Đồng bộ cơ giới hóa

VĂN VIỆT  06:23, 21/02/2024

Chiến lược đến năm 2030, huyện Cát Tiên triển khai đồng bộ cơ giới hóa, đạt các tỷ lệ 60%, 80% và 85% các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm lần lượt đối với trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
 
Theo đó, các loại cây trồng chủ lực gồm cà phê, rau, lúa, bắp, dâu tằm, cây ăn trái được huyện Cát Tiên cơ giới hóa các khâu làm đất, đào hố, tưới nước tự động kết hợp cung cấp dinh dưỡng, thiết bị bay không người lái, công nghệ sấy, chế biến ướt, chế biến khô, ứng dụng công nghệ IoT trong quản lý trang trại, thu hoạch đảm bảo chất lượng nguyên liệu, sử dụng máy gặt đập liên hợp, máy sấy, nhà nuôi tằm, mái che hiện đại…

Với chăn nuôi, huyện Cát Tiên sử dụng các loại máy cắt, băm, nghiền, xay xát, trộn thức ăn tự động, máy ép viên thức ăn, vắt sữa tự động, robot cung cấp thức ăn, nước uống; xử lý chất thải chăn nuôi thành các sản phẩm nhiệt điện, phân bón hữu cơ.

Với nuôi trồng thủy sản, huyện Cát Tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến tự động xử lý chất thải, phụ phẩm; đồng bộ cơ giới hóa từ khâu sản xuất giống, thức ăn đến chăm sóc, thu hoạch và chế biến…

“Huyện Cát Tiên sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản, chế biến đa dạng hóa sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch. Đặc biệt tăng cường chế biến sâu, tăng khả năng cạnh tranh, kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm… ” - UBND huyện Cát Tiên cho biết thêm. 

Theo đó, huyện Cát Tiên tiếp tục khuyến khích đầu tư mở rộng, đảm bảo năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Qua đó, toàn huyện Cát Tiên đạt mục tiêu mỗi năm giảm từ 2% đến 4% tổn thất sau thu hoạch nông sản; hơn 70% cơ sở chế biến, bảo quản nông sản với công nghệ trung bình tiên tiến trở lên; tốc độ gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt hơn 8% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030…