiếc kim cân đã hiện lên chỉ số hơn 1 kg. Tranh thủ trò chuyện với chủ vườn Cường - Linh, phóng viên ghi chép số liệu cam đỏ trong năm 2023 bắt đầu gặt hái từ tháng 7 đến tháng 9, trung bình 60-70 kg/ngày; tháng 10 đang thu 100 kg/ngày và dự kiến thu kéo dài đến tháng 1 năm 2024. Giá bán - mua nhanh chóng trên dưới 50.000 đồng/kg. Vợ chồng Cường- Linh phấn khởi: “Nếu so với các loại cam sành đang bán ở địa phương thì cam đỏ của vườn chúng tôi có giá cao hơn gấp 4-5 lần. Dù là mùa thu hoạch rộ trên dưới 100 kg mỗi ngày, nhưng không đủ đáp ứng với người hẹn mua qua điện thoại hoặc trực tiếp đến vườn. Có thể những mùa sau, cây cam đỏ thêm tuổi mới, khu vườn chúng tôi sẽ thu bán được số lượng lớn hơn theo nhu cầu của người tiêu dùng…”.
Năm ngoái khi vào mùa thu hoạch rộ đầu tiên - tức năm thứ 3 xuống giống cam đỏ Cara trồng, chăm sóc theo phương pháp kỹ thuật tiếp cận mới, vợ chồng Cường - Linh thu quả bói bình quân khoảng 20 kg mỗi cây. Năm 2024, cam đỏ bước sang tuổi thứ 4, ước tính tổng sản lượng khoảng 30 tấn/ha, doanh thu có thể lên đến 1,5 tỷ đồng. Sản lượng và doanh thu này đoán trước tăng mỗi năm từ 15-20% trở lên.
Đi vào sâu hơn trong khu vườn cam đỏ tại xã Băng ADrênh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk của vợ chồng Cường - Linh không cố tìm vẫn thấy dấu vết những hàng cây cà phê có xen canh lác đác cây tiêu từ bao nhiêu năm, hoa lợi chỉ đủ trang trải chi phí thiết yếu của gia đình. Khi biết được ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng có nguồn giống cây cam đỏ ghép của nước Úc, vợ chồng Cường - Linh quyết định chọn lựa mua về chuyển đổi, trồng mới đồng loạt 0,6 ha trong năm 2019 và 0,4 ha trong năm 2020. Tổng số 1 ha diện tích cà phê hơn 20 năm tuổi xen canh một số hàng cây tiêu, năm thu nhập cao nhất cũng chỉ mang về cho vợ chồng Cường - Linh chạm mức 100 triệu đồng…
Với lợi nhuận xuất phát từ mùa cam đỏ thu rộ từ cuối thu đến cuối đông năm 2023, vợ chồng Cường - Linh đã cho phóng viên tóm tắt 4 yếu tố cấu thành là nguồn vốn đầu tư, nguồn giống có lợi thế so sánh, quy trình kỹ thuật mới và tinh thần vượt khó. Theo đó, tính toán sợ bộ 1 ha trồng cam đỏ ở đây với mật độ 600 cây giống ghép từ xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, thời điểm cuối năm 2023 với giá 250.000 đồng/cây, thành tổng mức đầu tư 150 triệu đồng cho cây ra hoa, đậu quả hàng chục năm sau. Rồi ước tính riêng mỗi năm chi phí phân bón hữu cơ, chế phẩm phòng, trừ sâu bệnh hại và công lao động cộng lại tối đa 1 ha cũng khoảng 200 triệu đồng, nhưng mùa thu bói năm thứ ba và mùa thu rộ năm thứ tư trở đi, cam đỏ trả ơn người chăm sóc doanh thu vượt trội cấp số nhân 7-8 lần so với nguồn tiền đầu vào.
Nhà nông Bùi Xuân Chiến ở xã Đạ Ròn với vườn cam đỏ 2.400 m2 bước sang năm thứ 5 gieo trồng, thu lãi khoảng 300 triệu đồng |
GIẢI PHÁP CHUYÊN CANH TỐI ƯU
Trở về tỉnh Lâm Đồng, phóng viên vào không gian cam đỏ 2.400 m2 ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương của nông hộ Bùi Xuân Chiến (sinh năm 1968) đang thu hoạch rộ vào tháng thứ 3 của năm 2023. Sắp bước vào tuổi năm thứ 5, cam đỏ của Chiến chuyên canh đậu quả trên đất hoa màu chuyển đổi, thu hoạch bán tại vườn 40-50.000 đồng/kg. Trọng lượng cân nặng phần lớn tương đương với quả cam trồng tại xã Băng ADrênh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk với 2-3 quả/kg, nhưng cũng có không ít quả hái xuống cân nặng đến 700-800 gram. Khu vườn như một hạt nhân cam đỏ được bao bọc xung quanh bởi thửa đất trồng cỏ chăn nuôi, ruộng rau, hoa màu trong và ngoài nhà kính. Nhà nông Chiến tâm sự: “Qua nhiều năm trồng rau, màu ngoài trời chỉ ổn định thu nhập, chi tiêu cho nhu cầu cuộc sống trung bình hàng ngày. Sau khi biết được ở xã Pró cùng huyện Đơn Dương có nhiều hộ trồng cam đỏ, tôi đến nơi xem sao. Mới hay thay thế cây rau, màu ngoài trời bằng cây cam đỏ đến năm thứ tư, thứ năm thu hái rộ, hộ nông dân vươn lên thu nhập khá giả. Không suy tính thêm nữa, tôi đến vườn giống cam đỏ Úc duy nhất của Việt Nam tại xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương mua cây về trồng từ đầu năm 2020…”.
Đưa về xã Đạ Ròn cùng huyện Đơn Dương trồng xen canh với rau, màu, mục đích cây cam đỏ cao lớn 1 đến 2 năm thì chuyển dần sang chuyên canh, nhưng gặp sự cố bất ngờ xảy đến. Hàng chục cây cam đỏ lần lượt thối rễ, vàng lá chết trên vườn, nhà nông Bùi Xuân Chiến dùng nhiều giải pháp vẫn không cứu chữa được. Không cách nào khác, lứa rau, màu cuối cùng phải thu vội vàng để cải tạo lại đất, trồng dặm cây cam đỏ mới trên vị trí cây cam đỏ cũ đã khô cành, cháy lá. Đồng thời, học hỏi thêm cách chăm nuôi cây cam đỏ thương phẩm từ phía vườn ươm cung cấp giống từ xã Lạc Xuân cùng huyện Đơn Dương, nhà nông Bùi Xuân Chiến mới tháo gỡ hết phần lớn khó khăn, hoàn chỉnh quy trình canh tác cam đỏ đặc trưng giá trị kinh tế cao của vùng đất Đạ Ròn, Đơn Dương đến giờ.
Theo đó, vườn cam đỏ 2.400 m2 sinh trưởng từ năm thứ 4 đến năm thứ 5 của nông hộ Bùi Xuân Chiến ở xã Đạ Ròn, Đơn Dương ổn định quy trình chăm sóc chuyên canh, thu rộ vào 3 tháng 10, 11 và 12; thu nghịch vụ trong tháng 1, 2, 3, 4, 5, 6. Tháng 7, 8, 9, cây tập trung nuôi hoa, nên thu ít hơn. “Tính chung trong 2 năm 2023, 2024, mỗi năm trên diện tích 2.400 m2 thu hoạch cam đỏ bán hết nhanh mỗi ngày, tổng lợi nhuận mỗi năm 250-300 triệu đồng…”, nhà nông Chiến nhẩm tính.
CHIẾN LƯỢC 10.000 HA CAM ĐỎ TRONG VÙNG TÂY NGUYÊN
“Nhà nông Bùi Xuân Chiến là một trong những nông hộ ở xã Đạ Ròn nói riêng, huyện Đơn Dương nói chung tiên phong chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam đỏ kinh tế cao trong vòng 5 năm qua. Cam đỏ thu hoạch ở Đơn Dương đã được xếp hạng OCOP 3 sao, đang nâng cấp lên 4 sao. Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa chúng tôi cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm theo nhu cầu tái cơ cấu sản xuất trồng cam đỏ vùng Tây Nguyên, trong đó tập trung các mô hình điểm ở Lâm Đồng”, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa Lê Thị Nghĩa chia sẻ với phóng viên khi vừa từ vườn cam đỏ của nhà nông Bùi Xuân Chiến ở xã Đạ Ròn đến khu vườn ươm giống cam đỏ 9.000 m2 công nghệ cao tại xã Lạc Xuân cùng huyện Đơn Dương, cách nhau khoảng năm cây số đường nhựa.
Giám đốc Lê Thị Nghĩa dẫn phóng viên tham quan và thuyết minh từng khu vực trong vườn ươm giống cam đỏ gồm ươm hạt nhập khẩu từ nước Úc; ghép cây gốc nước Úc với mầm chồi đầu dòng tại Đơn Dương; khu vực cây giống trưởng thành; trình diễn cây trồng thương phẩm. Thời gian từ ươm hạt đến xuất vườn cây giống cam đỏ ra vườn trồng khoảng 36 tháng. Công suất xuất vườn 15-20.000 cây/năm, tương ứng với diện tích chuyên canh 25-33 ha.
Sản xuất, cung cấp nguồn giống, chuyển giao kỹ thuật và xây dựng thương hiệu, thị trường tiềm năng rộng lớn, Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa đã đặt mục tiêu chiến lược “năm dài tháng rộng” liên kết phát triển trong vùng Tây Nguyên theo chuỗi sản xuất 10.000 ha cam đỏ gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…
Vậy là sau hơn hai thập niên, cam Cara ruột đỏ ngọt từ nước Úc đưa về Lâm Đồng trồng và nhân rộng thành công đầu tiên tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng rồi xây dựng vườn ươm giống tập trung tại xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tiếp tục vươn ra trong vùng Tây Nguyên quanh năm thu hái sum suê những chùm quả xanh vỏ đỏ lòng, kết tinh cùng lúc cả 3 giá trị kinh tế cao, dược liệu quý hiếm và hương vị ngọt lành.
Truy xuất giống cam đỏ không hạt gọi là cam Cara với 3 thành phần hoạt chất cam, cà rốt và cà chua, nguồn gốc từ Venezuela di thực qua Mỹ rồi đến Úc. Tên khoa học là Cara Navel- Citrus Cinensis. Qua phân tích, các tài liệu học đã công bố cam đỏ Cara hỗ trợ phòng ngừa các loại bệnh ung thư phổi, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, da…
Từ đầu những năm 2000, kỹ sư nông nghiệp Mai Viết Phương (sinh năm 1943), Việt kiều Úc đưa giống cam đỏ Cara về trồng thử nghiệm thành công ở khu đồi đá xã Hiệp An, Đức Trọng. Đến năm 2018 vì lý do sức khỏe, lão kỹ sư Mai Viết Phương chuyển giao nguồn cung cấp giống từ Úc và toàn bộ quy trình gieo ươm, ghép mầm chồi, canh tác thương phẩm cho phụ trách kỹ thuật Lê Thị Nghĩa (sinh năm 1970), nay là Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Đại Nghĩa, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng kế nghiệp đáp ứng kỳ vọng đến ngày nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin