(LĐ online) - Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng vừa có buổi làm việc với Chi cục Thuế Khu vực Đà Lạt - Lạc Dương về tình hình, kết quả triển khai nhiệm vụ quản lý thuế, thu ngân sách tháng 2 và quý I/2024.
Quang cảnh buổi làm việc |
Theo báo cáo của Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương, tính đến 15/2/2024, tổng thu ngân sách nhà nước do đơn vị quản lý thu trên địa bàn TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương đạt trên 262 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch năm và bằng 110% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ thuế phí trên 160 tỷ đồng, thu từ nhà đất trên 97 tỷ đồng, ngoài ra là thu từ biện pháp tài chính.
Ngay từ những tháng đầu năm, đơn vị đã triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách theo tinh thần chỉ đạo của ngành Thuế và địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện các chính sách, nghĩa vụ thuế, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Cùng với đó, toàn ngành thực hiện công tác quản lý người nộp thuế, tổ chức đánh giá kết quả công tác quản lý thu của từng đội và toàn chi cục, qua đó tìm nguyên nhân, chỉ ra các biện pháp khắc phục để triển khai nhiệm vụ thu hàng tháng, hàng quý tiếp theo. Bên cạnh đó, Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương còn tập trung rà soát, triển khai các đề án Quản lý thuế, chống thất thu, rà soát các công trình, dự án xây dựng để đôn đốc thu nợ, phối hợp với các địa phương triển khai quyết toán thuế năm 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch.
Trên cơ sở những nội dung về tình hình, kết quả thu trong 2 tháng đầu năm và quý I/2024, hội nghị đã tập trung phát triển, trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến tình hình, triển khai nhiệm vụ công tác thu ngân sách, quản lý thuế trên địa bàn TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương; đồng thời đề xuất, góp ý các nhiệm vụ giải pháp, với quyết tâm thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác thu ngân sách năm 2024.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng Trần Phương phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Một trong những nhóm giải pháp đặt ra là chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế; theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách, từ đó kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND các cấp chỉ đạo các ban, ngành, địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai tốt các gói chính sách hỗ trợ; tạo môi trường cho doanh nghiệp, người nộp thuế nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh; đặc biệt chú trọng ứng dụng nền tảng số trong công tác tuyên truyền nhằm lắng nghe vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế nắm bắt kịp thời về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin