Cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông vận tải

NGUYỄN NGHĨA 12:45, 16/02/2024

(LĐ online) - Ngày 16/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng chủ trì phiên họp thứ 9, để chỉ đạo triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Hội nghị tổ chức trực tiếp và trực tuyến nối đầu cầu Chính phủ với các 46 địa phương trên cả nước có các công trình, dự án quan trọng quốc gia.

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng

Tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Võ Ngọc Hiệp  – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cả nước đang thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, trong đó có động lực về đầu tư, bao gồm đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân và đầu tư toàn xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng, đầu tư công có vai trò quan trọng, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%.

Quang cảnh tại điểm cầu Lâm Đồng

Báo cáo của ngành GTVT tại phiên họp cho thấy, trong thời gian qua, công tác lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT được thực hiện nghiêm túc, các địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). 

Với các cao tốc từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, khai thác được khoảng 4,8 triệu mét khối cát và với trữ lượng khoảng 33 triệu mét khối đất. Đoạn Cần Thơ - Cà Mau, đã cung cấp được 16 triệu mét khối cát. Riêng 5 mỏ với trữ lượng 4,4 triệu mét khối đã được nhà thầu trình, tỉnh An Giang vẫn chưa hoàn thiện thủ tục. 

Các dự án Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Vành đai 4 Hà Nội, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu..., nguồn vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu, các địa phương đang triển khai thủ tục để khai thác. 

Còn một số dự án vẫn chưa xác định đủ nguồn cung cấp như: Dự án vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ. 

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Lâm Đồng

Công tác triển khai thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành 9/11 dự án giai đoạn 2017 - 2020 và dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ theo đúng kế hoạch, nâng tổng số đường cao tốc lên 1.892 km. 

5 dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây và đường vành đai tiến độ triển khai còn chậm, trừ một số gói thầu do thành phố Hồ Chí Minh và Long An (Vành đai 3), Hà Nội (Vành đai 4), Bà Rịa - Vũng Tàu (Biên Hòa - Vũng Tàu), Đắk Lắk và Khánh Hòa (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) làm cơ quan chủ quản triển khai cơ bản đáp ứng kế hoạch. 

Các Dự án cao tốc khác như Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang; Cao Lãnh - An Hữu; Bến Lức - Long Thành đang được các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai bám sát tiến độ đề ra. 

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và dự án Bến Thành - Suối Tiên, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang rà soát, tháo gỡ các vướng mắc.

Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, các gói thầu đang tổ chức thi công như gói thầu 5.10 nhà ga hành khách, gói thầu xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay đã được Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam, Tổng Công ty bay Việt Nam chỉ đạo các nhà thầu tích cực triển khai bám sát tiến độ.

Riêng tại Lâm Đồng, đang triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc  có tổng chiều dài khoảng 66km, trong đó, qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11km, tỉnh Lâm Đồng khoảng 55km. UBND tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện xong các thủ tục giao nhà đầu tư đề xuất dự án lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Bên cạnh những điểm tích cực, các dự án trọng điểm GTVT còn gặp khó khăn trong công tác GPMB, việc triển khai các thủ tục cấp mỏ cho nhà thầu còn chậm, đặc biệt là việc xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật tại một số địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Kiên Giang; riêng Đồng Nai còn chậm so với mặt bằng chung.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, các tỉnh chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với phần tăng thêm, làm ảnh hưởng đến tiến độ. 

Để tháo gỡ các khó khăn trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trong thời gian tới các địa phương cần giải quyết dứt điểm công tác GPMB, khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu xây dựng, hoàn thành các văn bản thủ tục liên quan. 

Bộ GTVT tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” bảo đảm hoàn thành dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo; các bộ, ngành chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, nhà thầu thi công việc thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tích cực triển khai các nội dung  liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.


Từ khóa:

Chính phủ