Trong bối cảnh hoạt động của ngành dệt may còn khó khăn, một số quy định từ thị trường châu Âu càng tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. “Xanh hóa” dệt may hiện được đẩy mạnh ở nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất trong tỉnh Lâm Đồng hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững.
Sản phẩm của Công ty TNHH Sợi Đà Lạt được đánh giá thân thiện môi trường, phù hợp với các quy định xuất khẩu mới |
DOANH NGHIỆP ÁP DỤNG SẢN XUẤT “XANH”
Công ty TNHH Sợi Đà Lạt, đóng chân tại xã Trạm Hành, TP Đà Lạt là thành viên mới nhất của Tập đoàn Suedwolle - tập đoàn đa quốc gia chuyên các sản phẩm từ lông cừu tự nhiên với trụ sở chính tại Đức. Ông Nìm Chí Phúng - Giám đốc Sản xuất Công ty Sợi Đà Lạt chia sẻ, ngay từ khi chọn lựa vùng đất Đà Lạt để đặt nhà máy kéo sợi, công ty đã hướng tới sản xuất sạch hơn, với việc ứng dụng mọi kỹ thuật, máy móc để giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải nước, rác, điện, khí nhà kính cũng như tăng việc sử dụng các nguồn năng lượng bền vững.
Theo ông Nìm Chí Phúng, ngoài đảm bảo sản xuất đúng, đủ lượng sợi theo kế hoạch của Tập đoàn Suedwolle, công ty còn phải đảm bảo tiến triển tốt trong giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí tiêu hao năng lượng. Hàng năm, công ty đều có kiểm toán năng lượng, tìm tòi và đánh giá những khâu cần cải tiến để tiết giảm chi phí năng lượng cũng như giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trong đó, việc giảm chi phí tiêu thụ điện, nước trên mỗi đơn vị sản phẩm là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển.
Ngoài ra, Công ty Sợi Đà Lạt đã xây dựng bộ tiêu chuẩn ISO 14000 về môi trường; trong đó, có một quy trình rất rõ về đào tạo người lao động trong các khâu sản xuất. Cụ thể, ngay từ khi vào làm việc, công nhân đã được tập huấn rất kỹ về phân loại rác, tiết kiệm nước cũng như thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất. “Ví dụ khi chúng tôi kiểm tra sợi, nếu là sợi trắng thì bật đèn chiếu tia UV để kiểm tra, tới cọc sợi đen thì không cần, công nhân phải chú ý tắt đèn. Dù một bóng đèn không lớn nhưng cả công ty thì cũng giảm được chi phí điện cho sản xuất”, ông Phúng nói.
Trong khi đó, tại Công Ty TNHH May An Thái - TP Bảo Lộc, những năm qua, việc ứng dụng các công nghệ mới, hướng đến việc “xanh hóa” trong sản xuất cũng đã được công ty thực hiện. Cụ thể, từ vài năm qua, công ty đã chủ động tìm kiếm, sử dụng các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất dễ tái chế, dễ phân hủy; đầu tư nâng cấp và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng; đào tạo hướng dẫn cán bộ, công nhân viên nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nơi làm việc, thực hiện phân loại rác thải…
Không chỉ chú ý tới môi trường trong nội bộ doanh nghiệp, Công ty TNHH May An Thái còn tích cực tham gia công tác xã hội với dân cư xung quanh như tặng máy lọc nước cho các trường học, vận động người lao động trồng cây xanh, hoa cảnh, làm vệ sinh môi trường xung quanh khu vực công ty. Mục tiêu của công ty chính là sản xuất phải đi kèm với tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững với môi trường.
Trên thực tế, các công ty dệt may ở Lâm Đồng đã có những bước chuẩn bị từ khá sớm cho sự chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư, triển khai những dự án liên quan đến giảm rác thải, tái sử dụng nguồn nước, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu dệt may…
Công ty TNHH May An Thái chủ động tìm kiếm, sử dụng các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất dễ tái chế, dễ phân hủy |
CHỦ ĐỘNG THÍCH ỨNG
Ngày 16/5/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua quy định không gây mất rừng (EUDR). EUDR là quy định mới nhất của EU liên quan đến vấn đề phát triển xanh và bền vững; trong đó, quy định cụ thể về các sản phẩm nông nghiệp không gây mất rừng. Thời hạn hiệu lực để thực thi EUDR sẽ tính từ tháng 12/2024 và tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
EU tin rằng, quy định mới này là một công cụ hiệu quả, khuyến khích các công ty dệt may sản xuất các mặt hàng có tuổi thọ cao hơn và dễ tái chế hơn. EU cũng đang làm việc về các biện pháp pháp lý mới nhằm đảm bảo quyền sửa chữa cho người tiêu dùng châu Âu; giảm vi hạt nhựa trong môi trường; đưa ra các tiêu chí để chấm dứt hành vi tẩy xanh; đảm bảo các công ty thực hiện các bước trong quá trình thẩm định bền vững của doanh nghiệp. Đây là một phần trong chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững của EU tới năm 2030.
Theo nhận định của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, xu hướng xanh trong ngành dệt may là doanh nghiệp xây dựng một hệ sinh thái gồm các yếu tố chuyển đổi số, nhà máy thông minh, khí nhà kính, hệ thống tái chế toàn cầu… Đồng thời, các quy định mới của EU được dự báo sẽ ảnh hưởng đến cách các nhà sản xuất hàng dệt may kinh doanh ở châu Âu trong tương lai. Riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may ở Lâm Đồng, phần lớn chất thải dệt may hiện nay chưa thể tái chế thành quần áo mới vì nguyên liệu kém chất lượng hoặc bị pha trộn và tái chế hóa chất có tác động đến môi trường.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này còn gặp không ít khó khăn. Trong đó, nguồn cung nguyên phụ liệu cho ngành như bông, xơ, vải vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, khó kiểm soát được chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng. Khâu dệt nhuộm chưa hình thành được các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung và cũng còn chưa được nhiều địa phương tiếp nhận, phê duyệt triển khai do lo ngại ảnh hưởng đến môi trường…
Tơ lụa - một sản phẩm được đánh giá là có lợi thếxuất khẩu sang thị trường châu Âu |
Ông Nguyễn Viết Sơn - Giám đốc Công ty TNHH May An Thái chia sẻ, quy định mới hiểu nôm na là doanh nghiệp dệt may khi xuất bán quần áo sang thị trường EU, sau khi người tiêu dùng sử dụng xong, doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi, xử lý, tái chế. Hiện nay, doanh nghiệp cũng chưa rõ cách thức triển khai thế nào nhưng nếu phải áp dụng sẽ rất khó khăn. Giải pháp có thể thực hiện được sẽ là thông qua một công ty tại nước ngoài, họ sẽ thu hồi, chịu trách nhiệm xử lý và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải trả tiền. Tất cả đều tính vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm sẽ tăng cao.
Thực tế, các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh hiện còn thiếu nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ 4.0; nhân lực đáp ứng vận hành các khâu đòi hỏi kỹ thuật cao, hiện đại như dệt, nhuộm và thiết kế thời trang. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi sản xuất đòi hỏi nhu cầu vốn lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được.
Trước mắt, các doanh nghiệp cần tập trung sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may vào EU với các sản phẩm có tuổi thọ cao hơn và dễ tái chế. Trong đó, chú trọng sử dụng các loại sợi và vải chất lượng cao hơn, tốt nhất là bằng vật liệu tái chế; thử nghiệm, áp dụng những cách sản xuất mới, tập trung vào những cách dễ dàng để tân trang, tháo dỡ hoặc tái chế quần áo.
Một giải pháp quan trọng khác là các nhà sản xuất nên tranh thủ, thu hút sự tham gia của người mua hàng, nhà nhập khẩu vào quá trình này vì liên quan đến việc sử dụng các vật liệu mới, hiện đại và phương pháp sản xuất tương đối tốn kém, đòi hỏi sự đầu tư lớn. Việc phối hợp với nhãn hàng để thực hiện thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái; liên kết ngành, liên kết sản xuất để thiết lập các mô hình tuần hoàn quy mô lớn… sẽ giúp các doanh nghiệp dần thích ứng được với những quy định mới của EU.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin