Xã hội ngày càng phát triển và đòi hỏi mỗi ngành nghề, lĩnh vực phải bắt kịp xu thế thời đại tri thức. Trong sản xuất nông nghiệp, xuất hiện những nông dân nhanh nhạy nắm bắt, áp dụng thành công khoa học, kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Họ sống hết mình với đồng đất, với quê hương, làng xóm.
TRỒNG TRỌT THÔNG MINH
Anh Vũ Đức Nghi (27 tuổi, ngụ tại xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc) là một mẫu hình của người nông dân thời đại mới về bản lĩnh, trí tuệ và hiện đại trong cách nghĩ, cách làm nông nghiệp. Chính từ sự nhạy bén, sức trẻ, sau nhiều năm gắn bó đến nay, anh Nghi đã xây dựng cho mình một vườn lan rừng bạc tỷ. Nhiều năm qua, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, hàng ngàn giò lan rừng của anh Nghi lại đua nhau khoe sắc đủ các màu trắng, vàng, tím, đỏ… khiến ai ai cũng phải trầm trồ, mê đắm.
Anh Vũ Đức Nghi bên vườn lan rừng công nghệ cao |
Theo chia sẻ của anh Nghi, bí quyết để thành công với mô hình trồng lan rừng là phải bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Từ đó, bản thân chủ động học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, kiến thức về lan để áp dụng vào thực tế sản xuất. Hiện tại, vườn lan rừng của anh đều được chăm sóc hoàn toàn tự động từ khâu tưới nước, bón phân đến điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong nhà kính.
Đến nay, anh Nghi đang sở hữu vườn lan rừng rộng hơn 3.000 m2, với trên 10.000 giò, chậu lan rừng các loại. Trong đó, có nhiều giống lan quý hiếm như trầm rồng đỏ, Hawaii tím, kim điệp, giả hạc chớp Mỹ 5 cánh trắng, giả hạc Di Linh, giả hạc đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ và giả hạc 5 cánh trắng Hòa Bình… Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, anh Nghi dự kiến sẽ xuất bán từ 2.000 đến 3.000 giò lan đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cũng giống như anh Nghi, anh Phạm Thế Tuấn (36 tuổi, ngụ tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) là một người trẻ dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng dấn thân với nông nghiệp công nghệ cao. Tại huyện Bảo Lâm, Mô hình Trồng rau khí canh của anh Tuấn là mô hình đầu tiên với những thành công ngoài mong đợi.
Anh Phạm Thế Tuấn là hình mẫu của người nông dân hiện đại với mô hình trồng rau khí canh nổi tiếng tại xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) |
Mô hình rau của anh được xây dựng hoàn toàn ngoài tự nhiên, với kiến trúc khá độc đáo. Vườn rau thiết kế và thi công trên hệ thống sàn gỗ, bắc ngang dọc, phía dưới tận dụng nuôi các loại cá. Ống trụ nhựa được khoan từ 50 - 52 lỗ kết hợp chậu làm chân để dẫn khí trồng rau. Rau được trồng vào các lỗ nhỏ này, rễ nằm kín trong lòng ống, thân cây hướng ra ngoài để nhận ánh sáng quang hợp tự nhiên từ mặt trời.
Anh Tuấn chia sẻ: “Đối với mô hình khí canh này, cây rau hút chất dinh dưỡng và nước qua hệ thống phun sương tuần hoàn được lập trình sẵn cho từng loại rau và thời điểm đảm bảo các loại rau sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Từ đó, rễ cây rau thu nhận dinh dưỡng từ hệ thống phun sương tự động và lọc không khí nuôi thân. Chất dinh dưỡng mà rau hấp thụ hoàn toàn từ nước, khí trời kèm dung dịch trao đổi chất từ phân vi sinh hữu cơ. Để vận hành hệ thống phun khí sương thông minh tự động này, tôi lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để chủ động nguồn điện ổn định nhất đảm bảo các công đoạn chăm sóc vườn rau”.
Hiện tại, sản phẩm rau khí canh của anh Tuấn đến với người tiêu dùng có giá bán từ 60 - 100 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, anh Tuấn thu hoạch từ 4,5 - 5 tấn rau sạch các loại. Để người tiêu dùng chủ động lựa chọn các loại rau ưa thích, anh Tuấn đã xây dựng ứng dụng bán hàng VAfarm và website www.raukhicanh.vn. Thông qua ứng dụng này, người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn cho mình những loại rau ưa thích và được giao tận nhà.
