Sau một năm triển khai Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã xây dựng nhiều mô hình công nghệ mới trồng rau, hoa ngoài trời, bước đầu đánh giá nhiều kết quả khả quan.
Theo đó, TP Đà Lạt đã và đang triển khai 2 mô hình sản xuất hoa lay ơn Hà Lan ngoài trời tại Phường 11 (6.000 m2) và Phường 7 (3.000 m2), cho thấy khả năng sinh trưởng tốt. Hoặc 3 mô hình (2.000 m2/mô hình) tại Phường 5 và xã Xuân Thọ tháo dỡ nhà kính chưa đạt chuẩn và xây dựng quy trình sản xuất rau, hoa ngoài trời kết hợp bố trí cây xanh, hệ thống đường nội bộ, mương thoát nước, hồ chứa nước, đảm bảo hài hòa giữa sản xuất trong nhà kính về hệ sinh thái ngoài trời.
Tại xã Tu Tra và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương với 2 mô hình (10.000 m2/mô hình) ứng dụng công nghệ IoT đã giúp nông dân tiếp cận, điều khiển hệ thống tự động tưới nước, châm phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đối với cây rau sản xuất ngoài trời.
Đáng kể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã và đang phối hợp Hiệp hội Hoa Đà Lạt thực hiện Đề án Nhập khẩu giống hoa bản quyền phục vụ sản xuất giai đoạn 2021 - 2025, bước đầu đã xác định một số giống hoa hướng dương, thược dược có thể trồng ngoài trời…
Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã phê duyệt sản xuất thử nghiệm diện rộng đối với 1 giống hoa nhập nội có bản quyền canh tác ngoài trời.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Quản lý nhà kính nói trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề xuất triển khai 3 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng tâm đến năm 2030. Đó là đánh giá tác động nhà kính đối với cảnh quan môi trường và hệ sinh thái nông nghiệp; cải tạo, phục hồi chất lượng đất trong nhà kính đáp ứng yêu cầu sản xuất ngoài trời, sản xuất hữu cơ; tuyển chọn và phát triển sản xuất một số giống rau, hoa trồng ngoài trời đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin