Sau nhiều năm dày công xây dựng, măng cụt Bảo Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Măng cụt Bảo Lộc”. Đây là cơ hội lớn để người trồng măng cụt địa phương đưa loại trái cây đặc trưng này đến người tiêu dùng trong cả nước.
Mô hình sản xuất măng cụt của gia đình ông Vũ Phi Hùng (xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc) được chọn làm đề tài “Quản lý hiện tượng biến dạng quả măng cụt tại tỉnh Lâm Đồng” |
• HÀNH TRÌNH ĐẾN THƯƠNG HIỆU
TP Bảo Lộc với khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai màu mỡ, nên nhiều loại cây trồng ở vùng đất này đã tạo ra những giá trị riêng biệt ít vùng đất nào có được.
Trong các loại trái cây thì măng cụt được mệnh danh là “nữ hoàng”. Tại vùng đất Bảo Lộc, cách đây khoảng 50 năm, cây măng cụt được một số ít hộ dân trồng thử nghiệm, chủ yếu để che bóng mát cho vườn. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cây măng cụt là một trong những loại cây trồng được người dân Bảo Lộc lựa chọn đầu tư phát triển.
Để thay thế cho các loại cây trồng không hiệu quả, người dân Bảo Lộc đã chủ động phát triển khá mạnh diện tích cây măng cụt, đa số là trồng xen trong vườn cà phê hoặc với các loài cây ăn trái khác. Hiện, toàn thành phố đang có hơn 231 ha măng cụt; trong đó, diện tích măng cụt trong giai đoạn kinh doanh 115,5 ha. Năng suất trung bình của măng cụt Bảo Lộc đạt 74,06 tạ/ha và sản lượng bình quân đạt 855 tấn/năm. Cây măng cụt được trồng chủ yếu trên địa bàn các phường, xã như Lộc Sơn, B’Lao, Lộc Tiến, Phường 2, Lộc Thanh, Đam B’ri và Lộc Châu.
Trong những năm qua, măng cụt Bảo Lộc luôn có mức giá ổn định từ 40 đến 55 ngàn đồng/kg (lúc cao điểm giá măng cụt Bảo Lộc đạt trên 70 ngàn đồng/kg). Nếu so sánh với các vùng, khu vực trồng khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giá măng cụt Bảo Lộc luôn cao hơn các khu vực khác từ 15 đến 20 ngàn đồng/kg. Bởi vì, măng cụt Bảo Lộc có chất lượng rất khác biệt so với măng cụt các vùng khác. Trái măng cụt Bảo Lộc rất ngon, lớp vỏ mỏng, đẹp, căng mịn và bóng đều, cơm dày, trắng muốt, độ chua ngọt rất thanh và ít bị sượng.
Ông Nguyễn Văn Nhâm - Trưởng Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc, cho biết: Sau quá trình khảo sát thực tế và đánh giá cụ thể tiềm năng phát triển cũng như chất lượng của trái măng cụt, đặc biệt là hiệu quả kinh tế mang lại, địa phương đã xây dựng hồ sơ trình các ngành chức năng cấp chứng nhận nhãn hiệu riêng. Ngày 18/9/2023, “Măng cụt Bảo Lộc” chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm. Đây là cơ hội để địa phương có sự định hướng người nông dân đầu tư phát triển bền vững cây măng cụt trong thời gian tới.
• CƠ HỘI CHO MĂNG CỤT BẢO LỘC
Sau khi được cấp Chứng nhận nhãn hiệu, mùa vụ năm 2023, TP Bảo Lộc đã triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, kết hợp việc lập hồ sơ xin cấp mã vùng trồng, mã đóng gói, gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm măng cụt Bảo Lộc. Đồng thời, địa phương cũng hỗ trợ, tạo điều kiện để các nông hộ, đại lý thu mua măng cụt quảng bá thương hiệu, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ trên khắp cả nước.
Trưởng Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc cho hay, trong năm 2023, đơn vị đã cấp 60.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các nông hộ trồng cây măng cụt. Đơn vị đang tiếp tục cấp khoảng 80.000 tem truy xuất nguồn gốc để các nông hộ triển khai trong mùa vụ năm 2024. Qua đó, giúp các hộ dân trồng măng cụt dán tem để bảo vệ thương hiệu “Măng cụt Bảo Lộc”, tránh tình trạng trộn trái măng cụt nơi khác, ảnh hưởng tới uy tín măng cụt địa phương.
Ông Vũ Phi Hùng, một hộ dân trồng măng cụt tại xã Lộc Thanh (TP Bảo Lộc), cho biết, gia đình có 4 ha cây măng cụt trồng thuần, với hơn 700 gốc, trong đó hơn 250 cây đang cho trái với sản lượng đạt khoảng 20 tấn/năm. Không chỉ có diện tích cây măng cụt lớn nhất trên địa bàn TP Bảo Lộc, ông Nguyễn Phi Hùng cũng là một trong những đầu mối thu mua trái măng cụt của các nông hộ trên địa bàn. Theo đó, những hộ dân trồng xen cây măng cụt với diện tích ít sẽ lựa chọn liên kết, cung cấp trái cho những nhà vườn đầu mối như ông Hùng. Từ đó, trái măng cụt được dán tem truy xuất nguồn gốc để cung cấp ra thị trường.
Sau khi được cấp Chứng nhận nhãn hiệu “Măng cụt Bảo Lộc”, đây là cơ hội không thể tốt hơn để người nông dân địa phương đầu tư mở rộng diện tích; đồng thời, liên kết sản xuất, tiêu thụ cung cấp sản phẩm măng cụt cho các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Vũng Tàu…
Để cây măng cụt phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo ổn định đầu ra, TP Bảo Lộc đang triển khai xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất tại các địa phương. Tiêu chuẩn xây dựng chuỗi liên kết là hỗ trợ người nông dân xây dựng các mô hình sản xuất măng cụt theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, thiết lập các vùng chuyên canh cây măng cụt trên địa bàn Bảo Lộc được sự bảo hộ của cơ quan có thẩm quyền.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin