Ngành Công thương đánh giá tình hình sản xuất, cung cầu dịp Tết và triển khai nhiệm vụ thời gian tới

DIỄM THƯƠNG 18:22, 16/02/2024

(LĐ online) - Sáng 16/2, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến "Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới".

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì; tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng có ông Hoàng Trọng Hiền - Giám đốc sở Công thương Lâm Đồng cùng đại diện các sở, ngành có liên quan tham dự.

Tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Công thương là ngành đảm bảo sản xuất vật chất, điều phối lưu thông của nền kinh tế đất nước. Để đảm bảo nhiệm vụ của Bộ, sẽ không chỉ bằng nỗ lực của chính mình mà rất cần sự vào cuộc của các các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước.

Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhằm tập hợp tình hình sản xuất kinh doanh, cung ứng mặt hàng thiết yếu nhất là điện, xăng dầu. Đồng thời, khởi động năm kế hoạch, nền tảng thắng lợi của không chỉ năm 2024 mà còn là kế hoạch 2021- 2026.

Theo báo cáo hội nghị, nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích phong phú, đa dạng kết hợp với một số chương trình khuyến mại, giảm giá sâu vào những ngày sát Tết nên giá cả hàng hoá ổn định so với ngày thường và chỉ tăng nhẹ so với Tết năm trước do giá đầu vào tăng.

Tại các chợ truyền thống, nguồn cung cũng được tăng cường và khá dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt nhóm hàng tươi sống, trái cây và rau, củ, quả, giá cả có xu hướng tăng nhẹ so với ngày thường nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Phần lớn các hệ thống phân phối mở cửa muộn ngày 30 Tết. Về giá cả mặt hàng lương thực nhìn chung so với cùng kỳ năm trước, giá các loại gạo ở mức cao hơn từ 5-15% nhưng không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá hầu hết các mặt hàng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ, không đáng kể. Thực phẩm chế biến giá ổn định trong những ngày cận Tết và tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt hàng rượu, bia, bánh mứt kẹo, giá các mặt hàng rượu bia, bánh mứt kẹo tương đối ổn định so với ngày thường và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do chi phí tăng.

Về các loại rau, củ, quả, trái cây do thời tiết thuận lợi nên nguồn cung rau củ quả khá dồi dào, đa dạng, giá tương đối ổn định trong những ngày Tết. Đối với mặt hàng trái cây, giá một số loại trái cây ngon để trưng cúng trong dịp Tết như cam canh, quýt đường, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa... tăng nhẹ so với ngày thường.

Năm nay, do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của hoa, cây cảnh nên nguồn cung dồi dào cộng thêm việc sức mua yếu nên giá cũng có xu hướng giảm so với năm trước.

Tại tỉnh Lâm Đồng, nhìn chung, năm nay sức mua tăng không đáng kể so với năm 2023, hàng hóa được cung ứng đầy đủ kịp thời, không khan hiếm hàng; mặt hàng xăng dầu được các doanh nghiệp lớn tham gia dự trữ đã kịp thời cung ứng đầy đủ không thiếu hàng.

Các đơn vị kinh doanh hàng hóa đều có kế hoạch phục vụ tết, bố trí nhân lực, vị trí, thời gian hợp lý để cung ứng hàng hóa cho khách hàng. Tại các chợ hạng 1 trên địa bàn tỉnh thời gian phục vụ Tết đến ngày 30 Tết, ngày mùng 2 Tết chợ bán hàng trở lại; tại các siêu thị bán đến trưa 30 Tết, nghỉ mùng 1 Tết, ngày mùng 2 Tết bán hàng trở lại. Sức mua tăng tập trung vào những ngày sát Tết, xu hướng tiêu dùng cũng như hàng năm được người tiêu dùng lựa chọn tới những nơi cung cấp có uy tín, hàng hóa được niêm yết rõ ràng. Hầu hết các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân đều ổn định, một số mặt hàng thiết yếu tại chợ tăng 5-10% so với ngày thường.

Những ngày trong Tết, người dân chủ yếu vui xuân đón Tết; siêu thị, chợ, các cửa hàng tiện lợi, bách hóa, nhà hàng, quán ăn mở bán phục người dân địa phương và du khách. Sức mua mấy ngày này tại thành phố Đà Lạt tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023, do số lượng khách du lịch tăng khoảng 20% hơn so với năm 2023.

Hầu hết các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, du khách đều ổn định. Thời gian trước và trong Tết, thị trường tương đối ổn định, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá quá mức để tạo nên tình trạng khan hiếm ảo, nhằm thu lợi bất chính; không có vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Về tình hình nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương, các đơn vị chức năng của Bộ Công thương tập trung cao độ việc rà soát nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, kịp thời phản ánh với cấp trên những gì vượt thẩm quyền, đồng thời triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch các địa phương, nhất là quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản. "Trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, nếu chúng ta vận dụng kịp thời, triển khai quyết liệt hiệu quả tại các địa phương sẽ tạo ra dư địa và xung lực mới cho các địa phương, đồng thời cung cấp nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đây là cơ sở rất tốt để các địa phương cất cánh,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ trưởng lưu ý các địa phương chú trọng thực hiện tốt cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống với phương châm trong bất kỳ tình huống nào cũng không để xảy ra đứt gãy nguồn cung; tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát tín hiệu thị trường, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại (FTA), cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công thương đã xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.