CHĂN NUÔI HIỆN ĐẠI
Cũng giống như trồng trọt, trong chăn nuôi đòi hỏi người nông dân phải có sự hiểu biết để áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào xây dựng trang trại và chăm sóc đàn vật nuôi.
Nói về các mô hình, trang trại chăn nuôi hiện đại, thân thiện với môi trường phải kể đến Mô hình Nuôi dê Boer anh Vũ Quang Chính (30, ngụ tại Thôn 3, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc). Mô hình Chăn nuôi dê Boer được đầu tư theo hướng tự động, khép kín với quy mô gần 1.000 m2. Sau nhiều năm gây dựng, đến nay, anh Chính đang sở hữu hơn 500 con dê sinh sản. Đàn dê của anh Chính được chăm sóc trong môi trường nuôi nhốt hoàn toàn, với hệ thống chuồng trại được đầu tư bài bản. Trong đó, nhiều khâu chăm sóc như nước uống, điều khiển nhiệt độ, độ ẩm chuồng trại, cho dê nghe nhạc… hoàn toàn tự động.
Mô hình nuôi dê công nghệ cao thân thiện với môi trường của anh Vũ Quang Chính mang lại nguồn thu nhập cao |
Theo anh Chính, dê Boer sinh sản trung bình mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con. Đối với dê sinh sản, nuôi từ 8 - 10 tháng đạt trọng lượng từ 50 - 60 kg/con. Dê thịt đang được anh xuất bán với giá từ 130 - 150 ngàn đồng/kg cho các đầu mối nhà hàng thu mua tại TP Hồ Chí Minh theo đơn đặt hàng. Riêng dê gây giống đạt trọng lượng từ 50 - 60kg/con đối với dê cái và từ 80 - 100 kg/con đối với dê đực và được anh xuất bán từ 450 - 500 ngàn đồng/kg.
Thời gian qua, anh Chính đã nhân thêm nhiều trang trại vệ tinh cho các hộ dân tại các xã Lộc Tân, Lộc Ngãi, Lộc Quảng và Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) với quy mô từ 50 - 60 con dê sinh sản/trại. Cùng với xuất bán dê thịt, mỗi năm mang về cho gia đình anh nguồn lợi nhuận gần 2 tỷ đồng. Hiện tại, anh Chính đang tìm hiểu để liên kết mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi dê vệ tinh tại các huyện phía Nam như Đạ Tẻh và Cát Tiên.
Hay như Mô hình Nuôi bò vỗ béo của gia đình ông Lê Minh Tuấn (phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc), khởi nghiệp từ 2 con bò mua về vỗ béo, đến nay, ông Tuấn đã có trong tay đàn bò gần 200 con và mang lại nguồn lợi nhuận từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm.
Theo ông Tuấn, tất cả các mô hình chăn nuôi đòi hỏi phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật cao gắn với công nghệ hiện đại và quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt từ vệ sinh, phòng bệnh đến thức ăn…
Nhờ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và chăn nuôi đúng quy trình, đến nay, ông Tuấn luôn duy trì đàn bò vỗ béo gần 200 con với các giống bò siêu thịt ngoại nhập như 3B (BBB), Brahman và Red angus thuần chủng của Úc và bò Chorolais của Pháp. Để vỗ béo đàn bò siêu thịt, ông Tuấn đã chọn cách chăm sóc bò theo quy trình TMR - Total Mixed Ration (quy trình phối trộn thức ăn hỗn hợp cho bò). Với quy trình vỗ béo đàn bò thịt, sau 10 - 12 tháng, đàn bò có thể đạt trọng lượng từ 600 - 700 kg/con. Sau khi xuất bán mang lại cho gia đình ông nguồn lợi nhuận từ 13 - 15 triệu đồng/con.
Ông Bùi Đình Tưởng - Chủ tịch Hội Nông dân TP Bảo Lộc, cho biết: Nông nghiệp hiện đại, thông minh là xu thế tất yếu, nhưng để có được thành công là cả một quá trình nỗ lực không ngừng của những người nông dân đam mê với nghề, gắn bó với nền sản xuất nông nghiệp. Từ đó, họ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nghiên cứu, tìm tòi, đột phá trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp để làm giàu cho gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin