Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng bắt đầu triển khai các nhóm giải pháp bứt phá trong năm 2024, nhằm góp phần đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên toàn tỉnh.
Cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp Lâm Đồng trong năm 2024 với tỷ lệ trồng trọt 82- 83% |
• CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI CHỦ LỰC
Mục tiêu trong năm 2024, toàn tỉnh Lâm Đồng đạt tổng diện tích gieo trồng 412.411 ha, tăng gần 2,1% so với năm 2023. Trong đó, cơ cấu diện tích cây lúa 25.238 ha; cây chè 11.078 ha; dược liệu 815 ha (tăng 200%); bắp 8.247 ha (tăng 16%); dâu tằm 11.082 ha (tăng 8,1%); hoa 10.879 ha (tăng 7,3%); rau 80.062 ha (tăng 5,7%); cây ăn quả 39.602 ha (tăng 5,6%). Riêng cây cà phê phát triển 172.591 ha (giảm 1,8%). Sản lượng các cây trồng chính dự kiến tăng từ 1,04% đối với cây chè đến gần 109% đối với cây điều.
Để cơ cấu các diện tích cây trồng chủ lực trong năm 2024, toàn tỉnh Lâm Đồng chuyển đổi hơn 16.560 ha diện tích kém hiệu quả sang cải tạo, trồng mới đạt giá trị kinh tế cao hơn. Cụ thể, tái canh, ghép cải tạo 7.520 ha cà phê; chuyển đổi cơ cấu trên 1.736 ha đất lúa, gần 1.120 ha cây điều, hơn 6.185 ha cây trồng khác, góp phần giảm diện tích canh tác có giá trị dưới 50 triệu đồng/ha/năm xuống còn gần 31.292 ha.
Cũng trong năm 2024, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất an toàn với 8.400 ha rau VietGAP; 1.500 ha rau hữu cơ; 88.000 ha cà phê 4C, UTZ…
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tăng phần lớn đàn gia súc, gia cầm năm 2024 so với năm 2023. Trong đó, đàn bò thịt 75.325 con, bò sữa 25.485 con, tăng từ 1,9% đến 2%; đàn dê 14.260 con (tăng 5%), đàn heo 463.640 con (tăng 4,5%); đàn gia cầm 10.690 con (tăng 1%); 125.560 đàn ong mật (tăng 2%); nuôi trồng thủy sản 2.354 ha (có 54,5 ha nuôi cá nước lạnh), tăng 1%.
“Giải pháp bứt phá đối với trồng trọt là tập trung chuyển đổi, phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, cấp mã số và kiểm soát chất lượng vùng trồng. Với chăn nuôi, tiếp tục tăng đàn bò sữa, bò thịt và gia cầm tại các khu vực phù hợp; phát triển đàn heo trang trại quy mô lớn; xây dựng cơ sở nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm đảm bảo chất lượng; hình thành vùng nguyên liệu trồng dâu, nuôi tằm ổn định trên toàn tỉnh…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng xác định.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu |
Gắn đổi mới phương thức sản xuất với chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm theo nhu cầu thị trường, ngoài các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp trong nước, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng mở rộng diện tích trồng trọt theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, chế biến nông sản quy trình HACCP; xây dựng và chứng nhận 34 mã số vùng trồng đối với một số nông sản chủ lực đáp ứng các điều kiện xuất khẩu, nhất là đối với sản phẩm sầu riêng; công nhận mới ít nhất 25 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP xếp hạng 5 sao.
Đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp sơ chế, chế biến nông sản; xây dựng mới và nhân rộng các Trung tâm Sau thu hoạch. Ngoài ra, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã và tổ hợp tác, làm hạt nhân phát triển hệ thống chuỗi liên kết giá trị gia tăng trên địa bàn. Phấn đấu trong năm 2024, toàn tỉnh Lâm Đồng thành lập mới ít nhất 20 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số lên 445 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó trên 50% hợp tác xã hoạt động xếp loại khá, tốt. Qua đó hình thành mới ít nhất 50 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, nâng tổng 253 chuỗi trong năm 2024. Tương ứng với tổng diện tích trồng trọt theo chuỗi liên kết 54.000 ha, sản lượng hơn 570.000 tấn; chăn nuôi 1,1 triệu con, sản lượng hơn 170.000 tấn. Tỷ lệ 100% sản lượng nông sản thuộc chuỗi liên kết đều đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nội địa và xuất khẩu.
Triển khai đồng bộ các giải pháp bứt phá trong năm 2024 nêu trên, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đạt tốc độ tăng GRDP toàn ngành 5,1- 5,2%. Trong đó, tăng 5 - 5,5% lĩnh vực trồng trọt; 5 - 6% chăn nuôi; 3 - 4% dịch vụ; 1 - 2% thủy sản. Cơ cấu tỷ lệ trồng trọt 82-83%, chăn nuôi 15 - 16%, dịch vụ 2 - 3%; chiếm 36,1 - 36,6% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin